Con gà, đặc biệt là gà trống với dáng vẻ hùng dũng, oai phong và bộ lông màu sắc sặc sỡ, được thể hiện trên nhiều công trình kiến trúc hay các di tích lịch sử từ Đông sang Tây, từ xa xưa cho tới ngày nay. Ngày xuân, mời bạn cùng Nội Thất đến với những hình tượng gà nổi tiếng ở nhiều vùng đất.
Con gà trên nóc giáo đường
Trên nóc nhiều giáo đường hay gác chuông nhà thờ Công giáo ở nhiều nước, có hình ảnh một con gà trống – thường là đứng trên thánh giá, lắm khi chỉ có tượng con gà thay cho cây thánh giá. Hình ảnh con gà được coi là biểu tượng của sự sám hối như được chép trong sách Tân Ước, đoạn kể về Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu với 12 tông đồ, khi Chúa nói rằng nơi Ngài sắp đi, các tông đồ không thể theo Ngài được, thì vị tông đồ trưởng là Phêrô quả quyết: “Thưa Thầy, con sẵn sàng đi với Thầy cả vào nhà tù lẫn cái chết”, Chúa Giêsu mới quở trách: “Thầy bảo con, trước khi gà gáy hai lần, con sẽ chối Thầy ba lần”. Quả nhiên sau đó, khi Chúa Giêsu bị bắt thì Phêrô đã chối mối quan hệ giữa ông và Thầy Giêsu đến ba lần. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu phục sinh, Phêrô đã được ơn hoán cải và còn được Chúa trao quyền chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Theo truyền thống Công giáo, Thánh Phêrô là vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội. Tiếng gà gáy được coi là sự thức tỉnh khiến Thánh Phêrô sám hối, trở về với Chúa.
Ở Việt Nam, có hai nhà thờ được dân gian gọi là nhà thờ Con Gà vì trên cây thánh giá ở nóc tháp chuông hai giáo đường đều có hình ảnh con gà trống: đó là nhà thờ Chính tòa Đà Lạt và nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng. Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt cũng là nhà thờ lớn nhất tại thành phố hoa anh đào, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất ở Đà Lạt có từ thời Pháp thuộc. Trên thánh giá của tháp chuông có tượng một con gà dài 0,66m, cao 0,58m, được làm bằng hợp kim nhẹ và rỗng bên trong, có thể quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió. Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng là nhà thờ duy nhất được xây dựng tại thành phố này thời Pháp thuộc. Được khởi công từ tháng 2-1923 theo thiết kế của linh mục Louis Vallet (cũng là người đã thiết kế nhà thờ Chính tòa hay nhà thờ Núi ở Nha Trang), chỉ sau một năm, ngày 10-3-1924 nhà thờ đã được khánh thành. Trên nóc nhà thờ, ở vị trí cột thu lôi có tượng một con gà màu xám làm bằng hợp kim, ngoài ý nghĩa biểu tượng tôn giáo còn được dùng để xác định hướng gió.
Những tượng gà trống ở California
Nếu có dịp đi qua nhiều địa phương của bang California (Mỹ), du khách không khỏi ngạc nhiên vì có rất nhiều tượng gà trống được đặt ở khắp nơi, nhiều nhất là các thành phố ở quận Los Angeles, kế đó là quận Cam – nơi có cộng đồng người Việt đông nhất nước Mỹ, rồi San Bernadino, Ventura, Midway City, San Pedro… Những chú gà trống oai vệ màu trắng tuyền, đặc trưng của gà công nghiệp được nuôi ở Mỹ hay nhiều màu, làm bằng sợi thủy tinh, cao khoảng 2,5m, nặng 45kg được đặt trước các trại nuôi gia cầm, các cửa hàng bán thịt gia cầm, trước hoặc trên nóc các quán ăn, nhà hàng có bán thịt gà các kiểu…
Những tượng gà nói trên là sản phẩm nổi tiếng một thời của Công ty Sợi thủy tinh Quốc tế (International Fiberglass), một doanh nghiệp được thành lập năm 1883 tại thị trấn ven biển Venice của California, chuyên sản xuất tàu thuyền bằng sợi thủy tinh. Có thời kỳ sản phẩm không có khách hàng, công ty chuyển sang sản xuất tượng các loại, trong đó có tượng gà và bắt đầu bán các mặt hàng mới này từ năm 1964 với giá 1.800-2.000 USD/tượng. Đến năm 1974, việc sản xuất chấm dứt và công ty International Fiberglass không còn hoạt động từ năm 1976. Do được làm bằng sợi thủy tinh, hàng trăm tượng gà ở California tới nay vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Bầy gà trống ở Ayutthaya
Đến với cố đô Ayutthaya của Thái Lan, du khách sẽ tìm thấy tượng gà trống ở khắp nơi: các cửa hàng bán đồ lưu niệm, trong nhà người dân và tại các tu viện Phật giáo cũng như trên nhiều đường phố. Hình ảnh con gà trống phổ biến như thế ở Ayutthaya là từ một câu chuyện lịch sử. Vào thế kỷ XVI, hai vương quốc Ayutthaya và Miến Điện (Burma, nay là Myanmar) nổ ra chiến tranh trong nhiều thời kỳ: 1538-1549, 1564-1569, 1584-1594. Có lúc Ayutthaya bị khuất phục, trở thành chư hầu của Miến Điện và ngay cả thái tử Naresuan, con vua Maha Thammaracha (1569-1590) cũng bị bắt làm tù binh, đưa về Miến Điện. Dù vậy, quân Ayutthaya dưới sự chỉ huy của thái tử Naresuan sau đó đã hai lần tấn công vào kinh đô Pegu của Miến Điện. Truyền thuyết Thái Lan kể rằng, thái tử Naresuan đã đưa ra thỏa thuận với phía Miến Điện, rằng vương quốc Ayutthaya sẽ không còn bị Miến Điện xâm lăng nếu như trong một trận đá gà, con gà chiến của Naresuan thắng con gà chiến của phía đối phương. Kết quả là gà của Ayatthaya đã chiến thắng, Ayutthaya tuyên bố độc lập, thái tử Naresuan lên ngôi vua.
Từ đó, con gà trống trở thành biểu tượng của chiến thắng tại Ayutthaya. Sau khi bộ phim ba phần có tên Huyền thoại về Vua Naresuan vĩ đại (được ra rạp các năm 2007, 2011) thì những tượng gà trống đã xuất hiện một cách bí mật tại các tu viện Phật giáo ở khắp Ayutthaya, nhưng nhiều nhất là chung quanh đài tưởng niệm Vua Naresuan với hàng ngàn con nhiều kích cỡ khác nhau. Tượng gà lớn nhất được đặt tại tu viện Yai Chai, còn trong một khu công viên ở Ayutthaya có đến hàng vạn tượng gà lớn nhỏ!
Tượng phụ nữ khỏa thân cưỡi gà ở Cuba
Trên quảng trường thuộc khu phố cổ với các kiến trúc thời thuộc địa ở thủ đô La Havana, có một bức tượng độc đáo mà bất kỳ du khách nào cũng thích được “selfie” với tác phẩm này. Được nhà điêu khắc Roberto Fabelo thực hiện, bức tượng đồng thể hiện một phụ nữ khỏa thân có kích thước bằng người thật, tay cầm chiếc nĩa lớn, ngồi trên lưng chú gà trống đứng chỉ với một chân. Theo một nhà bình luận nghệ thuật, bức tượng có thể là một lời mời gọi du khách bốn phương đang tìm đến Cuba, để không chỉ thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên và các kiến trúc cổ mà còn trải nghiệm thế giới ẩm thực đặc trưng của đảo Ngọc với các nhà hàng nổi tiếng chung quanh quảng trường như Holy Angel, Café Escorial, Plaza Vieja Brewery…
Được tác giả hiến tặng cho thủ đô sau khi tác phẩm của ông đoạt giải thưởng mỹ thuật Cuba, bức tượng này đã trở thành một trong những biểu tượng của La Havana.
Tượng gà gô hoang dã ở Minnesota
Thị trấn Rothsay nhỏ bé ở bang Minnesota với khoảng 500 cư dân đã trở thành một điểm du lịch của nhiều người Mỹ, bởi ở đây có một bức tượng khổng lồ về loài gà gô thảo nguyên từng một thời tràn ngập các đồng cỏ ở Minnesota và nhiều vùng khác ở Hoa Kỳ, song do bị săn bắn quá mức vào thập niên 1930 cộng với tập quán sinh sản thay đổi nên chúng có hồi gần như bị diệt vong.
Bức tượng gà gô thảo nguyên bằng kim loại không rỉ, cao gần 5m, nặng khoảng 4.500kg, được ông Arthur Art Fosse (1917-2014) thiết kế và thi công vào năm 1976, nhân kỷ niệm 200 năm thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đây là bức tượng gà gô hoang dã lớn nhất thế giới. Trước đó, vào ngày 10-6-1975, thị trấn Rothsay đã được mệnh danh là “Thủ đô của gà gô thảo nguyên bang Minnesota”.
- Nguyên Đán
Xem thêm:
- Buổi trình diễn ánh sáng “Fiat Lux” tại nhà thờ St. Peter’s Basiliaca về vấn đế biến đổi khí hậu toàn cầu
- Những “gương mặt” giáo đường tuyệt mỹ
- Những hình tượng khỉ nổi tiếng trong kiến trúc