Một ngôi nhà quê thiệt quê, mở ra đồng lúa xanh mơn man phía trước, không gian thiết kế nội thất cũng gợi cho người ta hình dung về những hoạt động bình dị của bất cứ người dân quê nào. Vậy nhưng, sẽ có nhiều người ao ước rằng mình được là chủ nhân của ngôi nhà ấy, để tận hưởng một không gian sống phong lưu giản dị…
Ngôi nhà là một hồi ức về kiểu nhà Thang Lâm của người Chăm để từ đó tạo nên một không gian sống hiện đại theo suy nghĩ của người thiết kế. Thang Lâm là căn nhà chính trong năm căn nhà của người Chăm, dành cho vợ chồng chủ nhân và dành cho việc tiếp khách, thường được xây dựng với các motif chung như nâng sàn, hai lớp mái, hệ lam gỗ vuông… Ta có thể nhận ra những “hồi ức” mang tính motif ấy còn phảng phất đâu đó trong cách vận dụng ở ngôi nhà mới này, nhưng tất cả chỉ là một sợi dây về ý tưởng để từ đó người thiết kế suy nghĩ và thể hiện quan niệm của mình về một không gian ở hiện đại. Xa hơn nữa là cách mà anh đi tới trong công việc của mình.
Quả thực, đối với công việc thiết kế, luôn đổi mới sáng tạo là một thách thức, cũng là để tránh khỏi sự mô phỏng tầm thường vốn còn khá phổ biến trong môi trường thiết kế kiến trúc hiện nay. Ở công trình này, người thiết kế tự đặt ra những mục tiêu: sử dụng các loại vật liệu bình thường nhất, theo cách bình thường nhất, nhưng công trình phải trở nên đặc biệt theo một cách nào đó, làm khó mọi sự mô phỏng.
Khu đất khá vuông vức, 18m x 20m, được cắt một góc tạo nên một vệt mái xéo 45º so với mặt bằng, phía dưới mái ngói là các khu chức năng: tiếp khách, bếp, bàn ăn, hai phòng ngủ (một ở dưới tầng trệt cho vợ chồng chủ nhân và một trên gác dành cho con trai). Ngôi nhà là những hình ảnh rất quen thuộc: mái ngói, tường vôi, sàn xi măng, hệ vì kèo và các lam gỗ… nhưng tổng thể vẫn toát lên sự mới mẻ bởi các không gian dẫn dắt cảm xúc của người ta qua những góc nhìn thú vị, đặc biệt là những góc nhìn từ bên trong ra các khoảng vườn và ngược lại.
Đó có thể là những vạt nắng hình tam giác được định hình bằng những mảng tường vát xéo; là góc nhìn từ “túp lều” ở góc vườn, nơi người ta có thể ngồi trà rượu đối ẩm hoặc đơn giản chỉ là từ đó nhìn ngắm ngôi nhà với những hoạt động đang diễn ra bên trong vào lúc đèn vàng ấm cúng, thấy hạnh phúc với cảm giác và ý nghĩ đây là ngôi nhà của mình, là gia đình mình. Rõ ràng, sự phong lưu ở ngôi nhà này không phải là các tiện ích hiện đại (và có thể còn xa lạ với nếp sống ở quê) mà chính là cảm nhận về thiên nhiên, hay sự thảnh thơi mà ngôi nhà mang lại cho người ta sau một ngày đồng áng. Đồ đạc nội thất được lựa chọn và bố trí để con người tận hưởng cảm giác ấy.
Nhà “quê” nhưng đồ đạc nội thất được chắt lọc kỹ lưỡng: những chiếc ghế đặt có hướng nhìn ra vườn, bộ bàn ăn bằng gỗ, nơi tiếp khách là chiếc rương làm bàn trà và hai chiếc ghế… Sự đơn giản và tiết chế của đồ đạc nội thất ấy khiến cho mọi thứ trở nên hài hòa, tiện ích vừa đủ, nội thất không lấn át mà tôn được những nét đẹp của kết cấu và không gian tổng thể. Chủ nhân có nghề mộc nên những công cụ nghề nghiệp được vận dụng trang trí mảng tường phòng ăn cũng là một điểm thú vị.
Thật may mắn khi có được một nếp nhà như vậy để sống!
Công trình Nhà Quê – Nha Trang, Khánh Hòa
Thiết kế: a21studio
2/10 Nguyễn Huy Lượng, Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Liên hệ: (08) 38411603
Website: a21studio.com.vn
Hình ảnh: Quang Trần