Mỗi độ xuân về, Mai hiện diện ở khắp mọi nơi mang niềm vui đến cho mọi người, mọi nhà, dù trẻ hay già đều xúng xính áo hoa vui tết. Ngày tư, ngày tết trước khi về quê, tôi thường xách xe chạy một vòng con đường Nguyễn Huệ để thưởng thức không khí tết của người Sài Gòn qua những khu chợ Hoa từ khúc đường Lê Lợi về gần phía bờ sông. Chợ hoa thì gồm đủ loại hoa từ các nơi mang về, hoa mai xem như đóng vai trò chính vào dịp Tết trong mỗi gia đình.
Mai và đào chính là hình tượng ngày tết của hai miền Nam-Bắc, và theo nhiều nhà nghiên cứu thì chúng cùng dòng họ với nhau. Về sau các nhà thực vật học nghiệm thấy đào (peach) hay mơ (apricot), mận (plum hay prune) và anh đào (cherry) là loại ra quả, nên tách riêng dòng họ mai ra. Mai có nhiều màu như: hoàng mai, hồng mai, và bạch mai. Người vùng cao Tây Bắc gọi hồng mai là hoa đào hay mơ, nở hoa dịp đầu xuân và đấy cũng là thời gian trai gái vùng cao gửi gắm cho nhau niềm tin vào hạnh phúc trong tương lai.
Nhiều người Việt miền Bắc chuộng chơi hoa đào tết vì hoa đào có màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn trong năm. Ðào được phân loại có 4 giống: Giống “đào bích” có màu hồng thẫm, sai hoa là một loại đào dùng để cắm chơi trong các ngày tết. “Ðào phai” hoa màu hồng nhạt cũng sai hoa và thường được trồng để lấy quả. “Ðào bạch” ít hoa hơn, tương đối khó trồng. Các loại đào này đều có hoa kép. Giống “đào thất thốn”, cây thấp nhỏ, hoa nhỏ và nhiều màu, màu đỏ thẫm thường được trồng vào chậu uốn thành các dạng thế.
Ở miền Nam Hoa mai không chỉ mang tính ước lệ hàm chỉ mùa xuân – sự sống – hạnh phúc, và mai vàng hay mai trắng đều mang ý nghĩa thoát tục, cũng như bất cứ loài hoa thanh khiết và cao thượng nào khác. Mai vàng thuộc họ hoàng mai, là một loại cây rừng. Mai có các loại như mai tứ quý (Ochnaceae serrulata, quế diệp hoàng mai (Ochnaceae kirkii Oliv. Heima), mai chiếu thủy (Wrightia religiosa). Cây mai vàng cũng rụng lá vào mùa Ðông, thân, cành mềm mại hơn cành đào. Hoa mai vàng mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành, ở nách vệt cuống lá và hơi thưa. Hoa màu vàng, có mùi thơm, e ấp và kín đáo. Mai vàng còn có giống sau khi cho hoa còn kết quả màu đỏ nhạt bóng như ngọc, là mai tứ quí và nhị độ mai.
Không phải ngẫu nhiên mà từ ngàn xưa cổ nhân đã dùng hoa mai để chưng trong ba ngày tết. Bởi lẽ, mai được xem là quý nhất trong tứ quý: mai, lan, cúc, trúc. Mai có thân cành khẳng khiu; hoa thì mềm mại, mỏng manh và dù đến khi rơi rụng nhan sắc vẫn tươi nguyên. Một loài hoa giản đơn, hầu như không có mùi mà sao mỗi lần nhìn thì lòng ta cứ lâng lâng, thư thái. Có lẽ vì thế, hoa mai đã trở thành đề tài cuốn hút các nghệ sĩ cổ kim khắc hoạ thành những áng thơ bất hủ.
Chính từ bản chất, dung nhan và vóc dáng ấy, hoa mai trở thành hình tượng biểu trưng cho những gì cao đẹp, thuần khiết và tuyệt vời nhất.Thể hiện qua bài thơ Tảo mai của Phật hoàng Trần Nhân Tông và “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác thời Lý với câu thơ bất hủ: “Cứ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai”.
(Tổng hợp)