Người mua nhà lộ vẻ ngạc nhiên khi con trai thứ của chủ nhà… phóng tay cho hết đồ đạc, nhưng quyết giữ lại chiếc bàn ăn cũ kỹ. Gia đình 10 người của anh sẽ đi định cư nước ngoài, còn anh không muốn rời Việt Nam. Vẻ thất thần hiện rõ trên khuôn mặt người đàn ông trẻ, khi xếp từng chiếc ghế lên xe chở về nơi an trú mới. Ly biệt căn nhà xưa, giã từ từng viên gạch, mái ngói đã chở che tuổi thơ của 8 anh chị em, chỉ còn lại một “ngôi nhà” trong tâm thức anh với chiếc bàn ăn đủ cho 10 người, mà mỗi sáng, mỗi tối từ đây vang lên tiếng lanh canh chén đũa…
Chiếc bàn ăn hình tròn. Nó nhẵn bóng. Dấu thời gian, mồ hôi, cả vết ố do thức ăn vung vãi rút thấm vào đó. Về căn nhà mới, anh dành cho nó một chỗ ngay ngắn nơi gian bếp. Nhưng bữa đầu tiên ngồi vào ăn, anh như… hụt chân. Những chiếc ghế trống như con mắt tròn xoe, hoang hoải nhìn anh đến nghẹt thở. Ừ, thì nó là cái bàn thôi mà. Đã có lần anh trấn an mình, nhưng vì nó là cái bàn, hay gọi chính xác hơn là la bàn chỉ hướng quay về gốc với những cái đan tay quấn chặt. Ba má, anh chị em. Những mao mạch huyết thống đã từng rung lên ở đó. Ai có nhà cũng đều chú tâm cổng, ngõ, gian bếp, bàn thờ, giường ngủ…, chứ mấy ai quan tâm đến chiếc bàn ăn cơm, dù nó là chỉ dấu của tụ họp, sẻ chia, là hồ lô của cầu vồng cảm xúc, là… ngũ hành của gắn kết bất toại.
Nếu mâm cơm là biểu hiện sinh động của quan hệ cộng sinh thân thiết, thì chiếc bàn là gì nếu không phải là nơi quy tụ và phát ra phép hóa-sinh, sinh-hóa của ngôi nhà, mà nhịp thở của nó chính là thước đo cảm xúc từng gương mặt người đi qua bữa ăn? Dân gian chẳng bảo có tình nào lớn hơn “ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu” đó sao? Dẫu có ngồi bệt xuống nền để ăn, thì chiếc mâm gỗ hay nhôm, thiếc cũng là bàn không chân. Hình như có đi qua biến cố hay khúc quanh, người ta mới có dịp ngó lại những thứ tưởng chừng quá quen thuộc, vô hồn, nhạt nhẽo, hóa ra đều có tên, có tiếng, có hình.
Chẳng thể nào anh thống kê được, bao lần 10 người ngồi quanh đó. Nếu ngôi nhà là nơi tất cả cùng an trú, thì chiếc bàn ăn khác chi là ngôi nhà trong ngôi nhà, là tấm lưới tình cảm thân thương tự nguyện gói họ với đủ cung bậc. Lỡ một ghế trống đi, là dấu hiệu bất toàn, âm dương nghiêng lệch đã đến. Một hạt cơm vô tình rơi trên đó. Một chiếc muỗng chạm vào chén như tiếng chuông nhỏ không rè. Một cái nhìn nhắc nhở của ba má khiến con ăn nhanh, ngồi ngay ngắn. Mọi thứ không ra khỏi khối hình chữ nhật, hình vuông hay hình tròn, như cấm địa.
Ồ, hình như chưa đủ, không có nó, lấy chi mà bày biện mâm cúng cho bữa giao thừa, tất niên, đầu năm, rằm, mồng một để người ta tỏ bày tấc lòng với trời đất, tổ tiên… Tết năm nào anh cũng đã soạn sửa đủ đầy những thức món ngày xưa má anh hay chuẩn bị cho ngày Tết, chờ đón anh chị em về cùng đón giao thừa. Chiếc bàn ăn những ngày cuối năm thường kín những cặp bánh chưng, giò chả, dưa hành…Và, anh cố lắng nghe, hình như từ ruột gỗ có tiếng cựa quậy, rồi thoáng chốc, trên mặt bàn, như nét vẽ vô ảnh mà rõ ràng, những người thân anh hiện ra, ai ngồi ghế nấy như đã từng. Ngực anh rung lên. Hai tay anh ghì chặt xuống vai bàn, như muốn ôm lấy người thân xa cách. Nó như chuyển động, quấn riết, hân hoan bởi được thấu cảm, được gọi đúng tên mình, được điểm chỉ trúng huyệt đạo tái sinh.
Bốn mươi năm, kể từ buổi sáng tiễn gia đình đi, người đàn ông ngày đó với tiếng nấc nghẹn một mình bơ vơ ở quê nhà, giờ tóc đã hoa râm. Chiếc bàn đã hư mục, được thay thế bởi chiếc bàn khác. Gia đình lớn của anh cũng bao lượt trở về, bao lượt quây quần trên chiếc bàn mới trong tiếng cười của suối nguồn sum họp mới mẻ và an vui. Họ về rồi đi, mình anh ngồi đó, vô thức gõ từng nhịp xuống bàn, nhớ từng gương mặt người. Lửa ký ức tươi mới lại được gầy lên như từng ngọn nến, đủ 10 ngọn. Nhưng có một ngọn, anh giấu nó trong tâm thức, giờ mình anh đem ra thắp. Ngọn thứ 11. Người thứ 11. Ngọn lửa vô hình cháy không dứt trên khối gỗ hình tròn nhìn anh…
Bốn mươi năm, anh luôn nghĩ rằng, chiếc bàn ăn là trái tim ngôi nhà. Trở về ngồi ở đó, hẹn một bữa cơm cuối năm bên gia đình, cũng đủ tấu lên nhịp yêu thương đủ đầy để cùng nhau chờ đón phút giao thừa.