Những ngày cuối năm 2015, chúng tôi có chuyến thăm công trình của kiến trúc sư Đặng Đức Hòa ở Gia Lai. Bởi trước đó đã nghe anh nói về cái “hang Sơn Đoòng trên Tây Nguyên” với rất nhiều tâm huyết. Gọi là “hang Sơn Đoòng” vì anh muốn tái hiện lại cảm xúc từ cái hang ở Quảng Bình trong công trình của mình ở Gia Lai bằng ánh sáng, cây xanh và hình khối kiến trúc… Công trình còn dang dở nhưng hình ảnh của Đức Hòa khi đó khiến người ta cảm động.
Ròng rã nửa năm, anh ăn ngủ tại công trình cùng với những thợ nề địa phương, giữa bộn bề vật liệu xây dựng, cái ghế xếp và nồi niêu xoong chảo. Anh đen nhẻm và ốm nhom. Đó không phải chàng rocker tóc dài trong ban nhạc của trường đại học kiến trúc năm nào, cũng không phải một “Hòa lãng tử” ôm đàn trong những cuộc vui. Nhưng cái cách anh “đi” trong kiến trúc thì vẫn đậm chất “nghệ” và tinh thần dấn thân. Công trình rồi cũng xong, chủ đầu tư hài lòng với ngôi nhà mới, nhưng anh thì chắc có buồn một chút, vì đứa con tinh thần của mình không giống như mong muốn ban đầu… Hẳn đây cũng là điều thường gặp của nhiều kiến trúc sư trong quá trình làm nghề. Đức Hòa khép lại chuyện vui buồn ấy bằng chính sự thấu hiểu những khó khăn từ phía chủ đầu tư, để rồi tiếp tục tìm kiếm một dự án khác và lại toàn tâm toàn ý với nó.
___
Nhắc lại chuyện từ năm 2015 của Đức Hòa chỉ để bổ sung thêm một chút vào chân dung của một người làm nghề. Bởi bản thân mỗi kiến trúc sư sẽ tự họa chân dung nghề nghiệp bằng chính các công trình của họ. Tạp chí Nội Thất cũng từng giới thiệu công trình của Đức Hòa (Những ô cửa lá sách – Nội Thất số 233) và bây giờ là dự án mới nhất của anh: Lee & Tee house. Chủ nhà là một cặp vợ chồng còn rất trẻ. Họ mua được một ngôi nhà cũ và tìm đến anh với mong muốn thiết kế cải tạo lại thành một không gian ở kết hợp với làm việc – một xưởng thời trang với các sản phẩm bằng da may thủ công. Lee & Tee cũng là tên của thương hiệu.
___
Đặng Đức Hòa chia sẻ: “Để có một chiếc túi xách hoàn chỉnh, cần phải qua nhiều công đoạn, với từng đường kim tỉ mỉ và chính xác. Đó cũng là cách mà chúng tôi đã thực hiện công trình này, với tinh thần của một người thợ thủ công, cẩn thận và tỉ mỉ, kết nối từng bộ phận của ngôi nhà lại với nhau, giữa cũ và mới, riêng và chung, gỗ-gạch-bê tông-sắt thép và cây xanh”. Anh phấn chấn khi nghĩ đến những hình ảnh về một ngôi nhà được “may” lại với nhau bằng những sợi chỉ trắng mỏng manh, tinh khiết, và rồi phương án cải tạo được hình thành.
Theo đó, các mảng tường, sàn không cần thiết được dỡ bỏ để mở rộng không gian, đồng thời lộ ra một khối “đặc” lớn. Khối đặc này được “may” vào hai bức tường bên hông bằng các hệ khung lớn ở phía trước và bên trên ngôi nhà. Hệ khung ấy là những sợi thép nhỏ liên kết lại với nhau theo dạng các tổ hợp lập phương “rỗng”, toàn bộ được sơn trắng và sau này dây leo bò lên. Mỏng manh nhưng chắc chắn, bảo vệ ngôi nhà đồng thời vẫn cho phép gió và ánh sáng tràn vào bên trong.
Ở bên trong, hệ thang bê tông cũ được tháo dỡ tạo ra một khoảng thông thoáng lớn cung cấp ánh sáng cho các tầng. Hệ thang mới được làm bằng những tấm gỗ như đang treo lơ lửng, cũng được “may” lại với nhau nhờ những “sợi chỉ” trắng, ánh sáng từ trên xuyên xuống tới tầng trệt.
Tại tầng trệt, một tủ bếp dài kết hợp với bàn ăn uốn lượn mềm mại quanh một khoảng vườn nhỏ tạo ra một sự chuyển động, đối lập với cảm giác tĩnh lặng do các bức tường gạch tạo ra.
Ngôi nhà được hoàn thiện vào cuối năm 2016 và chủ đầu tư đã có một cái Tết cổ truyền trong ngôi nhà mới. Những hình ảnh trong bài viết này cũng phần nào cho thấy đời sống của họ và những giá trị mà thiết kế đem lại.
Thiết kế: Block Architects
Chủ trì thiết kế: KTS Đặng Đức Hòa
Nhóm dự án: Đặng Đức Hòa, Hoàng Hai Thành, Hoàng Nam Chung
Đơn vị thi công: Block Group
Hình ảnh: Quang Trần