Cách đây vài năm, báo Thể thao – Văn hóa đã đăng loạt bài rất có giá trị của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, qua đó ông nêu lên một thực trạng là sự phá vỡ kết cấu làng xã truyền thống của nông thôn Bắc Bộ, thể hiện rõ nhất qua “phong trào” xóa bỏ nhà gạch mái ngói cũ, làm nhà cao tầng theo kiểu thành phố. Đã có rất nhiều hệ lụy đáng buồn từ đó, khi mà nhiều vùng nông thôn trở nên ngột ngạt và ô nhiễm, khiến bệnh tật tràn lan… Đi tìm một hình mẫu nhà phù hợp với đời sống hiện tại của người dân quê vẫn là vấn đề các kiến trúc sư đang bàn cãi.
Thật ra không người dân quê nào không muốn giữ nguyên vẹn hình ảnh ngôi nhà truyền thống ba gian hoặc năm gian hai chái với mái ngói, cột gỗ, song khi mà các thế hệ con cháu cứ sinh sôi không ngừng, cuộc sống nông thôn không còn phụ thuộc hoàn toàn vào cây lúa, thì tất yếu những ngôi nhà tầng na ná như nhau về kiểu dáng sẽ mọc lên nếu như không có những giải pháp căn cơ từ phía Nhà nước.
Cùng với sự biến mất của ngôi nhà nông thôn đã có tự bao đời là đường, ngõ làng với hàng gạch chỉ dựng đứng được thay bằng đường bê tông nội bộ, ao làng bị san lấp… Làng hôm nay dù người ta có đứng trên tầng cao cũng chẳng nhìn thấy tán tre, hàng cau ở chỗ nào.
Trước tình trạng đó, đã có không ít mẫu nhà gạch được người nông dân tự vẽ kiểu với khá nhiều chi tiết cách tân, đôi khi gây ngạc nhiên cho người thành phố. Nhưở một làng nhỏ rìa thành phố Ninh Bình, phóng viên Nội Thất đã phát hiện một ngôi nhà khá lạ mắt, dù chưa thể là hình mẫu của nhà nông thôn Bắc bộ hôm nay nhưng kiến trúc này cũng đã giải quyết được phần nào mối tương tác cũ – mới ở nông thôn.
Ngôi nhà ấy có tường hoa vây quanh, vườn trước, nhà sau và bếp ngang, đúng mô hình nhà vùng nông thôn cổ truyền. Đặc biệt là chủ nhân ngôi nhà đã quyết định để gạch trần toàn bộ công trình, xây tường bao bên ngoài với hình vòm cách điệu. Bên trong khuôn viên, ngôi nhà tuy không rộng nhưng vẫn đủ gian chính, hai gian phụ; toàn bộ mặt trước của gian chính được mở bung với hệ cửa gỗ rộng rãi, nhưng đáng tiếc là những bộ sập gụ và bàn ghế bằng gỗ quá nặng nề trước gian thờ khiến không gian sinh hoạt chung chỉ bó hẹp ở bàn nước. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa cách bài trí cổ điển với hình thức lạ mắt của ngôi nhà gạch trần này đã tạo ra một hình ảnh khá mới mẻ ở làng quê.
Trong khi đó, tại làng nghề tre Xuân Lai thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nghệ nhân Lê Văn Xuyên đã hình thành một không gian sống thật phong lưu trên cơsở ngôi nhà gỗ của ông bà để lại. Ngôi nhà cũ được giữ lại kết cấu khung nhà, nhưng các tường gạch cũ phía trước, phía sau đều được cải tạo: hoặc bằng vách gỗ hoặc xây kiên cố, hai chái nhà xưa cũng được cải tạo phù hợp với nhu cầu tiện ích hiện đại. Bếp và toilet được đưa vào chái và nhà ngang, lát gạch men, trang bị tủ bếp, nhà tắm vách kính cường lực…
Ngoài vật liệu gỗ, đồ đạc nội thất trong nhà đều bằng tre bởi Xuân Lai là làng nghề tre nổi tiếng miền Bắc. Chính chủ nhân đã tự đóng bộ tràng kỷ, tủ, giường… bằng tre không chỉ thật chắc chắn mà còn rất thẩm mỹ và đủ họa tiết, chạm trổ không thua kém bất kỳ món đồ gỗ nào. Độc đáo hơn nữa là chiếc xe đạp khung tre, sản phẩm được chủ nhà chế tác nhằm phục vụ nhu cầu thị trường đang hướng tới tiêu chí thân thiện với môi trường. Không gian sống cổ điển và hiện đại song hành này có thể là một mục tiêu của đời sống nông thôn Bắc bộ tương lai, tuy nhiên chi phí xây dựng một ngôi nhà như vậy là bài toán không dễ tìm lời giải.
Giản đơn hơn là những kiểu nhà mà họa sĩ Bùi Hoài Mai xây dựng ở xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tạp chí Nội Thất đã từng giới thiệu những ngôi nhà được họa sĩ Bùi Hoài Mai thiết kế và xây dựng với tường đất trình, cột gỗ xoan, lợp ngói lá nem. Phá vỡ kết cấu cổ điển, những ngôi nhà của anh có không gian chính – phụ, hành lang nội bộ, những mái hiên thoáng và nhà gác… Nói chung sống trong những ngôi nhà kiểu này rất thích, song liệu người làng quê Bắc bộ thường mơ ước nhà lầu có muốn quay về với nhà tường đất kiểu này?
- Xem thêm: Trăm năm trên mái nhà xưa
Từ những ví dụ trên, có thể hình dung việc tìm ra mô hình cư trú tốt nhất cho các vùng nông thôn Việt Nam còn là một quãng đường dài và vẫn là một thách thức đối với các kiến trúc sư, các nhà thiết kế nặng lòng với làng quê Việt.
– Hình ảnh: Thái A