Tại MYD gallery (Tokyo, Nhật Bản) Kiến trúc sư Makoto Yamaguchi cùng Nhiếp ảnh gia Kentaro Kumon đã tổ chức triển lãm có tên “Shakkei – Neighboring Textures”, giới thiệu đến công chúng những góc nhìn về mối tương quan giữa vườn Nhật Bản và cảnh quan xung quanh. Một triển lãm để lại nhiều suy ngẫm cho giới chuyên môn trong bối cảnh của đời sống hiện đại.
Shakkei có nguồn gốc từ tiếng phổ thông Trung Hoa, âm Hán Việt là Tá Cảnh, dịch nghĩa đen là một cảnh quan vay mượn. Nhà làm vườn chuyên nghiệp Ayse Pogue thuộc Trung tâm Elizabeth Hubert Malott Japanese Garden tại Chicago Botanic Garden cho biết: “Shakkei là một kỹ thuật trong đó tầm nhìn xa được kết hợp vào khung cảnh khu vườn và trở thành một phần của thiết kế vườn Nhật Bản có lịch sử từ xa xưa”. Theo đó, những người làm vườn từ thời Heian (794-1185 sau Công nguyên), khi triều đình Nhật Bản chuyển thủ đô đến vùng Kyoto ngày nay, đã biết tận dụng môi trường xung quanh làm nền cho cảnh quan khu vườn của họ. Từ đó, tạo nên một phong cách đặc trưng của các khu vườn Nhật Bản.
Kiến trúc sư Makoto Yamaguchi (sinh năm 1972), trong quá trình làm luận án Tiến sĩ của mình, đã đi tham quan rất nhiều công trình kiến trúc và vườn Nhật Bản. Từ chỗ quan sát kỹ lưỡng các khu vườn, khái niệm và kỹ thuật shakkei đã khiến anh chú tâm và say mê tìm hiểu. Không muốn diễn đạt shakkei bằng câu chữ, anh đã sử dụng máy ảnh để ghi lại một cách trực quan. Nhưng anh cũng nhận thức đúng về khả năng của mình, đồng thời muốn mượn cách diễn đạt thông qua hình ảnh của người khác về những khái niệm mà mình đã chia sẻ. Cùng với Nhiếp ảnh gia Kentaro Kumon, anh đã thực hiện những chuyến tham quan lại những khu vườn nổi tiếng trên khắp đất nước trong thời gian gần hai năm. Họ cùng nhau suy ngẫm các khía cạnh văn hóa Nhật Bản và tìm kiếm những chi tiết của các cảnh quan “vay mượn” xung quanh khiến một khu vườn Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn, trong đó yếu tố vật liệu khác nhau cùng tồn tại cạnh nhau cũng là một chi tiết đáng chú ý. Họ đã bắt đầu chuyến đi từ những khu vườn giữa thủ đô Tokyo hiện đại và kết thúc nơi những khu vườn của cố đô Kyoto cổ kính. Từ đó, kiến trúc sư Yamaguchi đã chỉ ra rằng không có sự phân chia thực sự giữa truyền thống và hiện đại, mà cả hai có liên quan mật thiết với nhau. Và manh mối để giải mã mối quan hệ này chỉ có thể được tìm thấy khi tìm hiểu sâu trong văn hóa truyền thống tại chính các khu vườn Nhật Bản. Nói một cách nào đó, là cần phải đến tận nơi để hiểu bằng chính trải nghiệm của mình. Thông qua cuộc triển lãm này, với những cảnh quan vay mượn vào khu vườn Nhật Bản, kiến trúc sư Yamaguchi cũng muốn đưa ra một thông điệp cởi mở, một cái nhìn không định kiến với những kiến trúc hiện đại đang mọc lên trong các khu đô thị. “Tôi nghĩ rằng mọi người thường không thích sự hiện diện của các tòa nhà chọc trời và kiến trúc hiện đại khác xung quanh một khu vườn Nhật Bản. Nhưng tôi tin rằng việc cố tình đưa chúng vào tầm nhìn cũng có thể tạo ra những cảnh quan mới. Nếu kiến trúc hiện đại đã trở thành phong cảnh vay mượn, tôi nghĩ rằng nó có thể được nhìn thấy trong một ánh sáng mới, như một yếu tố tích cực mới của các khu vườn Nhật Bản”.
Đó là một ý tưởng tích cực và có phần cấp tiến trong bối cảnh phát triển đô thị như vũ bão. Nhưng giữa truyền thống và hiện đại trong đời sống hiện nay luôn nằm ở một trạng thái cân bằng thật mong manh. Những tòa nhà cao tầng, đa phần trong nhận xét của mọi người, là dường như đã phá hỏng không chỉ tầm nhìn hay bối cảnh một khu vườn mà còn ảnh hưởng cả một vùng cảnh quan chung rộng lớn. Điều này không chỉ xảy ra riêng chỉ ở Nhật Bản mà là ở tại tất cả các quốc gia khác trên thế giới.
Chính vì thế, những bức ảnh trong triển lãm “Shakkei – Neighboring Textures” của Makoto Yamaguchi và Kentaro Kumon khiến đánh động nhận thức cốt lõi của số đông người thưởng lãm và từ đó hy vọng mở ra nhiều thảo luận, tổng kết làm tiền đề cho một cách tư duy mới về thiết kế cảnh quan, thiết kế kiến trúc trong đời sống hiện nay.
– Hình ảnh: Kentaro Kumon
Triển lãm trưng bày tại MYD gallery (Tokyo, Nhật Bản) đến hết ngày 30-7-2022
Bạn có thể xem online tại website: www.shakkei.jp/en hay www.mydgallery.jp
- Xem thêm: Vườn thiền Nhật Bản