Khi mượn một không gian để kể một câu chuyện, cả người thiết kế và chủ đầu tư đều xác định rất rõ những thông điệp qua câu chuyện sẽ kể. Ở không gian ẩm thực Hẻm 12 Nguyễn Huệ, những ký ức về Sài Gòn của một thời xa xưa được nhắc lại một cách nhẹ nhàng thông qua một ngôn ngữ thiết kế mang tính ước lệ và hình tượng hóa. Vì vậy, thực khách đến đây như lạc vào một vùng ký ức thân thuộc nhưng vẫn sống động và tươi mới.
Đó là một câu chuyện xuyên suốt mà chỉ trong một con hẻm đặc trưng giữa lòng TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, người ta nhận ra bao nhiêu hình ảnh thân quen, nào những góc phố của đường Tự Do (đường Đồng Khởi bây giờ), nào những hàng quán nhộn nhịp ở khu Chợ Lớn, nào những bảng hiệu cửa hàng với tuồng chữ rất xưa cũ. Thêm vào đó là những mảng tường rêu phong, tróc lở từng mảng vôi vữa, từ đó mọc ra vài nhánh cây. Đó cũng là Sài Gòn xưa với những ngôi nhà gỗ Nam bộ đặc trưng, những không gian kiến trúc kiểu Pháp kết hợp với chi tiết trang trí Á Đông, những ô cửa sổ sáng đèn… Những “góc nhỏ” ấy của Sài Gòn xưa góp lại cạnh nhau tạo nên một tổng thể đa dạng và phong phú, khiến khách đến thêm thích thú, tò mò. Chưa hết, câu chuyện được kể bằng không gian ấy sẽ dẫn dắt họ đi vào từng góc của một ngôi nhà: góc bếp với tủ gác-măng-giê như sáng rõ hơn dưới ánh đèn măng-sông; những lồng chim gợi nhớ tiếng hót trong một khu vườn ngày cũ; những chiếc lu gốm, ghế đẩy, xe mì… Tất cả như làm thức dậy một vùng ký ức tưởng đã ở đâu đó rất sâu trong tâm trí, có thể còn thoáng nhớ thoáng quên trong tâm tưởng của những người lớn tuổi, đồng thời lại là một sự nửa lạ, nửa quen trong con mắt của giới trẻ bây giờ.
Trong một bối cảnh như vậy, chắc chắn việc thưởng lãm các món ăn cũng sẽ trở nên đặc biệt. Nhưng không gì hơn là bạn hãy tự trải nghiệm bằng việc ghé đến Hẻm 12 Nguyễn Huệ và cảm nhận theo cách của mình.
- Ảnh Design Plus
Thiết kế ý tưởng và nội thất Design Plus (D+)
Nhà thầu thi công Hoàng Thảo Décor