Với sức sáng tạo mạnh mẽ cùng cách làm việc kiên trì, anh đã tạo nên những khu vườn độc đáo, đưa người xem chìm đắm vào cõi mơ.
Nổi tiếng trong giới thiết kế cảnh quan thế giới từ khu vườn làm từ 45 tấn kính tái sinh và sau đó là hàng loạt dự án lớn như Khu vườn mây pha-lê, Vườn ru… Andy Cao trở thành người Việt đầu tiên nhận các giải thưởng uy tín trong ngành là Loeb Fellowship tại Trường Cao học Thiết kế Harvard và Rome Prize Fellowship của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ tại Rome. Với sức sáng tạo mạnh mẽ cùng cách làm việc kiên trì, anh đã tạo nên những khu vườn độc đáo, đưa người xem chìm đắm vào cõi mơ. Sau buổi gặp gỡ với các sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, anh đã dành cho Nội Thất một buổi trò chuyện thân tình.
____
Người làm về cảnh quan thường được gọi là kiến trúc sư, anh lại tự nhận mình là nghệ sĩ, vì sao?
Kiến trúc sư khi thiết kế cảnh quan thường phải tuân thủ nhiều quy tắc, số liệu còn nghệ sĩ thì có thể sáng tạo tự do, không tuân theo một chuẩn mực hay khuôn mẫu nào. Trong nghề thiết kế cảnh quan, ý tưởng sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất. Khu vườn kính đầu tiên của tôi được nhiều người biết đến cũng nhờ ý tưởng khác biệt.
____
Anh lấy nguồn cảm hứng từ đâu để thiết kế một khu vườn kính ấn tượng đến thế?
Vườn kính lấy cảm hứng từ những ký ức tuổi thơ của tôi ở Việt Nam. Trong vườn, kính được rải trên lối đi và được đổ thành từng đụn cao thấp như một cánh đồng muối. Ánh nắng chiếu lên kính vụn được phản quang tứ phía và thay đổi màu sắc liên tục. Vào những đêm trăng, cả khu vườn long lanh như được trải bằng hàng triệu hạt đá quý. Tôi định làm khu vườn trong ba tháng nhưng kết quả là mất đến hai năm rưỡi mới hoàn thành.
____
Còn Vườn ru, khu vườn được làm từ những tấm chiếu cước?
Vườn ru lấy cảm hứng từ những ký ức đẹp, những mùi hương tuổi thơ khó quên như mùi nếp hương từ ruộng sau nhà hay mùi biển mặn trên những ruộng muối miền Trung. Người Việt xa quê dù quên đi nhiều kỷ niệm nơi quê nhà thì vẫn nhận ra những nét đẹp của nơi chôn nhau cắt rốn khi vào Vườn ru.
____
Ý nghĩa của những khu vườn anh làm khá trừu tượng, làm sao để mọi người hiểu hết ý nghĩa của nó?
Tôi không kiểm soát cảm xúc và ấn tượng của khách tham quan mà để mỗi người tự cảm nhận theo cách của riêng mình. Sự tuyệt vời của cuộc sống chính là nghe tiếng nói từ trong tâm hồn mình khi chìm đắm trong ánh sáng và sự im lặng, như câu nói của nhà văn nổi tiếng John Uplike – “Hãy nhận vẻ đẹp của trần gian như nó vốn có”.
Khi tâm tĩnh thì chúng ta mới có thể nhìn ra những điều khác biệt trong những sự vật quen thuộc thường ngày. Tôi thường tưởng tượng bụi cây, phiến đá biết trò chuyện và muốn được mài giũa, nâng niu để tỏa sáng như thế nào.
____
Thiết kế cảnh quan và kiến trúc xanh có tiệm cận với nhau không, thưa anh?
Thiết kế cảnh quan không hoàn toàn là kiến trúc xanh. Giá trị xanh luôn nằm trong một thiết kế về cảnh quan, nhưng nếu thiếu yếu tố nghệ thuật thì có làm bao nhiêu công trình cũng giống nhau cả. Nhiều công ty thiết kế thường dùng “thiết kế xanh” để dễ kinh doanh, thu hút khách hàng mà thực sự chưa có cái nhìn mới về môi trường xanh và cũng không có đủ thời gian để sáng tạo ra ý tưởng độc đáo. Kiến thức có thể học được ở trường đại học nhưng muốn có thiết kế xanh thì cần có tài năng cùng một tiếng nói riêng trong tác phẩm.
____
Anh nhận xét gì về ngành thiết kế cảnh quan ở Việt Nam so với thế giới?
Tại Việt Nam, tôi thấy các thiết kế cảnh quan thường chỉ sử dụng như một phần nhỏ của dự án bất động sản, trong khi trên thế giới các công trình thiết kế cảnh quan có giá trị rất lớn. Các khu công viên, khu vui chơi, bảo tàng muốn tạo ấn tượng với du khách hay các doanh nghiệp muốn giới thiệu sản phẩm của mình thường nhờ đến các nghệ sĩ cảnh quan.
Vườn ru lấy cảm hứng từ những ký ức đẹp, những mùi hương tuổi thơ khó quên như mùi nếp hương từ ruộng sau nhà hay mùi biển mặn trên những ruộng muối miền Trung. Người Việt xa quê dù quên đi nhiều kỷ niệm nơi quê nhà thì vẫn nhận ra những nét đẹp của nơi chôn nhau cắt rốn khi vào Vườn ru.
Tôi thấy ngành này cũng đang thu hút nhiều bạn trẻ nhưng họ lại chưa được định hướng một cách đúng đắn. Đây là công việc vô cùng thú vị nhưng đòi hỏi người làm phải bước ra ngoài, phải làm việc bằng tay chân, không ngại đất cát vấy bẩn quần áo chứ không thể ngồi trong văn phòng ngày đêm.
____
Anh có lời khuyên nào cho những người trẻ theo nghề thiết kế cảnh quan?
Nếu bạn trẻ nào dám dầm mưa dãi nắng, sẵn sàng xắn tay áo lên làm việc thì rất hợp với nghề này. Còn nếu chỉ muốn ngồi văn phòng, máy lạnh thì hãy chọn nghề khác. Sinh viên ngành thiết kế cảnh quan hãy sống chậm lại, thay vì lướt ngón tay trên các công nghệ hiện đại thì hãy dùng cả tâm trí và tình cảm để cảm nhận về thế giới xung quanh. Và trên hết, hãy giữ gìn và trở nên tự hào với di sản văn hóa của chúng ta, sáng tạo liên tục chứ đừng lạm dụng sáng kiến của người khác.
____
Theo anh, thiết kế cảnh quan có gì đặc biệt khiến cho người nghệ sĩ gắn bó với nghề?
Đây là một ngành rất có tiềm năng đồng thời có sức mạnh đáng ngạc nhiên trong việc thay đổi tâm trạng của người tham gia. Suốt bốn tháng làm Khu vườn mây pha-lê rộng 1.400 mét vuông, hơn 200 người chúng tôi gần như cắt đứt mọi liên lạc với thế giới xung quanh, không điện thoại, không đọc sách báo, thậm chí hạn chế trò chuyện với những người xung quanh. Trong không khí lạnh giá, tuyết giăng bốn bề, chúng tôi cứ chăm chỉ gắn từng chi tiết, cố gắng điều khiển đôi tay vụng về vì lạnh cóng để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật khiến người xem một khi đã đi vào thì lưỡng lự không muốn đi ra.
____
Những tác phẩm tuyệt vời anh tạo ra hẳn là nhận được rất nhiều lời khen ngợi…
Thật ra, câu nhận xét tôi nghe nhiều nhất là “Có gì hay đâu. Ai làm cũng được thôi”. Như khi tôi dùng cây sả để trang trí, người ta nhìn với vẻ giễu cợt. Thực ra, sả là cỏ kiểng nếu được dùng một cách chăm chút sẽ đẹp mắt và rất tốt cho sức khỏe nên thường được trồng trong những khu vườn dưỡng thương (healing garden). Những khu vườn khác của tôi cũng vậy, nếu chỉ nhìn sơ qua thì không có gì lạ, chỉ khi hoàn toàn tĩnh lặng trong khu vườn đó, cảm nhận ánh sáng phản chiếu qua các chất liệu mộc mạc tựa như hàng ngàn chiếc cầu vồng thì người ta mới nhận ra đó là một khu vườn đặc biệt.
____
Anh có thể chia sẻ, khu vườn tiếp theo của mình sẽ từ chất liệu gì?
Tôi ước mơ sẽ hoàn thành hệ thống Vườn Âu Cơ gồm 100 khu vườn nhỏ, trải dài từ Nam ra Bắc, nhằm tôn vinh những làng nghề thủ công và nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Một trong những nguyên liệu tôi đang muốn đưa vào khu vườn này là lụa hoặc gốm. Tôi đã nghe nói đến làng lụa Lãnh Mỹ A (An Giang) với những mảnh lụa đen bóng loáng, mềm rũ và mát lạnh. Mới tưởng tượng đến một khu vườn bằng lụa tuyệt đẹp thôi mà trong tôi đã cảm thấy xúc động và muốn bắt tay vào làm ngay.
____
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thật thú vị.