Đó không phải là một khu vườn Huế đúng nghĩa mà là một khu nhà rường Huế với sáu ngôi nhà được bố trí liên hoàn, bao quanh một hồ nước mà từ nhiều năm qua đã trở thành một địa chỉ văn hóa, “một nơi để các nhà nghiên cứu Huế, anh em văn nghệ sĩ cố đô đến đàm đạo, thưởng trà ngắm nguyệt” theo lời chủ nhân – một người khá nổi tiếng trong lĩnh vực sưu tập, phục chế kiến trúc nhà ở đặc trưng của xứ cố đô.
Về Huế hỏi thăm “ông Vinh nhà rường” thì rất nhiều người biết. Bởi hơn 25 năm qua, ông Dương Đình Vinh đã hết lòng hết sức bảo tồn, gìn giữ một vốn quý của Huế dù cũng trải qua lắm nỗi truân chuyên. Có thể nói nhà rường Huế nói riêng và loại hình nhà rường ở nhiều địa phương trong nước nói chung nay đã trở thành quen thuộc với số đông người là nhờ công sức đáng kể của “ông Vinh nhà rường”.
Hiện đại hóa nhà rường Huế
Tại sao lại gọi công trình xây dựng của mình là “vườn” thay vì “phủ”, “biệt phủ”… như cách một số chủ nhân đã dùng, ông Vinh cho biết: “Tôi nghĩ chữ ‘vườn’ thích hợp hơn, gần gũi hơn với xứ Huế; ‘vườn’ thì giản dị, không quá cao sang, ai cũng có thể bước vào…”. Do vườn Ngự Hà nằm trên một khu đất không rộng nên chủ nhân không thể đưa vào đầy đủ số nhà rường như ông mong muốn, tổ chức không gian cũng chưa đáp ứng yêu cầu của ông, tuy nhiên những gì được sắp đặt công phu trong khuôn viên cũng “phác thảo” được những nét đẹp của kiến trúc nhà rường với những thành tố như trường lang, hiên, chòi bát giác, cổng ngõ, nhà thủy đình, hồ sen… đi cùng đồ dùng, vật liệu trang trí nội thất phù hợp, tất cả toát lên thần thái đặc trưng của kiến trúc và văn hóa Huế. Riêng cánh cổng dẫn vào vườn Ngự Hà đã được ông Vinh nghiên cứu kỹ và phục dựng đúng kiểu cổng nhà rường Huế xưa, không pha tạp kiểu Tàu hay Đài Loan như thấy ở nhiều khu nhà rường khác. Đóng “vai chính” trong vườn Ngự Hà là ngôi nhà rường ba gian hai chái nằm ở chính diện, nơi được chủ nhân đầu tư, chăm chút đến từng chi tiết. Nét đặc biệt ở đây là chủ nhân đã mạnh dạn “hiện đại hóa” cách sống trong một kiến trúc truyền thống, trong các phòng ngủ đều có phòng tắm, toilet hiện đại, sạch sẽ.
Ông bảo: “Có sống trong nhà rường xưa cũ thì cuộc sống hôm nay phải tiện nghi, vệ sinh, đảm bảo sức khỏe. Ngày trước nhà rường Huế thường chật chội, không thông thoáng và thiếu ánh sáng. Nay mình làm lại, sao không mở rộng lòng nhà cho thoáng đãng. Ngay sàn nhà cũng có thể lát đá mà chẳng hại gì đến vẻ đẹp vốn có của nhà rường. Ngày trước, do không có điều kiện nên ông bà mình chưa thể lát sàn bằng đá, bây giờ vật liệu xây dựng phong phú, có thể chọn thứ thích hợp với kiến trúc nhà rường sao mình lại ngại làm vậy sẽ ‘phá nhà rường’?”.
Một đời mê mải nhà rường
Là anh ruột cố họa sĩ Dương Đình Sang, trước năm 1975 ông Vinh từng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và đã có thời gian mở gallery Art Decor trên đường Đồng Khởi, TP. Hồ Chí Minh. Cái đẹp trong hội họa cũng gần gũi cái đẹp trong kiến trúc, đặc biệt là với những công trình cổ. Nên sự bén duyên rồi nặng nợ với nhà rường của ông Vinh là điều dễ hiểu.
Ông Vinh nhớ lại: chỉ khoảng vài năm sau 1975, từ phố thị đến miền quê xứ Huế, nhiều gia đình đã bắt đầu rục rịch phá bỏ nhà rường “một tàn tích của thời phong kiến” để xây nhà kiểu mới. Được tin, vốn sẵn máu mê nhà rường được truyền từ thời ông nội đến thời cha, ông Vinh bỏ hết công việc đang làm, bán mấy mẫu đất ở TP. Hồ Chí Minh rồi bay ra Huế, mua cả trăm “xác nhà rường” với giá rất rẻ vì “mua như mua củi”. Nhưng “ôm vô rồi mới thấy lo, mất ăn mất ngủ vì tình hình lúc ấy không thuận lợi để phục chế và dựng lại nhà rường” – theo lời ông. Sau đó nhờ bạn bè là các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, văn nghệ sĩ, nhà báo lên tiếng ủng hộ việc gìn giữ một di sản kiến trúc truyền thống thuần Việt nên ông mới bắt tay phục dựng. Cùng với lòng say mê và quyết tâm, ông Vinh dành nhiều thời gian tìm hiểu tư liệu, kiến thức về nhà cổ qua các nhà nghiên cứu, về mặt kỹ thuật thì học hỏi các nghệ nhân lâu năm ở các làng nghề như Mỹ Xuyên (Huế), La Xuyên (Nam Định)…
Có được hiểu biết rành rẽ về nhà rường của cả ba miền đất nước, song ông Vinh vẫn tâm đắc nhất nhà rường Huế, bởi theo ông, kinh đô Huế trải qua mấy trăm năm tồn tại đã hình thành một nền kiến trúc tiêu biểu, phong phú và tinh tế, vì là nơi hội tụ những nghệ nhân tài hoa bậc nhất của cả nước, nơi họ đem hết tài sức của mình để xây dựng các công trình kiến trúc, trong đó có loại hình nhà rường Huế có tỷ lệ cân đối, đường nét mềm mại, nhiều thành phần được chạm khắc công phu, tỉ mỉ, giàu tính nghệ thuật… Từ những gì ông đã làm được trong hơn 20 năm qua, ông Vinh nay được mời đến nhiều địa phương để thực hiện những công trình có sự hiện diện của nhà rường Huế. Hai dự án công trình lớn mà ông đang thực hiện là Làng du lịch đảo Thới Sơn ở Tiền Giang và Khu du lịch giải trí Happy Land ở Long An.
“Tôi chỉ có một mong muốn lớn nhất là được chính quyền địa phương hỗ trợ để thuê một khu đất đủ rộng nhằm trưng bày, triển lãm 20 ngôi nhà rường Huế đã được phục dựng một cách hoàn thiện. Đó là những mẫu nhà rường tiêu biểu của nền kiến trúc văn hóa Huế cần được mọi người, trong và ngoài nước đến nghiên cứu tham quan và hoàn toàn miễn phí. Tâm nguyện của tôi là để lại cho đời sau một mảng di sản kiến trúc nhà ở truyền thống của cố đô”, ông Vinh tâm sự.
- Ảnh Hồ Xuân Bổn