Mùa covid vừa rồi làm mình như rơi vào hố đen sâu hun hút. Để giảm sự bức bối của bốn bức tường căn hộ chật, mình chuyển về ở cùng ba mẹ và đăng ký tham gia các chuyến xe hỗ trợ lương thực cho bà con. Có hôm về nhà khuya, cái “remote” cổng giở chứng, phải gọi điện nhờ ba ra mở cổng. Con hẻm hẹp dẫn vào khoảng sân nhỏ được bao quanh bởi 4, 5 căn nhà, nơi mà mình đã lớn lên, đi sớm về khuya mỗi ngày hôm nay có thời gian ngắm kĩ trông thật lạ lẫm. Vài cành hoa Quỳnh như các con rắn vươn ra từ các bồn cây, chợt bị đông cứng, khô khốc trơ trọi. Ánh đèn vàng đổ lên những mảng tường loang rêu, biến chúng thành những hình thù kỳ quái như những bức vách trong hang động cổ triệu năm.
Ba không kịp mặc áo, lập cập chạy ra. Hơi tối nên dù đã khom người, ghé sát đầu vào ổ khóa nhưng ba không cách nào tra được chìa, luống cuống rơi cả chìa xuống đất. Ba đây ư! Bao lâu rồi mình mới nhìn rõ lại ba?! Mình không ngờ ba lại già nhanh như vậy, tóc gần như bạc trắng. Ba ốm quá! Dưới ánh đèn vàng, cái dáng khom lưng đang đổ bóng thành một vòng cung xéo dài, hiu hắt trên mặt sân. Một nỗi buồn bỗng đâu xuất hiện, dâng lên, nhanh chóng bủa vây kéo lòng mình chùng xuống, tận đáy.
Nhìn cái dáng lom khom của ba, mình chợt nhớ lại cái góc tôn hầm hập nóng trên sân thượng những ngày giáp Tết. Ba hay chất củi thẳng lên mặt sàn, nổi lửa nấu cái thùng phuy lớn đen ngòm sỉ than. Lửa phừng phực cùng gió đôi khi tạt liếm qua cả cái ghế sắt xanh bong tróc mà ba đang đứng phía trên, mồ hôi nhễ nhại, gồng cong mình dùng mái chèo khuấy đảo thứ chất lỏng xà-bông trong thùng phuy. Trong khi đợi cho chúng đông lại để cắt đem ra chợ, mẹ gom đám cải thảo vừa phơi bỏ vào cái thau lớn, đổ từng bịch tương ớt, dùng tay trộn đều đến khi chúng đỏ rực lên…
Mình đã rất yêu và sợ những ngày này trôi qua nhanh. Mình có thể ở cả ngày trên sân thượng, gặm nhấm không khí đặc quánh rộn ràng lễ hội. Trên đó chỉ gần 60m² mà phân nửa là “ngọn đồi” rác, nơi chứa tất cả những món đồ cũ mà gia đình chưa muốn bỏ đi. Có chuồng thỏ của mợ Chín, có manh chiếu, ghế cũ, có đám nha đam mọc tràn lan dù chẳng ai trồng, có cây mai tứ quý trồng trong nửa cái thùng phuy rỉ sét mà cả tuổi thơ mình chỉ thấy được vài lần lác đác nở hoa… Trong lúc ba mẹ quần quật, mình leo lên cái phản gỗ xiêu vẹo trên đỉnh “ngọn đồi”, ngồi canh đám thỏ chỉ chực chờ phóng ra ngoạm lấy khay củ kiệu đang phơi.
Từ trên “đỉnh đồi”, mình vội phóng tầm mắt xuống con hẻm nhỏ khi tiếng hú hét vang lên rần rần. Con heo nhà ai vừa xổng chuồng, lao ra làm náo loạn cả xóm. Giữa sân xi măng, bà Tam đào xuống hẳn một lỗ thật to, bên trên là nồi bánh chưng nghi ngút khói. Dọc hẻm là rơm rạ, là vài trái dưa hấu của ai lăn lông lốc, đám lá dong, lạt trắng dựng hai bên như rừng, ngập cả lối đi. Chúng là của những người bán ngoài đường gởi tạm, hồi đó Tết đến khu Ông Tạ này là nơi bán lá dong lớn nhất Sài Gòn. Chỉ một chút nữa thôi khi những bó lá được chặt ra khỏi thân để giao người mua, đám con nít tụi mình sẽ gom phần thân lại nhanh chóng biến chúng thành những thanh kiếm, khẩu súng AK… Rồi chia phe, rượt nhau len lỏi qua những xe hàng, những “kim tự tháp” dưa hấu, thơm… đang tràn ra cả lòng đường.
Đến buổi chiều 30, khi nồi bánh chưng của bà Tam được giở ra lộ một lỗ đen sâu hóm âm ỉ khói trên sân, ba cũng gom dọn bớt đồ, vội vàng chạy ra hợp tác xã để lấy cái băng rôn màu đỏ “Chúc mừng năm mới” được dán bằng giấy thủ công. Cái băng rôn ấy từ… năm ngoái, mọi người sắp bỏ đi, ba đem về căng ngang trong nhà. Ba luôn xếp theo cách của ông. Một bên là đám vạn thọ, đang rực lên màu nắng cuối chiều keo lại, buồn tênh. Bên kia là đám bông mào gà mà khi trời trở tối, cái màu huyết sẫm như có ánh sáng hắt ra từ bên trong.
Gần đến giờ giao thừa, ba đi thay một bộ đồ tươm tất hơn, leo cùng mình lên “ngọn đồi”, đứng lặng yên một lúc rồi cắm những cây nhang đốt sẵn vào bàn thờ thiên. Mình ngồi lên phản gỗ, hồi hộp đợi đến thời khắc quan trọng nhất trong năm. Lúc đầu chỉ lác đác vài tiếng pháo, nhưng chỉ một chút nữa thôi những âm thanh đì đùng, chát chúa sẽ rền vang bủa vây. Ngập bồng bềnh xung quanh mình là biển khói và ánh sáng, những đốm sáng như lân tinh khắp nơi loé lên rồi chợt tắt. Mình đã đứng lên tự lúc nào, cảm thấy những nóc nhà đang dần dần chìm xuống, biển khói đang từ từ nâng mình dâng lên…
Dù bao năm đã trôi qua, nhưng nếu giờ mà hỏi Tết có mùi gì, mình vẫn trả lời đó là mùi khói pháo, cái mùi nồng nồng thi thoảng vẫn len vào thăm thẳm trong những nỗi nhớ – quên.
Mình đã quyết định rồi, sẽ bán căn hộ như cái hộp quẹt diêm gần trung tâm để mua một miếng đất xa xa, nằm sát bờ sông. Nơi đó mình sẽ cất một ngôi nhà kiểu nhà sàn, có vài phòng ngủ thật nhỏ thôi, treo chúng lên cao để toàn bộ không gian bên dưới mở ra giao hòa với thiên nhiên. Rồi mình sẽ đưa ba mẹ về ở cùng, nuôi một chú chó chăn cừu, rủ và đợi mấy đứa cháu ghé thăm – chơi. Ngôi nhà này mình cũng đắp một ngọn đồi rồi trồng lên đó một cây mai tứ quý, sẽ rắc thật nhiều hạt bông vạn thọ dọc lối vào, đặt thêm cái phản gỗ cũ làm nơi cả nhà sinh hoạt.
Hy vọng Tết năm sau sẽ có tổ mới, mình sẽ không đi du lịch như thói quen hơn chục năm nay. Chiều 30 Tết mình sẽ phụ ba mẹ dọn lại cái bàn thờ, mua thật nhiều giỏ bông mào gà xếp vây quanh. Sẽ lấy cái ghế lười đặt bên cửa sổ. Mình chỉ ngồi im đó thôi lặng ngắm sắc vàng óng ả của hàng vạn thọ, của đám mây hình con ngựa đang bay về trời… Rồi đợi cái khoảnh khắc chùng xuống của tiết giao mùa. Đợi âm thanh sột soạt từ những gói quà bọc bằng bao kiếng, được mẹ gỡ ra, nhẹ xếp lên bàn thờ. Đợi cái dáng chậm rãi của ba, lom khom bước ra sân cắm mấy cây nhang đốt sẵn lên cái bàn thờ thiên… và những vờn khói từ từ cuộn lên, làm nhòe đi những đốm đèn lấp lánh phía bên kia sông.