Mỗi ngôi nhà được hình thành đều có một cái “duyên” nhất định; có khi, đó là từ phía chủ nhà với miếng đất mà công trình tọa lạc; cũng có khi là cái duyên giữa chủ đầu tư với người thiết kế…
Ngôi nhà này là trường hợp thứ hai, nó được hình thành từ ấn tượng ban đầu của gia chủ khi nhìn thấy một thiết kế của một kiến trúc sư chưa từng quen biết, để rồi xác định rằng đây là người sẽ làm nhà cho mình, và cứ thế đi tìm…
Duyên, bởi vì chủ đầu tư ở dưới Trà Vinh, còn kiến trúc sư làm việc trên Sài Gòn, trong quá trình tìm người thiết kế, chủ nhà đã tình cờ xem được một công trình do kiến trúc sư thiết kế trên một kênh truyền hình, thấy ấn tượng với công trình này và anh tìm đến với người thiết kế.
Chủ nhà chia sẻ rằng anh không mong muốn một ngôi nhà giống hệt như vậy mà chỉ nghĩ đây sẽ là người thiết kế ngôi nhà mình đang ấp ủ.
Khi trò chuyện với người thiết kế, anh chỉ đưa ra năm “gạch đầu dòng” mà anh mong muốn về ngôi nhà sẽ xây, phần còn lại người thiết kế hoàn toàn quyết định.
Năm điều đó là: một ngôi nhà làm bằng gạch; không có cửa sổ, không ban công nhưng có thể nhìn ra bên ngoài và có nắng gió thiên nhiên, có thể trồng cây xanh trong nhà; có sự liên thông hoàn toàn giữa bàn ăn, phòng khách và bếp, một không gian sinh hoạt chung đủ rộng để đại gia đình có thể tụ tập; mái nhà phải là thứ gì đó khác biệt so với cách phổ biến hay dùng là tôn, ngói, bê tông, không nghe tiếng mưa rơi trên mái; cuối cùng là làm sao để không hề thấy cái cột nào trong nhà.
Với người thiết kế, anh quan niệm rằng một công trình kiến trúc phải phản ánh hình ảnh của thời đại mà nó được hình thành, gắn liền với môi trường mà công trình tọa lạc và phải dựa trên các nhu cầu của chủ đầu tư đặt ra.
Khi đi khảo sát mặt bằng, anh nhận ra khu đất thuộc khu vực trung tâm của thành phố Trà Vinh, quanh đó có nhiều ngôi nhà xưa cũ và đặc biệt là một nhà thờ Công giáo được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Mặt khác, khi tiếp xúc với hai thế hệ trong gia đình của chủ đầu tư, anh cũng nhận ra nếp sống và văn hóa của gia đình thông qua cách mà cha mẹ tạo điều kiện cho con cái phát triển, ngay cả việc quyết định hình thức ngôi nhà như thế nào, ông bà cũng dành cho người con trai làm việc với phía thiết kế và quyết định…
Cùng với việc giải quyết các “gạch đầu dòng” mà chủ đầu tư đặt ra, công trình sẽ gợi nhắc một chút hình ảnh của các ngôi nhà chung quanh, đồng thời trong kiến trúc cũng lồng ghép thông điệp về tình yêu thương giữa hai thế hệ của gia đình.
Giải pháp của nhà thiết kế là ngôi nhà bằng gạch với quy mô bốn phòng ngủ, hiện đại và tiện nghi, hài hòa nhưng vẫn tạo nên dấu ấn riêng trong bối cảnh địa phương nơi công trình tọa lạc.
Sự khác biệt của công trình chính là vận dụng gạch nung cho toàn bộ các hạng mục mái và vách tường – liên kết với nhau bằng sắt thông qua hình thức xỏ qua lỗ và sắp xếp theo trật tự nhất định… Cách làm này cũng đáp ứng các yêu cầu về chất liệu và thông thoáng, lấy sáng tự nhiên.
Phần mái của công trình sử dụng thêm một lớp kính trong suốt để che mưa. Còn lại, buổi tối có thể nhìn thấy trăng sao và ban ngày, khi mặt trời đi qua cũng tạo nên những hiệu ứng bóng đổ khác nhau.
Các chức năng sinh hoạt chung như bếp, bàn ăn và phòng khách cùng nằm trên một cao độ sàn và hoàn toàn liên thông tạo nên một không gian lớn. Hai phòng ngủ dưới trệt và hai phòng ngủ trên lầu.
Đặc biệt, hai phòng ngủ trên lầu có cấu trúc như hai căn nhà nhỏ với phần mái riêng, cùng nằm dưới một mái lớn, tạo nên hai khối đặc nằm trong một khối rỗng, liên kết bằng khoảng hành lang xuyên suốt từ trước ra sau.
Đây chính là hình ảnh mang thông điệp mà kiến trúc sư muốn gửi gắm – như những người con trong tình thương của cha mẹ.
Nhìn từ bên ngoài và phía bên hông nhà, mảng gạch xếp xen kẽ với mật độ đặc – rỗng khác nhau gợi lên vài hình ảnh của ngôi nhà thờ gần đó. Nhìn tổng thể ngôi nhà cũng gợi hình ảnh một ngôi nhà ba gian khá phổ biến của Việt Nam.
Khi đã rõ về ý và không gian đã được tổ chức hợp lý thì vấn đề chỉ còn là thi công và chờ xem những phản hồi từ phía chủ đầu tư sau một thời gian công trình đi vào sử dụng. Có thể nhận ra điều này từ chính sự nồng nhiệt của chủ đầu tư khi người thiết kế trở lại thăm công trình.
Còn phía bố mẹ của chủ đầu tư, khi công trình mới bắt đầu nên hình nên dáng, ông bà còn chưa thực sự hình dung nó sẽ như thế nào, bởi “khác” và “lạ” quá.
Ông bà có đùa rằng cả hai thằng – là con trai mình và người thiết kế – tụi nó khùng giống nhau mới làm cái nhà như vậy. Nhưng ông bà vẫn tin tưởng và chờ đợi… Còn bây giờ, hầu như tối nào họ cũng tranh thủ về thăm con cháu và ngồi chơi tới khuya.
Hóa ra, cái “khùng” giống nhau ấy chính là sự đồng điệu từ hai người trẻ và đến bây giờ thì ngôi nhà đã hoàn toàn thuyết phục được ông bà. Xét trong tương quan với xung quanh, công trình hoàn thành vừa hài hòa với bối cảnh, vừa khác biệt đủ để ai đi ngang qua cũng tò mò dừng chân nhìn ngắm…
Thiết kế: KTS Đặng Đức Hòa, KTS Nguyễn Việt Khoa
Block Architects
220/8 Hoàng Hoa Thám, P.5, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Website: www.blockarchitects.com.vn
Email: info@blockarchitects.com.vn
Điện thoại: (028) 66815687
Giám sát: Lữ Hoàng Phú
Thi công: Đặng Văn Cảnh và cộng sự
Hình ảnh: Quang Trần