Mấy năm trước, chúng tôi từng đến thăm khu vườn Huế của chị Bội Trân trên đồi Thiên An, mới đây trở lại không khỏi ngỡ ngàng bởi khu vườn ngày càng được chủ nhân đầu tư, chăm chút với bao tâm huyết, công phu, thể hiện đầy đủ bản sắc của hệ vườn Huế, góp phần làm nên một không gian văn hóa Huế thâm trầm. Đặc biệt là những kiến trúc nằm trong khu vườn với nhiều phong cách nhưng hài hòa bên nhau giữa cảnh quan thiên nhiên êm đềm, lặng lẽ.
Chiếc cổng gỗ dày với mái ngói đỏ mở ra, dẫn vào một lối đi rộng một bên là hàng trúc ken dày, một bên là cỏ cây xanh mượt, bước chân của khách đã thấy phiêu diêu – đây rồi: Ngõ ban sơ hạnh ngân dài/ Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua (thơ Bùi Giáng). Thấp thoáng dưới những tàng cây của cả một khu rừng nhỏ là hoa đua chen khoe sắc thắm. Trời vừa chuyển sang đông, cây lộc vừng dù đã hết mùa trổ bông nhưng trên cành vẫn nán lại sắc đỏ thắm của những dây hoa cuối cùng. Đó đây trong vườn là nhiều loại cây cảnh đã có tuổi thọ của cả đời người, như những thân thiên tuế, hoa sứ… già nua. Và đẹp chưa kìa là màu tím Huế của hoa súng trong hai hồ nước rộng ở đầu vườn và cuối vườn, nơi có tiểu đình lục giác để chủ nhân cùng khách quý ngồi thưởng trà ngắm trăng.
Có năm ngôi nhà được dựng trong khu vườn rộng chừng 5.000m2 ấy. Ở bên trái theo hướng ngõ vào vườn là ngôi nhà rường Huế năm gian hai chái rộng 200m2, làm bằng gỗ lim đã có tuổi trên thế kỷ, được chủ nhân làm nơi trưng bày tranh của gallery mang tên chị. Cạnh đó là ngôi nhà rộng đến 400m2, được thiết kế theo phong cách kiến trúc thuộc địa và cũng là không gian dành cho nghệ thuật: tầng trệt làm gallery, tầng lầu có ba phòng lớn, một làm xưởng vẽ của chủ nhân, còn lại dành cho các họa sĩ, các nhà nghiên cứu đến làm việc. Một trường lang rất rộng bên hông nhà vừa có chức năng ngăn cái nắng chiều hướng tây vào nhà, vừa là nơi tiếp bạn bè văn nghệ trong và ngoài nước. Thật đáng ngạc nhiên khi được biết chính chị Bội Trân là tác giả thiết kế ngôi nhà thật đẹp này.
Có lẽ gây ấn tượng “Huế” nhất với nhiều khách phương xa khi đến với phủ Bội Trân vẫn là những lối đi quanh vườn với cây xanh rũ bóng chở che. Những kiến trúc trong khu vườn, dù không cùng một kiểu thức nhưng là những nét đan thanh, những cung bậc khác nhau của một bản hòa âm điền dã tinh tế.
Nằm giữa khu vườn là ngôi nhà rường ba gian hai chái, diện tích nhỏ nhất so với các kiến trúc khác, là nơi thờ người con trai yêu quý của chủ nhân đã qua đời vì một tai nạn. Không xa đó là ngôi nhà sàn dân tộc Mường mà chủ nhân cất công mang từ Hòa Bình về dựng từ hơn 10 năm trước, khi chị Bội Trân là người đầu tiên lên đồi Thiên An lập vườn. Có một sự phá cách để ngôi nhà Mường phù hợp với không gian vườn Huế: ngoài khung nhà sàn được giữ nguyên, còn hệ thống cửa, vách ngăn, cầu thang, bàn ghế…, tất cả đều bằng thiết mộc, được chạm khắc, chạm trổ theo kiểu nhà truyền thống xứ Huế. Cuối khu vườn là ngôi nhà được dùng làm không gian sinh hoạt gia đình với những ô cửa sổ, cửa ra vào theo mô-tip cửa Gothic, nằm dưới bóng mát quanh năm của cây xanh.
Có lẽ gây ấn tượng “Huế” nhất với nhiều khách phương xa khi đến với phủ Bội Trân vẫn là những lối đi quanh vườn với cây xanh rũ bóng chở che. Những kiến trúc trong khu vườn, dù không cùng một kiểu thức nhưng là những nét đan thanh, những cung bậc khác nhau của một bản hòa âm điền dã tinh tế. Chiều xuống, nắng đã phai trong không gian vườn Bội Trân, thoáng bắt gặp hình ảnh nữ chủ nhân cúi xuống nhặt những chiếc lá vàng vừa rời cành, hốt nhiên nhớ tới câu chuyện xưa về người phụ nữ mãi đi tìm chiếc trâm bằng cỏ thi vừa đánh mất…
- Ảnh Hồ Xuân Bổn