Ở một con hẻm thật yên tĩnh mà lại không xa phố phường Sài Gòn náo động, có một nơi lưu giữ đến hơn 100 chiếc máy Akai chạy băng cối (magnetic) và vô số thiết bị nghe nhìn của một thời đã xa. Bộ sưu tập có một không hai này thuộc về chủ nhân một quán cà phê vừa mở cửa cách đây không lâu. Một quán đẹp và cổ kính, có bàn tay chăm sóc mỹ thuật của một họa sĩ nổi tiếng.
Trong số những máy Akai đủ loại, từ nho nhỏ xinh xắn đến to tướng, được sản xuất theo từng serie được trưng bày ở đây, có chiếc Akai 345 xưa cũ nhất nhưng trông vẫn như mới xuất xưởng. Bên cạnh loạt máy Akai từ đời M 4 đến M 11 từng thịnh hành lúc bấy giờ, còn có chiếc Akai 747 đời cuối khi mà máy nghe băng từ không còn được sản xuất nữa vào thập niên 1980. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thực sự chấm dứt thời đại băng magnetic, cũng như khi băng nhựa ra đời đã kết thúc thời hoàng kim của những máy chạy đĩa than cũng được lưu giữ khá nhiều tại đây. Ở một góc khiêm tốn trong quán còn có những chiếc radio chạy bằng bóng đèn đời đầu tiên với kích thước đồ sộ, âm thanh phát ra không phải từ nam châm để làm rung màng loa mà bằng dòng điện. La Tamia còn sở hữu năm máy khuếch đại âm thanh chạy bằng bóng đèn – những amplifier có lẽ là cuối cùng trước khi transitor – chất bán dẫn được phát minh.
Ngoài những thiết bị nghe nhạc kể trên, ở La Tamia còn có những thiết bị của phòng thu âm xa xưa của hãng Studer, Thụy Sĩ. Điều thú vị là tất cả những máy móc ở tuổi cụ kỵ ấy đều trong tình trạng sử dụng tốt. Cụ thể như chiếc ampli chạy bằng bóng đèn có công suất 35W phát nhạc qua chiếc Akai hoạt động suốt từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm mỗi ngày! Nói đến ampli thì không thể bỏ qua những cái loa. Thu hút thị giác khách đến với quán là cặp loa cổ do hãng Altec Lansing (Mỹ) chuyên sản xuất loa, nổi tiếng từ những năm 1920. Với cặp loa lạ mắt này thì nghe nhạc với máy chạy đĩa than thật hết chỗ chê!
Sinh ra ở Huế, lớn lên ở Sài Gòn và học hành ở Hà Nội, Trần Văn Nghĩa – chủ nhân La Tamia – có niềm đam mê tuyệt đối dành cho thiết bị nghe nhìn cổ kính. Trong bộ sưu tập cực kỳ quý hiếm của anh còn có những máy chiếu phim 8mm, 16mm, máy ảnh, đèn măng-sông…, cùng hàng ngàn băng nhạc Việt với khoảng 300 chủ đề, 500 bộ băng cải lương, hàng ngàn đĩa than nhạc Việt và nhạc nước ngoài… Năm 2003, Nghĩa đã mở quán Nhạc Xưa ở Tân Bình, sau đó có thêm phiên bản ở Q.3… Cách đây vài tháng, anh cùng họa sĩ Trịnh Thanh Tùng thuê lại một biệt thự cũ đã xuống cấp trầm trọng, cải tạo nó trở thành La Tamia hôm nay.
Theo họa sĩ Trịnh Thanh Tùng thì: “Có những người yêu thích những giai điệu của một thời đã xa nhưng phải được chuyển tải bằng những thiết bị thật xưa cũ. Làm thế nào để có một không gian riêng dành cho họ? Chúng tôi đã hình thành một không gian thật tĩnh lặng, gần gũi với chất thiền, sử dụng các gam nâu và đen chủ đạo. Thêm một số tượng điêu khắc được đưa vào làm điểm nhấn, tạo những góc ngồi ngoài trời cùng với những giò phong ở hiên nhà. Điều chúng tôi tâm đắc nhất trong thiết kế nội thất của quán là tìm mua được những bộ salon có từ thập niên 1950, thậm chí có bộ ghế đã hơn 100 tuổi đời…”.
Và lặng lẽ nơi này… La Tamia!
- Bài Vũ Duy Giang, Ảnh Nam Bùi