Với chị Quốc Hương, quyền giám đốc studio landscape tại Công ty Ong & Ong Việt Nam, thiết kế cảnh quan không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê. Thậm chí, như một cơ duyên, khi đề tài tốt nghiệp (chuyên ngành Thiết kế kiến trúc – Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh) của chị chính là “Làng du lịch sinh thái Tràm Chim Đồng Tháp”. Đến giờ, chị vẫn còn nhớ cảm xúc khi đi thực địa để chuẩn bị cho đề tài – cái cảm giác bơi thuyền giữa Tràm Chim, nắng bàng bạc phía chân trời, bao bọc bởi một cánh đồng sen, trên không đủ loài chim trời bay lượn, toàn cảnh là một màu xanh bát ngát của Vườn quốc gia Tràm Chim… Có lẽ sự gần gũi giao hòa với thiên nhiên lúc đó đã gieo hạt mầm đam mê với nghề thiết kế cảnh quan và đã theo chị đến tận hôm nay…
Nhưng vẫn có một mốc cụ thể đánh dấu sự toàn tâm toàn ý của chị dành cho landscape chứ?
Có một kỷ niệm để lại dấu ấn rất lớn và là một bước chuyển trong công việc của tôi, khi chính thức bén duyên với lĩnh vực thiết kế cảnh quan một cách chuyên nghiệp. Đó là vào năm 2004, khi tôi ứng tuyển vào Công ty Kingsmen (chuyên về thiết kế nội thất) và Sumer Landscape Architect (chuyên về thiết kế cảnh quan) và được cả hai cùng mời đi làm. Tôi nhớ rất rõ là mình đã chạy quanh đường Đồng Khởi nhiều lần và rồi quyết định vào làm cho công ty thiết kế cảnh quan, dù ở thời điểm đó nghề thiết kế cảnh quan còn quá mới ở Việt Nam, trong khi thiết kế nội thất là lĩnh vực mình đã quen và lúc đó cũng đang phát triển rất tốt. Hai dự án đầu tiên mà tôi tham gia là thiết kế cảnh quan cho Khách sạn Park Hyatt và Trường Đại học RMIT.
Ai cũng biết về môi trường, cảnh quan, không gian xanh…, nhưng nhiều người còn chưa hiểu lắm về công việc thiết kế cảnh quan và vai trò của cảnh quan trong một không gian sống. Chị có thể nói rõ hơn về điều này?
Ngoài việc tạo ra những khung cảnh đẹp, nói chung chúng tôi thiết kế một không gian mà ở đó người ta có thể “xõa” niềm vui cũng như nỗi buồn, có thể nằm, ngồi, than thở, khóc lóc hay chơi đùa… trong cái “tổ” của họ, theo cách của họ, cảm thấy mình được chăm sóc, được kết nối với thiên nhiên, nâng cao cơ hội gắn bó với nhau, với thiên nhiên và cùng trải nghiệm cuộc sống. Một công trình có thiết kế kiến trúc và nội thất tốt rồi, nếu thêm phần landscape sẽ giúp cho cảm xúc được thăng hoa một cách trọn vẹn. Có thể hình dung một công trình được đánh giá là đẹp, đạt điểm 8, landscape sẽ “đẩy” nó lên đến điểm 10 và hơn thế nữa.
Nếu nói về cái đẹp, có lẽ sẽ có những góc nhìn khác nhau. Theo quan điểm của chị, thế nào là một dự án, một công trình có thiết kế cảnh quan đẹp?
Trước tiên là nhìn vào công trình, cây trồng phải tươi tốt, vì sự xanh mướt, mượt mà sẽ tạo ra được không khí trong lành cho không gian sống. Kế đến là tiết tấu, là chi tiết phải độc đáo, riêng biệt, là sự chuyển động của vật liệu, của màu sắc… Chính sự chuyển động này sẽ kết nối không gian với nhau, tạo năng lượng tích cực cho người sử dụng. Công trình cảnh quan đẹp không thể thiếu mặt nước, tĩnh và động. Mặt nước làm cho khung cảnh trở nên lung linh hơn, âm thanh của nước truyền năng lượng tích cực, tạo sự rung cảm cho người sử dụng không gian. Và cuối cùng là nghệ thuật sử dụng ánh sáng có chọn lọc, nó sẽ giúp công trình cảnh quan được nâng lên một bậc.
Được biết sau khi ra trường, chị có làm thiết kế kiến trúc ở vài nơi và còn mở cả công ty riêng. Từ vai trò là một người làm quản lý thiết kế cho công ty của mình chuyển qua đầu quân cho một công ty với vai trò là thiết kế cảnh quan, hẳn phải có những lý do nào đó?
Lý do khá đơn giản là mình hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, và cái mình cần là một môi trường, sân chơi chuyên nghiệp.
Và môi trường, sân chơi chuyên nghiệp đó đã dẫn chị đến với Ong & Ong ở vị trí quyền giám đốc bộ phận thiết kế cảnh quan?
Đúng vậy. Ong & Ong là một công ty thiết kế có nguồn gốc xuất phát từ Singapore với bề dày hoạt động trên 40 năm, có văn phòng tại 13 thành phố và phân bố trên ba châu lục. Tôi về Ong & Ong từ năm 2010. Với tôi, xây dựng và phát triển được studio landscape cho Ong & Ong Việt Nam là một trải nghiệm tuyệt vời và đầy thử thách, bởi vì công việc ấy được bắt đầu từ con số 0. Đến nay tôi thật sự tự hào là đã dẫn dắt đội ngũ của mình tham gia trên dưới 30 dự án với nhiều quy mô và thể loại khác nhau, từ khu dân cư, biệt thự, khu phức hợp thương mại, khu nghỉ dưỡng… cho đến thiết kế cảnh quan đặc biệt cho sân golf… Phong cách và thế mạnh của chúng tôi là dựa trên cảm hứng từ thiên nhiên, mỗi công trình đều tạo được những khác biệt và điểm đặc sắc riêng. Còn bây giờ, khát vọng của tôi là dẫn dắt, truyền cảm hứng cho nhóm thiết kế cảnh quan trẻ của Ong & Ong trở thành studio thiết kế cảnh quan có những dự án đẹp và tốt nhất Việt Nam.
Chị đánh giá như thế nào về cơ hội thực hành của các kiến trúc sư cảnh quan ở môi trường hoạt động như nước ta hiện nay?
Tôi có một may mắn là khi mới vào nghề đã có cơ hội được đào tạo rất bài bản, dưới sự dẫn dắt của KTS Manisha Mundlay, được cơ duyên làm việc và học hỏi từ những KTS đam mê nghề nghiệp và công ty quản lý dự án nước ngoài chuyên nghiệp, có cơ hội giao lưu với nhiều KTS cảnh quan trên thế giới…, nên tôi thật sự có cái nhìn tích cực về nghề thiết kế cảnh quan. Môi trường hoạt động ở nước ta cũng ngày càng trở nên thú vị hơn. Bạn thấy đấy, bây giờ mình có phố đi bộ, cây xanh đô thị thành phố được chăm sóc tốt hơn. Các dự án bất động sản cũng đầu tư cho thiết kế cảnh quan một cách tử tế, tiện ích và môi trường sống ngày một tinh tế và văn minh cho người sử dụng. Tôi thấy môi trường hoạt động tại Việt Nam đang sẵn sàng cho những ai đam mê thiết kế cảnh quan. Điều quan trọng là những người làm nghề phải tin vào những gì mình làm và theo đuổi ý tưởng, giữ lửa đam mê với nghề đến cùng. Khi ấy, tôi tin là khách hàng sẽ cảm nhận được và đón nhận ý tưởng của nhà thiết kế.
Nhiều người dân hiện nay vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố cảnh quan trong một không gian sống. Chị có nghĩ như vậy không?
Không phải vậy đâu, người Việt rất yêu thiên nhiên, chỉ là nhiều người vẫn chưa có đủ điều kiện thôi. Tôi tin là bất kỳ người phụ nữ nào cũng thích nhà mình có ít nhất một chậu hoa xinh xinh trong căn bếp, mảng xanh nơi phòng ăn, phòng tắm hay nơi ban công…, tất cả đều là cơ sở để phát triển yếu tố cảnh quan cho ngôi nhà của họ rồi. Và tôi nhận thấy ngay cả khi lựa chọn mua một căn hộ trong các dự án nào đó thì người ta cũng quan tâm đến việc dự án đó có thiết kế cảnh quan đẹp hay không…, cũng từ đó mà nhiều nhà đầu tư bất động sản đã bắt đầu chú trọng đến việc đầu tư tiện ích cảnh quan nhằm tạo điểm nhấn riêng cho từng dự án. Chỉ có điều chúng ta chưa có tổ chức hay hiệp hội cảnh quan chuyên nghiệp để phát triển đồng bộ và có định hướng. Cách đây vài năm, tôi nhận được thư mời từ Trưởng đại diện Hiệp hội Cảnh quan châu Á – Thái Bình Dương về cơ hội tổ chức hiệp hội cảnh quan tại Việt Nam, nhưng tôi biết mình không thể làm điều này một mình được.
Chị đang là hội viên của Hiệp hội Cảnh quan thế giới và việc tham gia một hiệp hội như vậy đem lại những gì cho chị?
Đó là sự chia sẻ kiến thức và truyền cảm hứng cũng như xu hướng nghề nghiệp. Qua các hội thảo ở nước ngoài, tôi có được nhiều bạn bè là KTS trong ngành hoạt động ở các nước khác nhau. Sự kết nối này giúp tôi rất nhiều trong quá trình làm nghề, nhất là việc nắm bắt xu hướng thiết kế.
Trong thiết kế kiến trúc và nội thất, ở mỗi giai đoạn thường có những trào lưu nhất định, vậy landscape thì thế nào?
Landscape cũng không ngoại lệ.
Vậy xu hướng mới nhất hiện nay là…?
Nghệ thuật sử dụng cỏ, cây trồng địa phương và vật liệu tự nhiên. Dạo gần đây thì xu hướng thiết kế trải nghiệm không gian ngoài trời/green wall/green fence tường xanh, hàng rào cây xanh và hệ thống tưới nhỏ giọt được chú trọng.
Hẳn là xu hướng ấy cũng cập nhật nhanh chóng trong các thiết kế của chị ở Ong & Ong?
Ở Ong & Ong, chúng tôi có định hướng riêng cho từng dự án. Cảm hứng thiết kế và xu hướng là sự tương tác giữa cái mong muốn của chủ đầu tư và nhà thiết kế. Nhưng có thể nói rằng phong cách và thế mạnh của chúng tôi dựa trên cảm hứng từ thiên nhiên, mỗi công trình đều hướng đến việc tạo nên những khác biệt và điểm đặc sắc riêng.
Chị có thể nêu một dự án được đánh giá cao về thiết kế cảnh quan hiện nay ở Việt Nam?
Có một dự án, không chỉ riêng tôi mà được nhiều người trong giới chuyên môn cùng đánh giá cao là Vista Verde ở quận 2. Dự án này do Ong & Ong và một công ty khác của Thái Lan cùng tham gia.
Nhà phố là một loại hình công trình phổ biến ở đô thị Việt Nam hiện nay và thường có quy mô diện tích rất nhỏ nên người ta hay ưu tiên diện tích cho các chức năng khác mà ít chú trọng đến cảnh quan. Chị có gì để tư vấn cho khách hàng thuộc nhóm này?
Cái gì càng nhỏ thì phải càng làm cho tinh tế, chặt chẽ. Mọi thứ có thể rất bé nhỏ nhưng chỉ cần có sự cân bằng, thể hiện được sự hấp dẫn trong tỷ lệ bố cục và khoảng không gian đủ để người ngắm có cảm giác gắn kết và chan hòa với khung cảnh. Chẳng hạn, là một khoảng ban công có bố trí hai cái ghế đáng yêu cùng một khóm hoa nhỏ xinh ở góc… Chỉ cần nhìn thấy một cánh hoa rung động trước làn gió nhẹ cũng đủ làm nên chút duyên thầm cho những ngôi nhà nhỏ rồi. Vấn đề là người thiết kế có nghĩ đến điều đó để tư vấn cho chủ đầu tư hay không. Với nhà phố, chỉ cần mảng xanh ở một góc sân, một mảng tường xanh ở khoảng thông tầng hay khu vực cầu thang… là đã có tiếng nói của yếu tố cảnh quan trong ngôi nhà rồi.