Nằm ngay cửa ngõ Kontum, bên dòng sông Dakbla thơ mộng, quán cà phê không chỉ là một chốn để thư giãn mà còn là một điểm đến thú vị với bất kỳ ai đã một lần dừng chân ở thành phố cao nguyên.
Công trình Kontum Indochina café tọa lạc bên bờ sông Dakbla, xa xa là những rừng cây và dãy núi xanh thẫm. Dù diện tích quán không lớn (465m2, bao gồm cả khu phục vụ 70m2) nhưng ngồi ở đây vẫn có cảm giác đang ngồi giữa rừng cây bởi không gian rộng mở, tiếp nối và hòa quyện với mênh mông núi rừng nơi ngàn xa.
Kết cấu công trình thuần tre với 15 trụ tre như những cái nơm dốc ngược, liên kết nhau ở mái như 15 cây cổ thụ đứng gần nhau. Nguyên lý kết cấu đơn giản như những cái nơm đan, với các đơn vị kết cấu hình tròn liên kết nhau bằng các đòn tay để lợp mái. Mái lợp bằng vọt cách nhiệt, lớp trên cùng là polycarbonate; phần giao nhau tạo thành những ô sáng tự nhiên như ánh sáng lọt qua những tán lá giữa rừng. Đây cũng là yếu tố giúp công trình tiết kiệm một phần đáng kể năng lượng chiếu sáng ban ngày.
“Gần đây, tre đã trở thành vật liệu phổ biến ở công trình kiến trúc với khá nhiều dự án tại Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Colombia… Dù vậy, chúng tôi không muốn các công trình bằng tre của mình trở thành một kiểu thời thượng, mà cố gắng tôn trọng tính chất độc đáo của loại vật liệu này đồng thời tạo nên những không gian tre đặc sắc.
Tre có những nét đặc trưng vật liệu khác hẳn với gỗ hoặc thép, do vậy nếu đưa các chi tiết và phương pháp kết cấu của gỗ hay thép vào các công trình bằng tre thì có thể làm hỏng tính chất ưu việt của loại vật liệu này. Chẳng hạn, việc dùng các khớp nối bằng thép sẽ hủy hoại một cấu trúc được làm bằng tre. Nên trong công trình Kontum Indochina café, chúng tôi áp dụng các cách xử lý truyền thống vật liệu tre của người Việt: tre được ngâm trong bùn và sau đó đem hun khói; khi xây dựng chúng tôi áp dụng cách kết nối đơn giản với dây mây và đinh tre vốn thích hợp với các cấu trúc bằng tre.
Mười lăm chiếc trụ tre trong công trình này được làm sẵn – với cách xử lý nêu trên – trước khi dựng để đạt được chất lượng và sự chính xác như mong muốn. Kết cấu công trình chắc chắn đến mức có thể chịu đựng được những cơn bão với cường độ mạnh.” KTS Võ Trọng Nghĩa chia sẻ.
Mặt nước trên mặt bằng công trình được thiết kế như nối tiếp với mặt nước sông Dakbla. Gió từ dòng sông thổi qua mặt nước vào không gian quán biến thành một máy điều hòa riêng cho công trình, khiến không gian bên trong như hòa với thiên nhiên bên ngoài.
Không gian bên trong quán mở ra phía dòng sông như một sự đối lập với những góc cạnh vuông vức của khu nhà chính. Toàn bộ nguyên vật liệu sử dụng bên trong quán là tre tầm vông với đặc tính uyển chuyển, dễ uốn cong. Bên cạnh đó, việc sử dụng các khớp nối bằng tre cũng tạo ra sự chuyển tiếp mềm mại.
Tất cả đủ để giữa trưa nắng, ngồi trong quán vẫn có cảm giác như đang ngồi giữa cánh rừng, sóng sánh kề bên là mặt nước hồ, nước sông Dakbla và không gian đầy chất thơ…
Sau nhiều công trình tre, tiêu biểu là quán cà phê Gió Và Nước (kết hợp kết cấu thép) đến những công trình thuần kết cấu tre như bar Gió Và Nước, Bamboo Wings…, có thể nói với công trình này KTS Võ Trọng Nghĩa tiếp tục những bước tiến với kiến trúc tre, đưa tre Việt Nam ra với thế giới.
Cà phê Gió Và Nước
30 Bạch Đằng, TP. Kontum, Kontum
Thiết kế: KTS Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự
Hình ảnh: Hiroyuki Oki