Câu chuyện về ngôi nhà này không liên quan đến việc nó đẹp hay xấu, đạt hiệu quả cao hay thấp, bởi hình ảnh về công trình đã phần nào trả lời. Quá trình để làm nên ngôi nhà mới là điều đáng kể: một ngôi nhà kết nối những tình thân!
Nói vậy bởi ngôi nhà chính là cơ hội để người con thể hiện năng lực của mình, để người cha hưởng thành quả từ sự đầu tư của mình cho đứa con ăn học, và cũng là món quà cho người chú, tương xứng niềm tin của ông khi trao ngôi nhà của mình cho đứa cháu còn trẻ cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm thực hiện. Có thể nói, chính quá trình xây nhà đã tạo cơ hội để các nhân tố kể trên tương tác với nhau, hiểu nhau và ngôi nhà hình thành là một kết thúc viên mãn.
Phải bắt đầu từ người chú – chủ đầu tư của ngôi nhà. Gia đình ông có bốn thành viên, gồm vợ chồng và hai con một trai một gái, vốn có ngôi nhà và sạp bán giày dép ở một khu chợ đông đúc. Nhân việc khu chợ cũ sắp chuyển đi nên ông cũng muốn thay đổi môi trường sống, dời nhà xa hơn để hai đứa trẻ có một không gian trong lành, gần gũi với thiên nhiên hơn. Phải mất vài ngày lang thang với thằng cháu là kiến trúc sư mới ra trường, ông mới dẫn thằng cháu về mảnh đất của mình và chia sẻ rằng mình muốn làm một ngôi nhà và nhờ cháu thiết kế.
Khu đất nằm trên mặt tiền đường quốc lộ, cũng khá ồn ào và nhiều bụi bặm. Nhiệm vụ của người cháu là làm sao để ngôi nhà mới hạn chế được các yếu tố kể trên, đồng thời tạo nên một không gian sống gần gũi với thiên nhiên, có vườn rau, ao cá… là nơi bọn trẻ có thể leo trèo, chơi đùa cùng cây cỏ, phụ mẹ trồng rau, cùng cha nuôi cá. Người cháu nhận lời với vốn liếng là những ký ức tuổi thơ và kiến thức chuyên môn học được từ trường, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Có điều thú vị là những “thiếu hụt” của cậu con trai đã được lấp đầy bằng chính kinh nghiệm của người cha. Ông vốn chỉ là một người “thợ làng”, kiểu đụng đâu làm đấy, song có rất nhiều kinh nghiệm trong nghề xây và nghề mộc nên trong dự án này, ông có vai trò như một “chủ thầu” xây dựng.
Xây nhà cho em trai mà người thiết kế lại chính là cậu con trai của mình, đây là một “ca” khá đặc biệt, nhưng cũng là dịp để mọi người hiểu nhau nhiều hơn. Cậu con trai thú thực rằng cậu lựa chọn kiến trúc hoàn toàn do sở thích cá nhân, cha cậu chỉ chăm chút động viên về tinh thần và các điều kiện học tập, còn việc cậu ra trường có thể làm và làm được gì vẫn là một câu hỏi với người cha và cậu phải trả lời bằng chính công việc của mình. Ngôi nhà này chính là cơ hội ấy.
Trong quá trình làm việc, hai cha con đã trò chuyện với nhau rất nhiều, có những ý tưởng cậu chỉ nghĩ ra, nhưng chưa biết cách làm nào là tốt nhất thì người cha – bằng kinh nghiệm của mình – đã đưa ra những gợi ý và giải pháp thực sự hiệu quả. Cậu đã học được rất nhiều từ chính công việc và kinh nghiệm của cha cậu; ở chiều ngược lại, từ việc xây dựng ngôi nhà, người cha hiểu con trai hơn, nhận ra khả năng cũng như công việc mà con trai lựa chọn.
Riêng với người chú, khi đã nhờ đứa cháu thiết kế, ông giao toàn quyền cho cháu quyết định và đã rất kiên nhẫn để chờ dọn về ở trong ngôi nhà mới. Nói “kiên nhẫn” là bởi thời gian thi công kéo dài hơn dự kiến một chút do sự cầu toàn của đứa cháu. Vừa thi công vừa “binh” phương án các chi tiết, lại sử dụng nhiều vật liệu cũ nên việc kết hợp với nhau sao cho đạt hiệu quả cao nhất là điều mà chàng kiến trúc sư trẻ mong muốn, nhưng cũng làm chậm tiến độ khiến ông chú sốt ruột.
Để rồi, khi dọn về ngôi nhà mới, chủ nhân ngôi nhà đã rất hài lòng vì nó vượt quá những gì ông trông đợi, cũng khác biệt so với mặt bằng chung là các ngôi nhà ở địa phương. Đó không chỉ là một nơi để sống, mà còn là chốn để hưởng thụ, để thay đổi một vài thói quen cũ, khiến cho cuộc sống trở nên tích cực hơn.
Ngôi nhà mang dáng dấp của vùng cao nguyên Di Linh, là sự kết hợp nhiều vật liệu cũ, mới và các vật liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương, có không gian chứa đầy nắng gió cao nguyên và những hoài niệm toát lên từ vật liệu, từ sự chăm chút kỹ lưỡng về mặt thẩm mỹ.
Đúc kết về việc xây dựng ngôi nhà, người thiết kế cho rằng đây là một công trình nhỏ, nhưng mang lại nhiều giá trị lớn. Chắc chắn, người kiến trúc sư trẻ này có cơ sở để nhận định như vậy.
Địa điểm công trình: Di Linh – Lâm Đồng
Thiết kế: 3 Atelier – 0937490021
Xây dựng: Đậu Trọng Minh +…
Hình ảnh: Quang Trần
- Xem thêm: Ngôi nhà Sài Gòn nuôi dưỡng tình yêu