Ngày xưa, khi làm ra cầu, tiền nhân mới chỉ nghĩ nó sẽ là một con đường đi lại thuận tiện. Thế nhưng, theo thời gian, ngoài chức năng trên, nhiều cây cầu còn có thể phục vụ nhiều mục đích và trở thành các kỳ quan kiến trúc – công nghệ.
Tuy rằng có nhiều cây cầu thú vị, song dưới đây xin kể tới 5 kiểu cầu khá thịnh hành là cầu có sàn vận chuyển, cầu xoay nâng, cầu chở kênh, cầu đường sắt, cầu ngắm cảnh và cầu mái che.
Từ cuối thế kỷ 19, trên thế giới đã thấy cầu có sàn vận chuyển hay cầu chở xe cộ. Thay vì cho ô tô, xe máy đi lại trên đường, người ta đặt chúng lên các sàn treo, kéo rê.
Một công trình lâu đời nhất thuộc loại này là cầu Vizcaya nối hai thị trấn Portugalete và Las Arenas, bên cửa sông Nervion, tỉnh Biscay – Tây Ban Nha.
Ra đời năm 1893, được thiết kế bởi kiến trúc sư Alberto Palacio, một học trò của Gustave Eiffel – người dựng lên tháp Eiffel nổi tiếng tại Pháp, cây cầu có hình một giàn treo chữ nhật khổng lồ bằng sắt, cao 61m, dài 164m, với 4 tháp lớn gắn với một xà ngang nằm song song mặt nước và được giữ bằng những sợi cáp.
Vì thế, nó được gọi là cầu treo, song trên thực tế thì không phải như những cây cầu treo thông thường. Mọi sự đi lại của xe cộ ở đây được thực hiện nhờ một sàn treo như boong tàu, treo lơ lửng từ trên xuống và nối với một xe goòng 36 bánh, dài 25m chạy trên đường ray.
Mỗi chuyến, nó có thể chở 6 chiếc ô tô và hàng chục người từ bờ sông này đến bờ sông kia trong 1,5 phút, và cứ 8 phút lại có một chuyến. Hàng năm, cầu phục vụ khoảng 500.000 xe cộ và 4 triệu người.
Tuy không lướt đi trên đường phố, nhưng ai nấy đều thích cầu Vizcaya vì cảm giác phiêu lưu ở trên không như đang bay. Đứng trên sàn, mọi người có thể bao quát toàn cảnh sông nước, ngắm nhìn những con thuyền trôi nổi phía dưới.
Sở dĩ chính quyền cho xây cầu này là do họ muốn duy trì hoạt động đường thủy đã hàng trăm năm ở địa phương, cho các loại tàu thuyền lớn nhỏ có thể thoải mái đi trên sông và cảng Bilbao mà không gặp chướng ngại vật, hơn thế đây còn là một phương tiện mới lạ, chưa từng có và là đầu tiên, kiểu mẫu trên thế giới.
Vào thời điểm ra đời, cầu Vizcaya đã được xem là kỳ quan kỹ thuật và hiện nay là di sản hàng đầu của cuộc cách mạng công nghiệp.
Một kiến trúc bằng sắt tiêu biểu nửa cuối thế kỷ 19 khi mà sắt thép là biểu tượng của sự tiến bộ, phát triển và có rất nhiều công trình làm từ sắt từ tàu thuyền đến nhà cửa.
Vào năm 2006, nó đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, và tại Tây Ban Nha là di sản duy nhất thuộc hạng mục công nghiệp.
Người ta cho rằng cầu Vizcaya là sự kết hợp hoàn hảo giữa chức năng, vẻ đẹp và là công trình đầu tiên dùng khung sắt lẫn dây cáp, tạo ra một loại cầu mới sau này phổ biến năm châu.
Để tránh vướng víu, cồng kềnh trên sông, từ lâu cũng đã có cầu xoay với đặc điểm thân cầu có thể nhấc lên, hạ xuống – xê dịch cho tàu thuyền băng qua sông ngòi mà không va chạm.
Hoành tráng nhất là cầu xoay Thiên niên kỷ Gateshead trên sông Tyne, giữa bến cảng Gateshead và thành phố Newcastle của Anh.
Khánh thành năm 2001, công trình có dạng hai vòng cung bằng sắt, trong đó có một vòng cung là đường dành cho người đi bộ và xe đạp.
Đặc biệt chúng có thể xoay, nâng hạ như hai mí mắt hấp háy. Cụ thể cầu cao 50m, dài 126m, rộng 8m và do công ty Wilkinson Eyre thiết kế.
Bình thường, phần đường của cầu sẽ nằm ngang trên mặt sông, song khi có tàu thuyền thì nó sẽ xoay lên cao một góc 40o và ở chiều cao 25m để tàu thuyền dễ dàng đi qua.
Do công trình nặng tới 800 tấn nên phải cần tám mô tơ điện và một cần cẩu lớn nhất thế giới kéo. Mỗi lần cầy xoay trong gần 5 phút. Lúc ấy, người đi bộ phải đứng chờ nhưng cũng là phút giây thư giãn, nghỉ ngơi ngắm cảnh.
Vì sự kỳ vĩ của nó, hàng ngày có rất nhiều du khách tới chơi, và năm 2007 hình ảnh cây cầu đã xuất hiện trên đồng bảng Anh.
Bắt đầu vào thế kỷ 17, những cống dẫn nước đã được dùng để chuyên chở tàu thuyền và góp phần tạo nên cái hôm nay gọi là cầu kênh.
Hùng vĩ nhất đương đại là cầu Magdeburg nối kênh Elbe-Havel và Mittellandkanal, trên sông Elbe, gần thành phố Berlin – Đức.
Mở cửa năm 2003, nó dài tới 918m và là cầu vận tải đường thủy lớn nhất trái đất, với 690m nằm phía trên mặt đất và 228m phía trên mặt nước, rộng 34m, sâu 4,25m và chịu trọng tải của những con tàu lên tới 1.350 tấn.
Do mực nước của sông Elbe khá thấp so với hai con kênh trên nên mỗi lần từ sông qua kênh, tàu thuyền đều phải ngược lên một kênh, rồi hạ xuống một kênh hết sức vất vả, quãng đường chỉ ngắn gần 1km bỗng bị kéo dài tới 12km.
Vì thế, từ 80 năm trước, chính quyền đã có kế hoạch xây cầu nối hai con kênh, giúp mọi việc nhanh, suôn sẻ hơn.
Thế nhưng, do chiến tranh thế giới và sự xung đột chính trị giữa hai miền, tới năm 1997, nó mới được khởi công và hoàn thành sau sáu năm. Tổng cộng công trình phải dùng tới 24.000 tấn thép và 68.000m3 bê tông cùng kinh phí 500 triệu euro.
Một thời gian dài trong hàng trăm năm tới giữa thế kỷ 19, những cây cầu đều được làm bằng gỗ hoặc đá, trong đó có khá nhiều cầu dài, băng sông, băng núi và đặc biệt là cầu đường sắt.
Tuy ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, nhưng đây là con đường duy nhất, thậm chí đến nay cho mọi người từ muôn phương tới được với nhau qua các chuyến tàu.
Do đặc thù công việc chuyên đi xa nên những cây cầu đường sắt vẫn tiếp tục được xây dựng ở nhiều nơi song hiện giờ đã làm bằng thép chắc chắn.
Song, vẫn còn đó nhiều cây cầu đá cực tốt, mà đẹp ngoạn mục là cầu Solkan trên sông Soca, bên cạnh thị trấn Nova Gorica – Slovenia.
Hoạt động từ năm 1906, cao 36m, dài 219,7m với một sải cung dài 85m, đây hiện là cây cầu đá và đường sắt dài nhất hành tinh, và danh hiệu này có lẽ sẽ được giữ mãi vì sau nó, người ta đều dùng sắt và bê tông để xây dựng.
Từ năm 1910, thế giới đã có cầu sắt, và cầu Solkan có lẽ là một cầu đá cuối cùng, khép lại kỷ nguyên xây dựng bằng đá của nhân loại.
Để làm ra nó, 4.533 khối đá vôi trắng đã được ghép kín. Mỗi khối đá có diện tích từ 0,2 tới 0,7m khối và được đẽo từ mỏ đá Romana ở Nabrezina.
Khởi công vào mùa xuân năm 1900 đến tháng 7.1906, nó đi vào hoạt động với một đường ray nằm trong tuyến đường sắt từ Jesenice tới Gorizia hay Trieste tới Wien.
Từ xa, cầu Solkan hiện lên như một cầu vồng sáng bóng bắc qua thung sâu với hai mảng rừng xanh tươi hai bên và ở độ cao 36m rất ấn tượng.
Vì tầm quan trọng cả về thương mại lẫn chiến lược, đã có hai lần trong Thế chiến thứ hai, người ta cố ý phá hủy nó. Lần đầu tiên là trận oanh tạc vào tháng 8 năm 1944 song quả bom đánh trượt và lần kế tiếp là tháng 3.1945 với một quả bom không nổ, nhờ thế công trình sống sót một cách kỳ diệu.
Đến nay, tàu hỏa vẫn đi trên cầu; ngoài ra, những người thích nhảy dù và leo núi mạo hiểm cũng luôn tìm đến đây để vui chơi, chụp ảnh, thử độ cao với di sản quốc gia, được nhà nước phong tặng năm 1985, mặc dù nó chỉ mới có 79 tuổi.
Nhằm thu hút du lịch, đầu thế kỷ 21 đã có khá nhiều nơi xây dựng cầu phục vụ ngắm cảnh. Những cây cầu này không chỉ cao vắt vẻo mà còn có thể có mặt sàn trong suốt cho nhìn phía dưới. Một công trình tiêu biểu là cầu kính Zhangjiajie bắc qua hai ngọn núi ở tỉnh Hồ Nam – Trung Quốc.
Ra đời năm 2016, nó cao tới 300m, dài 430m, rộng 6m với khung sắt và mặt đường được ốp 120 tấm kính trong, dày ba lớp thuộc kính cường lực vì có thể chịu được những chiếc ô tô hoặc 800 người một lúc.
Du khách có thể đứng, ngồi, nằm trên sàn ngó xuống những dãy núi trùng điệp, thác nước mỹ lệ mà không sợ ngã do nó rất chắc chắn, tuy nhiên cũng có không ít người thót tim về sự sâu thẳm tính từ mặt cầu xuống đáy vực bằng cả tòa nhà chọc trời.
Vì cảm giác phiêu lưu, hàng ngày có hàng chục nghìn người đến đây, song nó chỉ phục vụ được 8.000 người, nếu không sẽ quá tải.
Là cầu cũng là nhà hay có nhà ở trên cầu là trường hợp rất thú vị, được thấy ở một số nước châu Âu. Đây vốn dĩ là một cây cầu song nhờ vị thế đắc địa nên trở thành nơi tụ hội, chợ búa, rồi ở lỳ và xây nhà trên đó, biến nó trở một tuyến phố, với nhà cửa đôi bên và đường đi chính giữa.
Một trong các công trình như vậy là cầu Kramerbrucke trên nhánh sông Breistrom, phụ lưu của sông Gera, nối quảng trường Benediktsplatz và Wenigemarjt, thành phố Erfurt – Đức.
Nó đã xuất hiện từ thời Trung cổ, mới đầu vào năm 1117 là một cầu gỗ dành cho người đi bộ, song tới năm 1293 vì bị cháy mà được đổi thành cầu đá, có mặt đường rộng, xe ngựa qua lại và nối kết hai khu phố đông đúc ở hai phía Đông Tây, với mỗi đầu có một nhà thờ và đến nay vẫn còn nhà thờ St. Aegidien phía Đông.
Năm 1325, một lần nữa nó được sửa, và năm 1486 thì có nhà. Tổng cộng công trình dài 125m, rộng 26m, gồm 6 nhịp hình cung, làm từ đá vôi và sa thạch.
Hai loại đá này đã cho cầu có màu trắng và nâu hấp dẫn, song cộng thêm hai dãy nhà bằng gỗ sơn vẽ sặc sỡ càng làm nó lộng lẫy.
Đã từng có 62 ngôi nhà khung gỗ trên mỗi bên cầu, gồm 3 tầng, cao 13 đến 15m, nhưng hiện tại chỉ còn 32 ngôi nhà do hậu quả của các trận cháy mà kéo dài tới tận thế kỷ 18. Đa số là cửa hàng cho cầu cái tên Cầu thương nhân.
Hàng ngày, người dân bán hàng ở tầng một và sinh hoạt ở tầng trên. Giữa hai dãy nhà là một con đường rộng 5,5m, trải cuội và lát gạch kiểu khảm rất đẹp. Với độ rộng này, mọi người có thể vui chơi thoải mái.
Để có chiều rộng như vậy, người ta đã dùng rằng gỗ Sprengwerke để đua ra ngoài lan can cầu, và tạo nên những ngôi nhà treo lơ lửng.
Suốt 500 năm, nơi này đã thu hút vô số du khách. Đặc biệt, trong 3 ngày của lễ hội Kramerbruckenfest, đều đặn có hơn 150.000 du khách tới để tìm hiểu cây cầu và văn hóa thời Trung cổ, ngắm nhìn các nghệ nhân và mua sắm đồ lưu niệm bằng gỗ, gốm, sứ, thủy tinh, vải vóc, rượu và cà phê.
– Tổng hợp