Tận dụng và khai thác các yếu tố sẵn có để vừa tiết kiệm chi phí vừa làm giàu thêm các giá trị tinh thần cho công trình được cải tạo chính là cách mà người kiến trúc sư đã làm với ngôi nhà phố này.
Ngôi nhà được cải tạo nằm trong một dãy nhà liên kế, kề bên một khu chung cư, cả hai cùng được xây dựng cách đây đã tròn nửa thế kỷ. Làm việc với nhà thiết kế, chủ đầu tư muốn ngôi nhà xưa cũ của mình được cải tạo để trở thành nơi sẽ tổ chức các lớp hướng dẫn nấu ăn cho người nước ngoài đồng thời cũng là nơi khách lưu trú trong thời gian học nấu ăn. Yêu cầu của chủ đầu tư còn là tiết kiệm chi phí, tận dụng bàn ghế, tủ kệ… đã có, đặc biệt là giữ lại những khung cửa lá sách mà anh đã góp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau.
KTS Đặng Đức Hòa, người thực hiện công trình này, cho biết: khi khảo sát mặt bằng, điều anh quan tâm nhất chính là mối liên hệ của ngôi nhà với không gian chung quanh, bởi theo anh thì bản thân khu phố, con hẻm, dãy nhà cũ và các chung cư gần đó đã làm nên một nét riêng cổ kính. Do đó diện mạo mới của công trình không thể “chỏi” với cái gam màu của Sài Gòn năm xưa, thể hiện qua các khung cửa, mảng tường những kiến trúc lân cận. Và lời giải được tìm thấy từ chính những gì còn lại của ngôi nhà cũ cùng mớ đồ đạc được chủ đầu tư lưu giữ, nhất là những cánh cửa lá sách cũ. Chúng được nhà thiết kế sử dụng như vật liệu chính tạo nên diện mạo mới cho công trình.
Những cánh cửa lá sách được sắp xếp thành một mặt dựng mới với nhiều mảng màu sắc khác nhau, chạy dài lên đến tận đỉnh mái, tạo nên một điểm nhấn độc đáo mà vẫn hòa hợp với vẻ xưa cũ của cả khu vực. Một vài khung cửa trên mái được mở toang lên trời, tạo khoảng không cho cây xanh bên dưới vươn lên đón nắng. Những ô cửa còn được bố trí trong nội thất như những vách ngăn nhẹ và thoáng, vừa trang trí vừa phân cách không gian.
Tầng trệt được dùng làm nơi dạy nấu ăn với tủ bếp dài uốn lượn, chạy xuyên suốt đến cuối nhà. Phía trước là bếp diện tích lớn, phía sau là bàn ăn rộng để các học viên có thể chia sẻ với nhau các món ăn mà mình vừa thực hiện. Ở giữa bàn ăn và bếp là mảng vườn xanh và cầu thang lên lầu. Lầu 1 là một phòng ngủ tập thể, có chỗ làm việc và nơi thư giãn. Một cầu thang sắt mới được lắp đặt bên hông khoảng thông tầng để đi lên tầng trên, nơi trước đây chỉ là mái nhà đúc bê tông, không sử dụng. Một phòng ngủ được làm thêm trên tầng thượng bằng chính những tấm tôn cũ có sẵn, phía trước phòng ngủ này là một khoảng sân trồng cây, nơi khách lưu trú uống trà và ngắm bầu trời qua những khe cửa vào buổi tối. Cuối mỗi tầng đều có nhà vệ sinh mới xây dựng, được thông gió và lấy ánh sáng từ một khoảng thông tầng hẹp.
Nếu như các ô cửa lá sách làm nên diện mạo đặc trưng cho công trình thì cái hồn vía của ngôi nhà được cải tạo còn thể hiện ở sàn nhà xi măng cũ được giữ lại nguyên vẹn cùng các mảng tường gạch, những tấm phên tre… Ngôi nhà “mới mà cũ” này phảng phất tinh thần của kiến trúc Sài Gòn trong những năm 1960-1970.
Địa điểm công trình: Quận 3, TP.HCM
Thiết kế: KTS Đặng Đức Hòa – Block Architects
Hình ảnh: Quang Trần
- Xem thêm: Ngôi nhà Sài Gòn nuôi dưỡng tình yêu