Mùa xuân này, trong hành trình đến với đô thị cổ Hội An, du khách bốn phương đã có thêm một điểm tham quan mới: Trung tâm văn hóa đất nung Thanh Hà, nơi lịch sử hình thành và phát triển của một làng nghề lâu đời được phục dựng thật sinh động bên trong một công trình kiến trúc nhà bằng đất nung độc đáo và thẩm mỹ.
Tác giả và cũng là chủ đầu tư công trình kiến trúc đó là kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên, một người con của làng gốm Thanh Hà. Sinh ra, lớn lên ở Thanh Hà, tuổi thơ của Nguyên không thể thiếu những ngày vui đùa, vọc, nghịch đất sét, thứ chất liệu mà với bàn tay khéo léo của người thợ và sau quá trình nung với lửa sẽ cho ra các sản phẩm dân dã: bình, hũ, vại, nồi… hay những chiếc mặt nạ, những con tò he yêu thích của tuổi thơ.
Một công trình tâm huyết
Gốm rồi trở thành nỗi ám ảnh đối với Nguyên khi anh rời quê nhà vào Sài Gòn học trường kiến trúc. Anh vẽ và làm tượng gốm mỹ thuật thời sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, các công trình dân dụng đầu tiên do anh thiết kế cũng gắn liền với gốm… Và với Công viên văn hóa đất nung Thanh Hà thì Nguyên đã có một công trình tâm huyết để đời, cả về quy mô của kiến trúc cũng như những giá trị nhân văn mà nó chứa đựng. Công trình, như lời tác giả thổ lộ, không chỉ hiện thực hóa ước mơ của “những người con làng gốm đi xa và trở về” mà còn là sự đầu tư thiết thực “để kích thích hoạt động của làng nghề, để cố gắng bảo lưu những truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã giữ gìn trong gần năm thế kỷ”.
Về mặt tổ chức không gian kiến trúc, Trung tâm văn hóa đất nung Thanh Hà lấy hình ảnh cái bàn chuốt hình tròn của người thợ gốm làm trung tâm chính của bố cục tổng thể, với hai khối chính của công trình (bảo tàng và nhà trưng bày) được cách điệu từ hình ảnh của hai loại lò chính là lò úp và lò ngửa, trong đó bảo tàng là khối úp mang ý nghĩa lưu giữ những giá trị truyền thống còn khu trưng bày là khối mở thể hiện sự phát triển của làng nghề và giao thoa văn hóa với thế giới bên ngoài.
Trên tổng diện tích khuôn viên, phần xây dựng chỉ chiếm 18,4%, còn lại dành cho sân – đường nội bộ (33,6%), khu trưng bày ngoài trời (13,5%) và phần lớn nhất là mảng xanh – hồ nước (34,5%), nên bước vào Trung tâm văn hóa đất nung Thanh Hà, khách tham quan được sống trong cảm giác thật sảng khoái như được trở về với thiên nhiên, sống với đời thường của một làng gốm qua tất cả các công đoạn làm nên sản phẩm.
Các kỳ quan kiến trúc thế giới bằng gốm
Ngoài các sản phẩm đặc trưng của làng gốm Thanh Hà, Công viên văn hóa đất nung Thanh Hà còn giới thiệu sản phẩm gốm thuộc các làng nghề nổi tiếng như: Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Chu Đậu, Hương Canh…, tác phẩm gốm mỹ thuật của nhiều nghệ sĩ sáng tác trên gốm. Song đặc sắc nhất phải kể đến các tấm phù điêu khổ lớn thể hiện lịch sử và hoạt động của làng nghề Thanh Hà và những kỳ quan kiến trúc thế giới thu nhỏ được làm bằng đất nung, tất cả đều do bàn tay của các nghệ nhân địa phương.
Hàng loạt những công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới được làm bằng gốm dù thu nhỏ thật chi tiết, như Bãi đá cổ Stonehenge (Anh), Tượng Nữ thần Tự do (Mỹ), Tháp nghiêng Pisa (Ý), Kim tự tháp Ai Cập, Nhà hát Opera Sydney (Úc), Khải hoàn môn Paris (Pháp), Đấu trường La Mã (Ý), Lâu đài Taj Mahal (Ấn Độ)… là “hàng độc” của Công viên văn hóa đất nung Thanh Hà. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết, một bộ sưu tập các địa danh hay công trình lịch sử – văn hóa ở Việt Nam như: Phố cổ Hội An, Đại nội Huế, hồ Hoàn Kiếm… đang được thực hiện để làm phong phú thêm hành trình tham quan của khách khi đến với Công viên văn hóa đất nung Thanh Hà.
Khu bảo tàng gốm: trưng bày các hiện vật, hình ảnh, mô hình… liên quan đến quá trình hình thành và phát triển làng gốm Thanh Hà; bên cạnh đó là không gian trưng bày định kỳ các triển lãm gốm (triển lãm điêu khắc trên chất liệu gốm, triển lãm sáng tác mới tượng gốm, triển lãm gốm thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh…), hình ảnh đẹp về làng gốm…
Khu trưng bày ngoài trời: cũng là không gian cảnh quan với các tượng gốm có kích thước lớn; đặc biệt là khu trưng bày quần thể mô hình thu nhỏ các di sản văn hóa thế giới và Việt Nam được các nghệ nhân làng Thanh Hà tạo tác bằng chất liệu gốm.
Khu làng nghề Nam Diêu: giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của làng gốm Thanh Hà như: hũ, bình, gốm trang trí nội thất, ngoại thất, tượng gốm…
Khu trại sáng tác: nơi tổ chức định kỳ các cuộc thi sáng tác dành cho nghệ sĩ trẻ và những người quan tâm đến sản phẩm gốm. Ở đây, du khách có thể tự tay làm đồ gốm hay các kỷ vật gốm cho riêng mình. Mặt khác, đây cũng là nơi tạo mẫu mã mới phục vụ cho nhu cầu sản xuất chung của làng nghề, và còn là nơi đào tạo các thế hệ mới tiếp tục phát triển làng nghề, nơi tiếp cận công nghệ mới có thể áp dụng vào sản xuất.
Khu vực dịch vụ và xúc tiến thương mại: trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm sản xuất tại chỗ… đồng thời là nơi xúc tiến thương mại với thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Ảnh Hồ Xuân Bổn