Được truyền cảm hứng từ Chidori Funirure – ý tưởng nội thất gỗ mô-đun được kiến trúc sư Kengo Kuma ứng dụng từ trò chơi xếp gỗ xưa của Nhật Bản, những người thiết kế từ QBI Corp đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến việc vận dụng ánh sáng, không khí và thiên nhiên hài hòa thông qua kết cấu vật liệu địa phương để tạo một Zenna House mộc mạc nhưng đậm tính biểu tượng.
Thay vì để tâm đến việc tạo ra sự khác biệt, Zenna House ngay từ khâu giải đề đã hướng sự tập trung vào sự kết nối, giữa bên trong và bên ngoài, từ không gian này sang không gian khác. Việc sử dụng tre vừa là vật liệu kết cấu, vừa là vật liệu “tạo hình” không chỉ xuất phát từ ý định gây ấn tượng cho vẻ ngoài của công trình, mà hơn hết, là để công trình hợp nhất với bối cảnh, môi trường tự nhiên xung quanh – một công trình đa chức năng linh hoạt, nằm trong khu biệt thự đã thành hình trước đó giữa thành phố biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Ý tưởng cũng đồng thời cho thấy sự phối hợp giữa kết cấu xếp gỗ cũ xưa và kỹ thuật xây dựng hiện đại hoàn toàn có thể “ăn ý” trong hình khối của kiến trúc đương đại.
Zenna House là một công trình tổ hợp đa dạng nhu cầu sử dụng: khu vực tiếp đón cho cả khu biệt thự đã được xây từ trước, văn phòng làm việc, nhà ở tư nhân. Chủ nhân Zenna là người yêu thích cái đẹp, mong muốn ngôi nhà vừa là một biểu tượng nổi bật, đồng thời là điểm kết nối thân thiện, hài hòa với các căn biệt thự hiện hữu vốn là những thiết kế hiện đại.
Tính linh hoạt của không gian rất được chú trọng: linh hoạt trong cách sử dụng ở hiện tại, linh hoạt khi thay đổi nhu cầu sử dụng trong tương lai, linh hoạt với thời tiết thay đổi… Công trình cũng có những khoảng mở đóng linh hoạt. Sinh hoạt của chủ nhà và sinh hoạt của khách không bị ảnh hưởng lẫn nhau. Cách biệt giữa không gian đóng – mở là cấu trúc vật liệu tự nhiên, tạo nên tổng thể thân thiện, khiến người ở trong không tách biệt với bên ngoài, nhưng bên ngoài không quan sát được đời sống riêng tư bên trong.
Nhìn bề ngoài, công trình là những khung tre trang trí, đem đến cảm nhận nhiều ô cửa nhưng thực chất là thiết kế chịu lực, rất ít cửa. Bên trong gần như là thông gió tự nhiên với thủ thuật dùng lớp vỏ Double-Skin (nhiều khung cửa và nhiều khoang rỗng). Các khoảng không có công năng (hành lang, lối đi, bồn cây, sân vườn, khu phơi, khu giặt…) cũng là bộ lọc – nén – dẫn sáng, là những lớp không gian đệm, đón gió và luồng không khí thông thoáng, để nắng mưa trôi qua, không ảnh hưởng trực tiếp đến các không gian sinh hoạt đa chức năng nhưng tiết kiệm năng lượng.
Có thể nói, “tác phẩm” gây ngạc nhiên cho người nhìn bằng cách giảm bớt các bức tường trong nỗ lực thể hiện sự “nhẹ nhàng” của hình khối phản vật thể nhất định. Sự nhẹ nhàng phù hợp với khí hậu nhiệt đới: cách nhiệt. Vai trò của Double-Skin là xử lý nhiệt nhiều hơn đón gió. Bởi gió đô thị thường kèm theo bụi bẩn. Double-Skin xử lý cường độ ánh sáng tiếp xúc trực tiếp, giúp giữ nhiệt độ bên trong ổn định mà vẫn có thể dẫn sáng vào không gian.
Giá trị thiết kế của Zenna House không phải là công trình miền biển, tựa vào cảnh quan. Giá trị của nó là cách tiếp cận thực tế, rất đời thường với những yếu tố mang lại sự thoải mái cả về thể chất lẫn tinh thần cho người thụ hưởng. Một “biểu tượng” vừa vặn, riêng biệt nhưng hòa hợp không gian sống, đủ xanh, nhiều năng lượng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng cưỡng bức, công năng linh hoạt, có đóng có mở, có không khí lưu thông. Một công trình đem đến cảm giác vật chất và tự nhiên có thể trò chuyện cùng nhau.
Thiết kế: KTS Xuân Sang – Thục Trinh
Qbi Corp
17A6 Copac Square, 12 Tôn Đản, P.13, Q.4, TP.HCM
Điện thoại: (028) 39412361 – 39412353
Fax: (028) 39413950
Hình ảnh Quang Trần
+ Xem thêm hình ảnh
- Xem thêm: Qspa – chốn tĩnh lặng và thư giãn