_____
Sinh năm 1990, tốt nghiệp K14 chuyên ngành Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang, Đậu Phi Bách tiêu biểu cho lứa kiến trúc sư “9X” đời đầu, được đào tạo, rồi vào nghề trong bối cảnh hoạt động kiến trúc Việt Nam đang dần năng động hơn bởi lớp kiến trúc sư đàn anh đang nỗ lực hòa nhập với cộng đồng kiến trúc thế giới và ít nhiều để lại dấu ấn. Điều này cũng tác động và tạo nguồn cảm hứng cho những người trẻ như Phi Bách. Ở tuổi 27, Đậu Phi Bách “lận lưng” hai thiết kế đã được xây dựng (Uncle’s House – tạp chí Nội Thất 253 và ngôi nhà trong bài viết này) cùng một số dự án đang triển khai.
Như nhiều đồng nghiệp khác, Phi Bách mong muốn thông qua công việc của mình có thể góp phần thay đổi nhận thức về kiến trúc, về nhà ở của chủ đầu tư theo hướng tích cực hơn. Tất nhiên, để làm được điều đó, bên cạnh năng lực chuyên môn thì kỹ năng đối thoại và thuyết phục chủ đầu tư rất quan trọng.
_____
Ở ngôi nhà này – theo Phi Bách – vẫn có những “chỗ này, chỗ kia” chưa ổn, mà khúc mắc nằm ở đâu đó trong quá trình tương tác giữa đôi bên. “Mình không thể gạt bỏ sự tham gia ý tứ của chủ đầu tư vào ngôi nhà của họ mặc dù từ góc độ chuyên môn thì ý đó chưa phải là lựa chọn tốt nhất.
Trong trường hợp ấy thì chỉ nỗ lực định hướng để sản phẩm trở nên tốt hơn”, anh bày tỏ. Ngôi nhà tọa lạc trong khuôn viên rộng 21m x 40m, đất có hai mặt tiền, diện tích xây dựng khoảng 220m², thuộc địa phận huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Khi khảo sát địa bàn, Phi Bách nhận thấy các ngôi nhà ở đây đều có kiểu mái thái na ná nhau, rất chán.
Đó là hệ quả của kiểu xây dựng tự phát, nhà này bắt chước nhà kia. Anh muốn thay đổi điều này, muốn mọi người hiểu rằng nếu có đầu tư thực sự về mặt thiết kế thì ngôi nhà của họ sẽ tốt hơn thế nào.
Mặt khác, trên địa bàn vẫn còn vài ngôi nhà xây dựng từ thời Pháp, với các hàng hiên, lam… rất đẹp và hợp lý. Bên cạnh đó là một số ngôi nhà của đồng bào dân tộc, làm bằng ván, mái dốc… Theo Phi Bách, những công trình đó có một chút văn hóa của Việt Nam, chỉ thay đổi theo vùng miền.
Ngôi nhà mới này thiết kế dựa trên các yếu tố đó, mái dốc chứ không phải mái bằng, các hàng hiên mở ra sân vườn… Với diện tích xây dựng 220m², ngôi nhà là hai khối đan vào nhau, khối trước là nhà trệt, khối gồm bếp và hai gác lửng. Căn nhà có quy mô bốn phòng ngủ, đáp ứng nhu cầu của gia đình có năm thành viên.
Hai gác lửng là phòng của hai người con lớn, phòng ngủ master và phòng ngủ còn lại dưới tầng trệt. Diện tích rộng, không gian dàn trải nhưng chủ yếu là không gian sinh hoạt chung và thiên nhiên chiếm ưu thế. Các phòng ngủ đều nhỏ, chỉ dành để ngủ. Ngôi nhà này là sự kết hợp chủ yếu của các loại vật liệu thô mộc: gạch trần, gỗ tự nhiên, tường tô hồ rồi sơn, không sử dụng bột trét, lối đi quanh sân trong được lát đá tự nhiên.
Có một điều thú vị là chủ đầu tư cũng làm việc trong lĩnh vực xây dựng nên ông biết tìm những người làm tốt nhất trong từng hạng mục để quá trình xây dựng được thuận lợi. Tuy nhiên, Phi Bách cũng phải “chiến đấu” với kiểu nhận thức về nhà ở và quan điểm thẩm mỹ vốn quen thuộc ở địa phương để bảo vệ những cái mới mà anh tin là sẽ tốt hơn cho chủ đầu tư. “Tôi muốn người dân ở địa phương nhận ra rằng kiến trúc nhà ở không chỉ có “nhà mái thái”, anh cho biết.
Ngôi nhà được hoàn thành vào năm 2016, không biết chừng ấy thời gian từ đó đến nay có đủ để thay đổi điều gì không, nhưng sự thực là chủ đầu tư đã có được một ngôi nhà tốt. Chàng kiến trúc sư trẻ Đậu Phi Bách cũng có thêm được nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế và tương tác với khách hàng của mình. Điều đó thật hữu ích, vì trước mắt anh còn cả một chặng đường dài.
Công trình HP House, Lâm Đồng
Thiết kế: KTS Đậu Phi Bách
3 Atelier – Email: 3.architects.atelier@gmail.com
Hình ảnh: Quang Trần