Năm 2013, giữa khu đầm phá của thành phố Lagos (Nigeria) xuất hiện một ngôi trường nổi khang trang, tạo điều kiện học tập cho những trẻ em sinh sống trong khu ổ chuột Makoko bên bờ phá. Công trình là một dự án thí điểm thể hiện sức sáng tạo của con người nhằm đáp ứng nhu cầu của một cộng đồng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tình trạng đô thị hóa vùn vụt tại châu Phi.
Makoko là một khu ổ chuột trải dài trên bờ phá Lagos với 10.000 người sống trong những căn nhà sàn bằng gỗ ọp ẹp trên một môi trường nước bị ô nhiễm nặng. Nơi đây trước kia vốn là một làng đánh cá nhưng những trận lũ cùng mưa lớn khiến nước biển dâng cao, đe dọa an sinh của người dân buộc chính phủ phải giải tán một phần khu dân cư trên sông nước này. Trước những cư dân khát khao gắn bó với sông nước, KTS Kunlé Adeyemi – một người con của Lagos – đã đề xuất ý tưởng về một công trình nổi có thể chống chọi lại với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Bản thiết kế về một ngôi trường nổi ra đời, theo đó: ngôi trường khung hình chữ A có ba tầng, nổi trên mặt nước nhờ 256 thùng nhựa, khu vui chơi rộng 1.000m2, phòng học, bồn thu hứng nước mưa và nhà vệ sinh.
Với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Heinrich Boll và Liên Hiệp Quốc, năm 2013 công trình được xây dựng và trở thành nơi học tập cho 100 học sinh tiểu học, đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân địa phương. Các lớp học được phân chia trong một không gian kín ở tầng giữa. Tầng trên cùng có một phòng học mở ra không gian đầm phá bên ngoài. Mái nhà được thiết kế với những tấm pin năng lượng mặt trời, kết hợp với hệ thống dẫn nước tạo thành một cấu trúc bền vững. “Tầng trệt” là sân chơi cho trẻ em, cũng là nơi thỉnh thoảng người dân đến nghỉ ngơi hay sinh hoạt, hội họp. Hệ thống thùng nhựa bên dưới vừa là nơi chứa nước vừa là phao nổi cho toàn bộ công trình.
Ngôi trường là một hình mẫu linh hoạt trong thiết kế nhà ở và các công trình trên mặt nước khác. Dựa trên các nguyên tắc thẩm mỹ và chức năng của trường nổi Makoko, Chính phủ Nigeria chuẩn bị xây dựng các đơn vị nhà nổi có thể được đan cài với nhau hoặc thả nổi một cách độc lập, có thể di chuyển một cách an toàn trên mặt lũ. Mục tiêu cuối cùng của dự án là sự tồn tại bền vững của những đô thị trên sông nước ở vùng duyên hải châu Phi.
- Ảnh TL