Trong xu hướng chung của kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững thích ứng với khí hậu, nhà thụ động (passive house) là một khái niệm tuy xa mà gần. Các tiêu chí của thiết kế nhà thụ động thực ra lại khá trùng khớp với quan niệm truyền thống của cha ông ta, và là những tiền đề cho bố trí nhà cửa hài hòa khoa học phong thủy hiện đại.
Nhà thụ động(*) hiểu nôm na là ngôi nhà biết ứng xử nhường nhịn thiên nhiên, hướng dòng năng lượng tự nhiên phục vụ nhu cầu, không gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường chung quanh, đó được xem là thái độ ứng xử khôn khéo và bền vững. Dù được cổ xúy và phát triển mạnh tại châu Âu, nhưng trong lịch sử thì hầu như mọi quốc gia (kể cả Việt Nam) đều từng trải qua những thời kỳ xây dựng nhà cửa tiêu thụ năng lượng thấp và ứng xử với môi trường rất hiệu quả. Tuy nhiên, các giá trị của nhà thụ động bị mai một theo thời gian, do ảnh hưởng bởi kỹ thuật, công nghệ, môi trường và có cả ý thức của con người nữa.
Bền vững từ những điều cơ bản
Phương cách xây nhà thụ động tóm lược có các vấn đề cơ bản sau:
– Làm mát thụ động: cải thiện vi khí hậu trong và ngoài nhà bằng cách sử dụng năng lượng tự nhiên và che chắn hợp lý.
– Giảm chi phí sử dụng và bảo trì: thông qua cấu trúc không gian từ tổng thể đến chi tiết.
– Giảm hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường: trong cách thức chọn lựa chất liệu, xử lý bề mặt.
Ở vấn đề làm mát thụ động (passing coolling) bằng cách chọn đúng hướng nhà, xoay cửa về hướng gió mát chủ đạo, tránh nắng gắt trực tiếp, dẫn gió đối lưu, tạo bề mặt hồ nước, cây xanh để giảm nhiệt và tăng sự bốc hơi làm mát…, có thể nhận thấy điều này trong hầu hết thủ pháp phong thủy từ xưa. Qua hàng hiên, mái che…, các không gian đệm giúp cân bằng âm – dương, tĩnh – động, trong – ngoài… được hình thành và làm cho ngôi nhà có thêm các lớp áo che chắn bức xạ một cách tự nhiên.
Ở vấn đề giảm chi phí, cách thức ngôi nhà ba gian, năm gian, nhà rường truyền thống… đều ít ngăn chia phòng (hoặc chỉ ngăn nhẹ thoáng chứ không ngăn đặc kín) mà hiện nay hay gọi là không gian mở (open space). Trong ngôi nhà dân gian, cách trổ cửa lấy gió và dẫn gió theo hướng đối diện chéo góc để tạo luồng khí đối lưu rất khoa học, tránh Trực Xung (gió lùa thẳng) và tạo vùng mát âm đồng đều.
Ở vấn đề chọn chất liệu, hầu như các tiêu chí sử dụng chất liệu chống ô nhiễm môi trường, giảm phát thải nhà kính hiện nay đều rất khớp với quy cách làm nhà trước kia của cha ông ta, ví dụ như khai thác vật liệu ngay tại địa phương, bề mặt vật liệu có thể “thở” được… Yếu tố che chắn tự nhiên (như mái hiên, phên lam, lớp đệm) được xem trọng vì tác động thời tiết nhiệt đới rất khắc nghiệt, không thể “phơi mình” ra như nhà kính hiện đại.
Bền vững nhờ tiết kiệm và bảo trì đúng
Ai cũng biết nhà xưa rất bền bởi cấu trúc và vật liệu chế tác kỹ, ít biến động theo thời gian. Nhà bền còn do yếu tố phong thủy được giữ gìn để nội khí không hao tán, không suy thoái trong quá trình sử dụng. Vai trò của gia chủ luôn quan trọng, bởi vì họ là người khởi đầu ý tưởng làm nhà và trực tiếp sử dụng công trình, thậm chí gia chủ xưa còn kiêm luôn thợ sửa nhà, lợp ngói… Nhà chuyên môn chỉ hỗ trợ khi cần thiết bảo trì.
Khác với ngôi nhà truyền thống theo lối “ăn chắc mặc bền”, ngôi nhà hiện đại bị biến đổi khá nhanh theo thời gian. Một phần là do sự biến đổi của môi trường ngoại cảnh như cư dân ngày càng đông đúc, xây chen kín mít, hạ tầng quá tải…, một phần là do chính chủ sở hữu còn dễ dãi, tùy tiện và thiếu kỹ năng trong quá trình sử dụng và bảo trì. Bao nhiêu là đủ là vừa? Tinh thần “kiệm” trong kiến trúc truyền thống Việt Nam cho ta câu trả lời: những không gian thuần khiết, thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên, tiết chế về màu sắc và vật liệu, ít ngăn chia… luôn giảm chi phí điện nước, dễ sử dụng và bảo trì hơn là làm nhà cầu kỳ ngóc ngách, pha tạp kiểu dáng lung tung.
Từ thời điểm nhập trạch, dọn vào ở, phải sau một quá trình sử dụng thì mới biết nhược điểm của nhà ở đâu, vào thời điểm nào để khắc phục. Ví dụ, nhà chống thấm kỹ lưỡng, nhưng ở vị trí gặp hướng nắng gắt, mưa nhiều, sau một thời gian vẫn bị ngấm dột. Lúc này, điều kiện và cảnh quan thực tế sẽ giúp gia chủ cùng nhà chuyên môn xem xét cần phải làm thêm mảng che chắn, chống thấm ra sao để không ảnh hưởng đến cấu trúc chung.
Khéo giữ Nội Khí bền lâu
Ngay từ xưa khi chưa có các kỹ thuật hiện đại, cha ông ta đã truyền đạt lại nhiều kinh nghiệm về chỉnh trang – bảo trì nhà cửa qua một số đúc kết sau:
– Tránh ảnh hưởng đến hệ kết cấu, có thể sơn phết, thay đổi màu sắc, gia cố hoặc thay mới các chi tiết bị cũ hay bị hư hỏng. Nếu có nhu cầu lên tầng hay mở rộng thì cần phải nghiên cứu kỹ hệ kết cấu hiện hữu, hoặc dùng kết cấu nhẹ. Ví dụ như hệ thống khung trần, vách bằng thạch cao hiện nay đem lại hiệu quả hơn là dùng tường xây gạch khi cần các ngăn chia.
– Nếu nhà có khuôn viên, cần hoạch định đất dự trữ phát triển sau này (để ở, kinh doanh, con cái ra riêng…), tránh tình trạng “đất rộng mà nhà chật” do phải cơi nới, ảnh hưởng đến bố cục và việc Phân Cung – Điểm Hướng vốn có.
– Khi sửa chữa bảo trì, nên lưu ý những phần trên cao và đằng sau (Tu Sơn) cần làm trước để bình ổn chỗ dựa, tránh “nhà dột từ nóc”. Những hướng thường xuyên chịu tác động xấu của thời tiết (nắng gắt, mưa, ẩm) nên chú ý bảo trì, che chắn nhiều hơn. Ví dụ như sân phơi hay trồng cây cảnh, trồng rau tại nhà không nên để trơ ra nắng mưa, mà làm mái vòm, mái che di động sẽ hợp lý hơn.
– Những hướng nhà chịu nóng đòi hỏi cách ly nhiệt độ gay gắt cần quan tâm đến cách tạo ra một khoảng rỗng có khí lưu thông giữa tường biên, mái nhà với lớp che phủ bên ngoài. Ngày nay không dễ làm một lớp hành lang, hay hàng hiên như nhà xưa vì “tấc đất tấc vàng”. Nhưng có thể xử lý bằng tường xây hai lớp có khoảng trống giữa, hoặc lợp thêm mái phụ bên trên mái bằng, trồng giàn cây bên ngoài mặt tường… sẽ tạo nên những khoảng rỗng điều chỉnh sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài nhà.
Thụ động trong thế chủ động
Thực ra, giải pháp kiến trúc và nội thất thụ động luôn song hành với những xử lý đơn giản, mang tính chủ động từ đầu. Chỉ có điều là các gia chủ lâu nay hay “quán tính” tận dụng diện tích sử dụng tối đa dẫn đến ngăn chia bít bùng và dùng máy lạnh thường xuyên. Tới lúc cúp điện hay giá chi phí tiêu tốn năng lượng tăng cao thì nhà thường xuyên nóng và bức bối. Ta có thể điểm qua một số giải pháp đơn giản mà hữu hiệu trong vấn đề xử lý ngôi nhà sao cho thoáng mát mà cũng thật tiết kiệm:
– Giữ các van hô hấp, lá phổi của nhà: đó là hệ thống sân trong, giếng trời khi được để trống từ 10% đến 20% diện tích xây dựng thì không những giúp giảm chí phí xây dựng nhà vì không phải đúc sàn, xây tường ngăn, mà còn đem lại các miệng hút gió, dẫn gió, thông gió rất quan trọng. Nguyên tắc đơn giản là “thiếu đâu mở đấy” để tạo giếng trời đúng vào chỗ mà ngôi nhà thiếu thông thoáng, ví dụ như sân sau nhà sẽ thông gió cho bếp và phòng ăn, sân giữa nhà lấy không khí cho khu cầu thang, vệ sinh.
– Thông gió song hành che chắn hợp lý: Nhiều mẫu nhà ở xứ ôn đới không thể áp dụng vào xứ ta vì họ thiếu ánh nắng mặt trời nên thích tạo mảng kính rộng, còn ở ta nếu mở rộng mà không có lúc đóng lại (chống côn trùng, mưa tạt, tiếng ồn…) thì sẽ rất bất tiện, nhà bị dư sáng và luôn nóng. Che chắn có nhiều cách, từ lùi phòng vào một chút để tạo nên khoảng đệm bằng lam hay gạch, bông gió chắn nắng, cho đến dùng hệ thống cửa – lam – chớp di động giúp giảm bớt nhiệt bức xạ truyền vào nhà. Khi kết hợp lam với cây xanh đúng mức có thể tạo nên “lớp rèm xanh” che chở phần nào, đồng thời từ trong nhà nhìn ra luôn thấy thoải mái, thư giãn hơn.
Xu hướng thiết kế xanh và giảm thiểu chi phí là điều nhiều gia chủ quan tâm hiện nay, bởi thực tế chi phí ban đầu để làm một ngôi nhà “xanh” đúng nghĩa không hề rẻ chút nào. Cha ông ta có câu “Nhà sạch thì mát” rất nên học hỏi, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức, chi phí dọn dẹp, sửa chữa… đồng thời đem đến hiệu quả “sạch mắt”. Cụ thể về nội thất nên giảm bớt đóng trần giật cấp phức tạp, tốn kém, hoặc giảm bớt các hốc lồi lõm trang trí không cần thiết, tránh sa đà vào các vật liệu ốp lát rườm rà, tạo nên nhiều khoảng trống cho khả năng trang trí linh hoạt hơn, thay vì “đóng khung” trong những vị trí cố định.
(*) Nhà thụ động (tiếng Anh: Passive house; tiếng Đức: Passivhaus) mang nghĩa liên quan đến tiêu chuẩn được quy định về hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà nhằm giảm thiểu tác động sinh thái của công trình lên môi trường. Tiêu chuẩn này đưa đến sự ra đời của những tòa nhà có giải pháp sử dụng năng lượng cực thấp để giữ ấm hoặc làm mát không gian bên trong. Phần lớn năng lượng tiết kiệm được của công trình thiết kế thụ động là nhờ sử dụng hệ thống/thiết bị thông gió, làm mát hiệu quả cao. Hoàn toàn không có sự giảm thiểu về tiện nghi. Tiêu chuẩn công trình thiết kế thụ động là tiêu chuẩn xây dựng bền vững, và nghị quyết của Nghị viện châu Âu ngày 31-1-2008 kêu gọi toàn thể các quốc gia thành viên thực hiện.
- Ảnh Xuân Trang