Trong thế giới thiết kế nội thất – lĩnh vực sáng tạo không ngừng định hình phong cách sống của con người, có những bóng hồng đã lưu lại dấu ấn không thể phai mờ. Họ không chỉ tạo ra những không gian đẹp mà còn thay đổi cách chúng ta cảm nhận và tương tác với môi trường xung quanh.
Từ việc phá vỡ những ranh giới về giới trong ngành thiết kế, đến việc đưa triết lý sống và tính nhân văn vào từng công trình, các nhà thiết kế nội thất nữ đã chứng minh rằng sáng tạo không có giới hạn. Họ mang đến một góc nhìn tinh tế, nhạy cảm nhưng đầy bản lĩnh – nơi sự mềm mại kết hợp với tư duy hệ thống, cảm xúc đi cùng công năng.
Không chỉ góp phần làm nên diện mạo mới cho ngành nội thất đương đại, họ còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ – những người đang tìm kiếm con đường riêng trong lĩnh vực đầy cạnh tranh này. Sự hiện diện và ảnh hưởng của họ không chỉ thể hiện qua những dự án nổi bật, mà còn thông qua cách họ kể câu chuyện sống bằng ngôn ngữ của không gian.
Hãy cùng nhìn lại hành trình của những người phụ nữ đang định nghĩa lại thế nào là một không gian sống đẹp – không chỉ về thẩm mỹ, mà còn về cảm xúc, bản sắc và chiều sâu văn hóa. Dù đến từ những nền tảng khác nhau, họ đều chung một điểm: biến nội thất không chỉ là nơi ở, mà là một trải nghiệm sống trọn vẹn và đầy cảm hứng.
Elsie de Wolfe (1865–1950) – Mẹ đẻ của nghề thiết kế nội thất

Người tiên phong đặt nền móng cho lĩnh vực thiết kế nội thất trở thành một ngành nghề độc lập chính là Elsie de Wolfe. Trước khi có sự xuất hiện của nữ thiết kế, việc trang trí nội thất chủ yếu do kiến trúc sư hoặc thợ thủ công thực hiện, với các không gian sống thường mang nặng phong cách Victoria tối tăm, rườm rà. Mang niềm tin rằng không gian sống phải mang lại sự thư thái, thoải mái, phản ánh gu thẩm mỹ cá nhân thay vì tuân theo những quy chuẩn cứng nhắc, Elsie de Wolfe đã thổi làn gió mới nhẹ nhàng, thanh thoát và tinh tế hơn vào những công trình do bà thiết kế.


Một trong những công trình nổi tiếng nhất của bà là Câu lạc bộ Colony ở New York – câu lạc bộ đầu tiên dành cho phụ nữ tại Mỹ. Loại bỏ những yếu tố trang trí nặng tính nam như màu sắc tối, nội thất gỗ nặng nề, không gian của Else bừng sáng với sơn tường nhạt, nội thất mây đan, những dây thường xuân len lỏi dưới ánh nắng chiếu xuyên qua các ô cửa sổ lớn. Dấu ấn của Elsie de Wolfe không chỉ nằm ở những thiết kế mà còn ở tư duy đổi mới, giúp định hình nghề thiết kế nội thất như một lĩnh vực chuyên nghiệp thực sự, và hơn hết là nguồn cảm hứng bất tận về người phụ nữ mạnh mẽ, táo báo, sống hết mình với mục đích kiến tạo cái đẹp.

Dorothy Draper (1889–1969) – Nữ hoàng của phong cách Hollywood Regency
Theo đuổi phong cách thiết kế sang trọng, hoành tráng và đậm chất điện ảnh, những thiết kế của Dorothy Draper luôn mạnh mẽ, táo bạo và đầy kịch tính. Không ngại sử dụng những màu sắc rực rỡ và họa tiết ấn tượng, bà thường phối hợp những gam màu tương phản mạnh như đỏ son đi cùng xanh lục bảo, hay trắng – đen kết hợp với ánh kim lấp lánh. Các công trình qua đôi bàn tay của Dothory luôn mang một sự xa hoa đầy mê hoặc, tựa như những thước phim Hollywood thời hoàng kim.

Một trong những kiệt tác của Dorothy Draper là khách sạn Greenbrier, nơi bà biến không gian trở thành một thế giới tràn đầy màu sắc, hoa văn và cảm giác vương giả. Tư duy đột phá của Dorothy Draper đã giúp bà trở thành một trong những nhà thiết kế nội thất có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.



Charlotte Perriand (1903–1999) – Người phụ nữ của chủ nghĩa hiện đại

Là một trong những cộng sự quan trọng của Le Corbusier, Charlotte Perriand nhà thiết kế nội thất tiên phong trong phong trào hiện đại. Nếu Dorothy Draper yêu thích sự xa hoa, rực rỡ, thì Charlotte lại theo đuổi sự tối giản, thực tế và mang đậm tính công năng. Bà tin rằng thiết kế nội thất không chỉ đơn thuần là làm đẹp mà trên tất cả, nội thất phải phục vụ nhu cầu thực tế của con người. Do đó, bà chú trọng đến việc tận dụng ánh sáng tự nhiên, giúp không gian trở nên thoáng đãng và dễ chịu hơn.
Những thiết kế biểu tượng của Charlotte Perriand nổi bậc nhất là LC4 Chaise Lounge, thiết kế vào năm 1928 cùng với Le Corbusier và Pierre Jeanneret. Chiếc ghế có khung thép cong uốn lượn, được thiết kế để ôm sát cơ thể người nằm, mang lại cảm giác thư giãn tối đa. Với lớp đệm da cao cấp và đường nét hiện đại, LC4 Chaise Lounge đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa hiện đại và vẫn được sản xuất rộng rãi cho đến ngày nay.


Eileen Gray (1878–1976) – Thiết kế hài hòa giữa nghệ thuật và công năng

Không chỉ là một nhà thiết kế nội thất, Eileen Gray còn là một kiến trúc sư tài năng với tư duy đột phá. Sinh ra tại Ireland và trưởng thành trong môi trường nghệ thuật tại Paris, bà có nền tảng vững chắc về Art Deco, nhưng lại bị cuốn hút bởi tư duy tối giản của chủ nghĩa hiện đại. Tất cả yếu tố hòa trộn tạo nên một phong cách thiết kế độc nhất với sự kết hợp của đường nét đơn giản, kết cấu linh hoạt và vật liệu mới, nơi sự thanh lịch của nghệ thuật thủ công hòa quyện với tính tiện dụng của thiết kế công nghiệp.
Rất nhiều thiết kế nổi tiếng của Eileen Gray có thể kể đến như là E1027 – một trong những biểu tượng của thiết kế nội thất hiện đại – chiếc bàn có thể điều chỉnh độ cao linh hoạt, giúp người dùng dễ dàng sử dụng ở nhiều không gian khác nhau. Với tư duy đi trước thời đại, hiện nay nhiều sản phẩm nội thất của bà vẫn được sản xuất và ưa chuộng trên toàn thế giới.


India Mahdavi (sinh năm 1962) – Nữ hoàng của màu sắc và sự vui tươi
Khác với đa số nhà thiết kế nội thất hiện đại theo đuổi tông màu trung tính và tối giản, India Mahdavi lại đi theo một hướng hoàn toàn khác: tràn đầy màu sắc, vui nhộn và mang đậm cá tính. India tin rằng màu sắc có thể tạo ra cảm xúc, và bà không ngần ngại sử dụng những gam màu rực rỡ như hồng pastel, xanh lá, vàng nghệ, tím lavender… để biến không gian trở nên sống động và đầy cảm hứng. Các thiết kế của bà thường có sự kết hợp độc đáo giữa hình khối mềm mại, đường cong nữ tính và chất liệu sang trọng như nhung, gỗ bóng, đá cẩm thạch.

Một trong những thiết kế nổi tiếng nhất của India Mahdavi chính là không gian phòng trà The Gallery tại nhà hàng Sketch, London – một căn phòng toàn màu hồng pastel, với những bộ sofa nhung hồng sang trọng và những bức tranh vẽ tay tinh nghịch treo trên tường. Điểm đặc biệt trong phong cách của India Mahdavi là cách bà biến màu sắc thành ngôn ngữ của thiết kế. Hơn cả yếu tố trang trí, Mahdavi khiến chúng trở thành một phần quan trọng thể hiện cảm xúc và cá tính của không gian. Nhờ đó, những công trình của bà luôn mang lại cảm giác vui tươi, lạc quan và tràn đầy năng lượng.



Kelly Wearstler (sinh năm 1967) – Thiết kế biểu tượng của sự xa hoa và quyền lực
Theo đuổi phong cách sang trọng, đậm chất nghệ thuật và phá cách, Kelly Wearstler là một trong những cái tên có ảnh hưởng nhất trong giới thiết kế nội thất tại Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực khách sạn và bất động sản cao cấp. Những thiết kế của Kelly pha trộn giữa các yếu tố đối lập: Hiện đại nhưng vẫn mang cảm giác hoài cổ, xa hoa nhưng không quá phô trương, táo bạo nhưng vẫn đầy tinh tế. Bà không ngại kết hợp những họa tiết đậm chất graphic, sử dụng bảng màu rực rỡ hoặc đưa vào không gian những món đồ nội thất có hình dáng phi truyền thống.

Dấu ấn trong sự nghiệp của Kelly Wearstler phải kể đến chuỗi khách sạn Proper Hotels tại Mỹ. Những khách sạn này không chỉ sang trọng mà còn mang đậm chất nghệ thuật, sử dụng bảng màu phong phú, họa tiết cầu kỳ và những món đồ nội thất bespoke được thiết kế riêng. Không đơn thuần là không gian sống, những thiết kế của Kelly còn là tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự tự tin, quyền lực và cá tính mạnh mẽ. Khẳng định tài năng qua những không gian kiến tạo sang trọng và nghệ thuật, bà đã trở thành nhà thiết kế được nhiều ngôi sao Hollywood và giới thượng lưu tin tương khi muốn tạo ra những không gian nội thất độc đáo và đẳng cấp.

