Tọa lạc trên đường Lê Lợi, ngôi nhà bề thế này là một công trình đẹp và cổ xưa bậc nhất ở thị xã Châu Đốc (An Giang), được người dân địa phương gọi là “nhà lớn Lê Công” bởi đây là từ đường của dòng họ Lê Công nổi tiếng ở Châu Đốc.
Xưa kia ngôi nhà hẳn có vị trí lý tưởng với tầm nhìn bao quát ngã ba nơi sông Hậu gặp sông Châu Giang, nhưng nay ưu điểm đó không còn nữa do Khách sạn bốn sao Victoria phía trước che chắn mất. Với khuôn viên lên tới 1ha, ngôi nhà bốn mái vuông vức này được khởi công xây dựng năm 1908 và hoàn thiện năm 1912; đến hôm nay vẫn còn giữ được nét đẹp pha trộn giữa phong cách Á Đông ở nội thất và kiến trúc Pháp thời thuộc địa ở vẻ ngoài.
Những khuôn cửa cao giúp cho không gian bên trong nhà luôn thoáng đãng, mát mẻ như thường thấy ở những công trình thời thuộc địa. Hành lang bên hông nhà rộng hơn 3m, nhưng gần như không bố trí đồ đạc gì, và mọi sự chú ý của khách đến thăm đều tập trung vào các gian giữa (ba gian theo quy ước của hệ cột), trong đó gian chính là nơi thờ cửu huyền thất tổ của dòng họ, hai gian bên thờ các vị tổ kế tiếp. Đặc biệt, ở vị trí cao nhất ở gian giữa là bàn thờ danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, người đã có công lớn mở mang bờ cõi đất phương Nam.
Nét đặc trưng của ngôi nhà đã trải qua trên một thế kỷ tồn tại này là những vật dụng bằng gỗ cũng đã có tuổi hơn trăm năm nhưng trông vẫn như mới được đóng. Những bộ giường thờ, tủ thờ bằng gỗ cẩm lai, thao lao được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ như sáng bóng lên trong không gian mờ tối, nhất là các hình khảm trai trên mặt gỗ, càng nhìn càng thấy tay nghề khéo léo của người xưa. Đáng khâm phục nhất là hai chiếc tủ khảm các sự tích trong bộ truyện Tam Quốc, với những đường nét thể hiện tới từng chi tiết của nhân vật. Trên nhiều đồ đạc khác là những hình chạm khắc tứ quý, rồng phụng, hoa lá… Cũng thật xưa cũ là mấy bộ bàn ghế cẩn xà cừ, lưng và mặt ốp đá cẩm thạch. Trang trí cho khu vực này còn có hệ hoành phi, cửa võng, câu đối. Trên trần nhà vẫn còn nguyên vẹn mấy chiếc đèn với chụp bằng pha lê được chủ nhân đặt mua từ Pháp thuở xưa. Nhìn từ cửa vào, toàn bộ nội thất ngôi nhà chỉ có hai màu: sắc đen của gỗ và sắc trắng của xà cừ, và điều này vô hình trung tạo ấn tượng mạnh về sự phân chia rõ rệt hai không gian nội và ngoại thất.
Ở hành lang bên phải, trên tường là một bảng phả hệ, kế đó là những lời giáo huấn được viết thành thơ của bà Huỳnh Thị Phú, một bà tổ trong dòng họ, nổi tiếng vì lòng nhân đức và công lao đối với người dân vùng Châu Đốc xưa:
“Người xây non bộ để chơi
Ta xây nhân nghĩa để đời cháu con”
Đến thăm ngôi nhà cổ, ngắm nhìn không chán mắt những cổ vật được chế tác biết bao công phu, tâm huyết; được nghe chuyện kể về những bậc tiền nhân của dòng họ Lê Công trăm năm trước khai hoang mở đất, khách không khỏi suy nghiệm về những lời răn dạy thật giản dị mà sâu sắc của người xưa với cháu con.
Trong chiến tranh chống Pháp, ngôi nhà từng bị trúng bom nhưng được sửa chữa lại và đã trải qua hai lần trùng tu vào các năm 1984, 2004. Hiện ngôi nhà do ông Lê Công Thời quản lý, trông coi.
– Hình ảnh: Thái A