Có cơ hội ghé thăm Moldova khi sang Romania trong chuyến đi thực tập hai tháng ở Đông Âu cùng với nghiên cứu sinh một số nước, tôi không ngờ đó là một trong những điểm đến nổi bật trong chuyến đi của mình.
Moldova là một đất nước nhỏ thuộc vùng Đông Âu, có thủ đô là Kishinev, dân số không tới bốn triệu người. Cuối năm 1991, Moldova chính thức tách khỏi khối Xô viết để trở thành Cộng hòa Moldova. Khí hậu nơi đây khá ấm, trái cây phong phú và rất ngon, mùa đông không quá lạnh, mùa hè không quá nóng. Người Moldova chính gốc nói tiếng Romania nhưng theo ngữ điệu khác, còn ngôn ngữ chính thức trong buôn bán, giao dịch kinh doanh là tiếng Nga. Từ thủ đô Kishinev đến thủ đô Moscow của Liên bang Nga dài khoảng một ngàn cây số.
Không gian xanh mát ở thủ đô KishinevNằm tại vị trí trọng yếu giữa châu Á và Âu nên trong quá khứ, Moldova từng bị nhiều đế chế xâm chiếm và để lại nhiều dấu ấn văn hóa. Do những ảnh hưởng đến từ nước ngoài trong quá trình lịch sử khá sâu đậm và đa dạng nên Moldova được biết đến như là “quốc gia tương phản”. Ba địa danh chúng tôi đã ghé qua là thủ đô Kishinev, thành cổ Old Orhei và thị trấn Soroca đều ít nhiều mang những nét tương phản khác nhau.
Kishinev xanh tươi và hầm rượu Cricova khổng lồ
Là thành phố lớn nhất và là trung tâm công nghiệp thương mại của cả nước, Kishinev thịnh vượng và phát triển nhất ở quốc gia nghèo nhất châu Âu này. Nhà cửa, phố xá của thủ đô khá hiện đại, đặc biệt là không gian cây xanh rộng lớn giúp Kishinev được đứng vào hàng ngũ những thành phố xanh nhất châu Âu. Tại khu vực trung tâm thủ đô nổi bật là một khải hoàn môn cùng nhiều tượng đài các danh nhân, có cả tượng đài tưởng niệm nạn nhân của thời kỳ Stalin. Quảng trường trung tâm và các nhà thờ xung quanh đều đẹp và hoành tráng, xứng đáng là các tác phẩm kiến trúc đậm chất nghệ thuật.
Dù hằng năm chỉ đón vài ngàn du khách quốc tế nhưng Moldova vẫn gây được ấn tượng mạnh bởi hai hầm rượu vang nổi tiếng lớn nhất và nhì thế giới là Mileștii Mici và Cricova. Cả hai đều cách Kishinev chừng hai chục cây số và đều là “mê cung” dài nằm sâu trong lòng hai quả đồi. Mỗi hầm tích trữ được hàng triệu chai rượu vang thượng hạng, nhiều thùng chứa rượu khổng lồ được sắp xếp theo thứ tự trong đường hầm ngoằn ngoèo dài khoảng 200km. Cricova hút khách hơn Mileștii Mici nhờ khá nhiều nguyên thủ quốc gia đã đến đây và có cả rượu ký gửi. Nghe nói Tổng thống Nga Putin từng tổ chức sinh nhật thứ 50 của mình ở đây.
Để tham quan hầm rượu này, chúng tôi theo đoàn du khách thuê xe và mua vé vào cổng. Thật thú vị khi được tài xế lái xe băng qua những con đường mang tên các loài nho, dọc hai bên là những thùng gỗ sồi chứa đầy rượu vang lâu năm. Đường hầm này có từ thế kỷ XV, khi người ta đào đá vôi để xây dựng Kishinev. Đến tận thập niên 1950 của thế kỷ trước, nơi này mới được tận dụng làm hầm chứa rượu. Hồi còn tồn tại Liên Xô, mỗi nước cộng hòa được bố trí một khoang to để chứa rượu của mình. Cổ nhất là những chai vang đỏ, loại ngọt cuối cùng được sản xuất từ loại nho Jerusalem vào năm 1902 của Chile. Gần đó là bộ sưu tập của trùm phát xít Đức Hemman Goering bị Hồng quân tịch thu và đưa về đây.
Thật ngạc nhiên khi thấy khá nhiều phòng họp rất lộng lẫy với nhiều kiểu nội thất khác nhau trong hầm rượu. Ấn tượng nhất là phòng họp lớn với 50 chỗ ngồi. Nhiều lần, các nguyên thủ của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đã đi từ sân bay đến thẳng hầm rượu dự họp rồi từ đây quay ra sân bay chứ không ghé thủ đô. Hấp dẫn nhất là phần thử rượu. Chúng tôi được mời tại phòng Thủy cung, trên bàn cánh cung bày đầy thức ăn cùng bảy chai rượu champagne. Mỗi người trong đoàn được lần lượt thử từng loại rượu trong tiếng nhạc êm dịu. Các loại rượu vang có hương vị khác nhau nhưng đều ngon cả. Lúc ra về, ai cũng chuếnh choáng vì uống nhiều loại rượu, nhưng trong bụng thì vẫn tiếc vì chưa uống được nhiều.
Orhei cổ kính và tu viện hang động
Thành phố Old Orhei (Orhei Vechi) là minh chứng cho một nền văn hóa lâu đời của Moldova. Nơi đây là sự đan xen của thiên nhiên và những di tích của nền văn minh cổ đại. Là một quần thể khảo cổ nằm giữa hai ngôi làng Trebujeni và Butuceni, cách phía đông bắc của Kishinev khoảng sáu chục cây số, vùng đất này đã có dân định cư từ rất sớm nên phố xá được dựng lên khá nhiều. Lúc đầu, thành phố được đặt tên là Orhei, nghĩa là pháo đài. Đến đầu thế kỷ XIV, đế quốc Mông cổ chinh phục lãnh thổ này và ghép thêm vào tên nó từ “cổ” – Old Orhei.
Đây cũng chính là vùng đất của cộng đồng Kitô giáo từ thời buổi hình thành ban đầu. Khi các tín đồ Kitô giáo đến thì nơi đây đã có nhiều hang động lớn nhỏ bằng đá vôi nên họ bắt đầu xây dựng tu viện trong các hang đó. Tại Orhei Vechi, những công trình bằng đá được xây dựng hoành tráng, không chỉ thu hút dân chúng tham quan, mà cả giới khoa học cũng đặc biệt quan tâm. Công trình kiên cố và lâu đời nhất tại Orhei Vechi là pháo đài thời Trung cổ Gaetic, nằm trên doi đất Butuceni. Pháo đài kết nối với khu vực xung quanh bởi một dải đất hẹp nên nếu quân ngoại xâm có tấn công thì rất khó đột nhập vào phía trong.
Sau khi đế quốc Mông Cổ chinh phục Moldova, Old Orhei bị phương Đông hóa và được đặt tên mới là Shehr al-Cedid. Các pháo đài bằng gỗ bị phá hủy và thay vào đó bằng một pháo đài đá. Bên trong pháo đài có hai phòng và một ngôi mộ dưới lòng đất, phía ngoài còn có một khoảnh sân rộng. Sau khi quân Mông Cổ rút khỏi thành phố này, công trình trở thành nơi cư trú của các thẩm phán. Sau đó, khoảng sân phía trước được dân địa phương dùng để xây nhà, còn ngôi mộ thì biến thành hầm. Các tầng hầm cũng đã trở thành một nét đặc trưng riêng của những hộ địa phương tại đây. Điểm hấp dẫn chính là tu viện hang động đã được đào vào bên cạnh ngọn núi từ hồi thế kỷ XV mà đến ngày nay vẫn còn sử dụng được. Gần đó có một nhà thờ được xây dựng từ năm 1904.
Một nơi thu hút được nhiều khách tham quan là phòng tắm công cộng ở ngôi làng Trebujeni, được xây dựng từ thế kỷ XII theo hình chữ nhật và mang phong cách kiến trúc phương Đông. Các phòng tắm được chia làm hai khu vực dành cho nam và cho nữ. Bên cạnh đó là một phòng đặc biệt có đủ bàn và ghế đá để khách nghỉ ngơi trước hoặc sau khi tắm. Công trình được trang bị một hệ thống lò sưởi trung tâm, có hệ thống ống đẩy khí ấm lưu thông tại các khoảng trống dưới sàn đá và sưởi ấm lên phía trên.
Orhei có thể không nổi bật bằng những thắng cảnh khác thế nhưng bên trong mình lại ẩn chứa một di sản lịch sử đồ sộ. Du khách đến với quần thể lịch sử này không chỉ mê mẩn những câu chuyện cổ mà còn yêu quý phong cảnh yên bình thơ mộng nơi đây.
Soroca đậm chất Digan
Soroca là một thị trấn nhỏ phía bắc, cách thủ đô khoảng sáu chục cây số, nằm dọc sông Dniester, bên kia sông là nước láng giềng Ukraine. Thị trấn Soroca thuộc sở hữu của người Digan, nổi lên như một điểm du lịch khác biệt ở châu Âu. Người Digan sống tại châu Âu được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ, tới Trung Đông vào khoảng thế kỷ thứ VI-VII, dưới thời cai trị của đế quốc Byzantine. Trong quá khứ, họ phải trải qua khó khăn suốt nhiều thế kỷ, sau này mới được chấp nhận tại Anh, Ireland và một số quốc gia Tây Âu khác. Giờ đây, người dân địa phương phô bày sự giàu có của mình thông qua những ngôi nhà xa hoa như cung điện, lấy cảm hứng từ nhà hát Bolshoi (Nga), nhà thờ St Peter (Vatican) và tòa nhà Capitol (Mỹ)…
Người dân Soroca khiến du khách phải hài lòng bằng sự đón tiếp nồng hậu của họ. Nhiều bài hát truyền thống được đệm bởi đàn phong cầm lập tức chào đón chúng tôi ngay từ giây phút đầu đặt chân tới đây. Sau khi tham quan và chiêm ngưỡng những đồ vật lạ mắt được trưng bày trong các tòa lâu đài, chúng tôi còn được thưởng thức vài món ăn truyền thống đặc trưng của người Digan.
Như không chịu thua kém Orhei Vechi, Soroca cũng có pháo đài, do hoàng tử Petru Rareș xây dựng hồi thế kỷ XVI ở vị trí chiến lược trên bờ sông Dniester. Pháo đài xây hoàn toàn bằng đá và là một vòng tròn hoàn hảo, đường kính 37,5m với năm vọng gác ở vị trí ngang nhau. Từ đó nhìn sang bên kia bờ sông là đất nước Ukraine. Có một chiếc phà nhỏ nối liền hai nước nhưng chỉ dành cho những ai có hộ chiếu Moldova hoặc Ukraine. Pháo đài vòng tròn độc đáo gần đây được chỉnh trang nhờ khoản tài trợ của Liên minh châu Âu. Gần đó là một ngọn đồi nhỏ, leo khoảng 600 bậc thang, chúng tôi gặp công trình hoành tráng “Ngọn nến thể hiện lòng biết ơn”, được xây dựng năm 2004 theo kiến trúc Obelisk. Bên trong có một nhà nguyện và một khoảng sân để du khách thoải mái mở tầm nhìn toàn cảnh sông Dneister…
Đây cũng là điểm đến sau cùng cho một chuyến tham quan tại vùng đất Moldova đầy ấn tượng.
- Hà Diễm