Trưa nay em đến ngủ phòng anh thăm thẳm trời cao thăm thẳm xanh
Anh trút tình thương qua sắc biếc ru cho em ngủ giấc trưa lành.
Không hiểu sao đã hơn 30 năm, bộ nhớ có dung lượng thấp lại mắc quá nhiều lỗi của tôi vẫn chưa xóa đi, vẫn trọn vẹn cảm xúc về bài thơ của Chế Lan Viên. Ai mà chẳng một lần ước ao được sống một phút, một lần cho đã đời trong “ngôi nhà” ấy, một không gian sống lãng mạn, tràn ngập tình yêu thương mà nhà thơ đã hào sảng vẽ nên. Tất cả chỉ có hai người yêu nhau đang bồng bềnh trong trời xanh, lá biếc.
Nhiều năm sau câu thơ cao rộng kia cứ theo tôi len lỏi vào những làng quê nghèo khó, sục sạo tìm kiếm nơi phố phường ngổn ngang cao ốc, biệt thự. Tôi luôn nhìn thấy ngôi nhà hoang ảo của nhà thơ thấp thoáng đâu đó cùng những vạt màu xanh lục, xanh lam, xanh vàng của lá hay úa nâu của thân cành… một thứ tấm lợp sinh học thật dễ thương.
Khi quỹ đất ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, trong các thành phố lớn vắng dần những ngôi nhà vườn. Chỉ có các bác đại gia bộn tiền mới dám sở hữu những khu vườn nhỏ mang dáng dấp của một thiên đường ôm ấp cả khu biệt thự sang trọng.
Trong khi đó nơi làng quê, cây vườn lại tồn tại như một nhu cầu tự thân. Từ bao đời nay người dân vẫn tìm cách đưa ngôi nhà của họ ẩn mình trong thiên nhiên, tìm kiếm sự che chắn từ cây cỏ để tạo được những không gian sống ít nhọc nhằn nhất mỗi khi đối mặt với điều kiện thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt. Sử dụng cây xanh như một vật liệu che chắn tự nhiên có rất nhiều giải pháp: cây trùm lợp bóng mát, cây leo phủ mái nhà, cây bám riệt bờ tường
Đô thị xanh tập hợp bởi rất nhiều nhà vườn ở Huế nhắc nhở tôi về điều này. Mỗi lần đến Huế, thật nhẹ lòng, thanh thản khi ghé dãy nhà rường Kim Long, thăm khu vườn của Bội Trân hay thưởng lãm những món ăn đặc trưng xứ Huế cùng những bài thơ đầy triết lý về thân phận con người treo ở biệt phủ Thảo Nhi… Từ bất kỳ một góc nhìn nào hướng ra vườn, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều tầng nấc cây xanh. Thấp có rau, cây gia vị, cây thuốc, cao chút nữa là hoa cảnh, bonsai, trùm lợp lên tất cả là xoài, quéo, muỗm, nhãn.
Trên Tây Nguyên, Đà Lạt lộng gió, người dân thường ưa dùng cây hoa xác pháo để che phủ những hàng rào kẽm gai, làm giàn hoa trước hiên hoặc che lợp cả mái nhà nhỏ xinh. Từ một con dốc, một góc thung lũng hay bên sườn núi, thi thoảng chợt hiện ra một mái nhà vàng rực. Cứ ngỡ đó là màu dạng mới của miền đất đỏ bazan.
Người Hà Nội, Hà Tây, Nam Hà, Ninh Bình, Nam Định lại sử dụng khá phổ biến cây hoa bìm bìm. Loại này dễ trồng, sức sống mạnh mẽ như loại cỏ hoang, chỉ cần một nhánh cây bánh tẻ vùi xuống đất không cần chăm chút kỹ lưỡng sau một năm bạn có thể có được một tấm lợp xanh mướt điểm hoa tím đẹp mỹ mãn mỗi khi hè về.
Cây bìm bìm xanh hoa tím leo bám trên những cột gỗ thô mộc rồi phủ lên mái ngói đỏ là một tín hiệu khác biệt của Vạn Chài resort (Thanh Hóa). Nó làm mềm đi những mảng tường gạch thô sần và góp phần hạ nhiệt đáng kể cho khu nghỉ. Trên rẻo đất Phát Diệm – Ninh Bình, những ngôi nhà phủ kín lá bìm bìm lại tạo ra một hòa sắc rất dễ thương của làng quê ven biển với mái xanh hòa lẫn mái lợp cói bổi nâu sẫm, cùng mái ngói đỏ tươi đổ bóng xuống những con sông nhỏ ngầu đục phù sa
Dọc những làng chài ven biển Đà Nẵng, Hội An, Sa Huỳnh, Mũi Né, Phan Thiết, Long Hải, Vũng Tàu… chốn nào cũng có những túp nhà tranh ẩn khuất dưới rặng dừa cao vút. Nhưng ấn tượng của làng biển khó đâu dễ thương bằng những ngôi nhà bên bãi Dài của huyện đảo Phú Quốc. Bên cạnh những khóm sứ biển, mù u, lá dừa tươi xanh trên cây đã là một “lớp mái” vô tiền hoạt hậu, còn lá dừa khô lợp mái, dựng tường vách cho đến bờ rào chắn bụi, ngăn gió. Một nét kín đáo, duyên dáng đặc biệt khác lạ so với kiểu nhà đặc trưng của Phú Quốc với hiên lớn như một ngôi nhà không vách, cửa không khép đóng và rất mở
Trở lại những căn biệt thự nội đô, những khu nghỉ sang trọng ở ngoại ô các thành phố lớn, mái rạ cũng được ưa dùng. Điệu đàng và “chơi” hơn, có người lại lựa chọn loại cây vẩy cá với một cố gắng che phủ đi những ấn tượng phản cảm của vật liệu nhân tạo như bêtông, xi măng. Cây vẩy cá bám sát bờ tường, không phá hủy, làm hỏng vật liệu ký sinh, leo bám, không tốn diện tích lại cho hiệu quả mỹ cảm bởi sự thay đổi, luân chuyển theo mùa. Giải pháp này thật tuyệt vời đối với những ngôi nhà có những mảng tường lớn thường xuyên phải đối mặt với cái nóng từ hướng Tây vào những dịp hè nắng gắt. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ làm ra những buổi trưa hè êm dịu…
- Bài và ảnh Xuân Bình