Vào trung tuần tháng 12 vừa qua, tại Vườn Thảo Điền (Quận 2, thành phố Thủ Đức) đã diễn ra một hoạt động kiến trúc rất thú vị: Triển lãm kiến trúc [+84] SEASON 19. Sự kiện giới thiệu các dự án được tuyển chọn từ NĂM văn phòng kiến trúc trẻ ở TP.HCM: D1 architectural studio, Ha.workshop, K59 atelier, TaAD.atelier, atelier.thoA.
Về tên gọi của triển lãm, nhóm thực hiện chia sẻ rằng [+84] là mã vùng của Việt Nam, họ mong muốn triển lãm này như một sự khởi đầu và sẽ thành một chuỗi sự kiện diễn ra trên phạm vi cả nước, để [+84] không chỉ dừng lại ở Mùa 19, mà còn tiếp nối những mùa sau. Còn Season 19, hay Mùa 19 ám chỉ một quãng thời gian khác biệt, khi mà đại dịch covid-19 làm xáo động đời sống thường nhật vốn quen chịu ảnh hưởng của hai mùa Mưa – Nắng, hay bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông ở Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã và vẫn đang trong tác động của đại dịch, nhóm thực hiện mong muốn tận dụng khoảng thời gian “giãn cách” trước đây và “bình thường mới” hiện tại để chuẩn bị và tiến hành triển lãm, như một hoạt động để kết nối, chia sẻ và lan tỏa cho nhau năng lượng tích cực.Trong không khí se lạnh của những ngày giao mùa, Nội Thất đã có một cuộc trò chuyện với đại điện của năm văn phòng thiết kế xoay quanh triển lãm này.
____
Duyên cớ gì đã đưa các văn phòng đến với triển lãm nhóm này?
Tất cả chia sẻ rằng họ cùng có một mối duyên là các kiến trúc sư sáng lập của năm văn phòng đều đã từng có thời gian gắn bó với văn phòng thiết kế A21 – dưới sự dẫn dắt của kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp. Anh cũng là nguồn cảm hứng để họ cùng thực hiện triển lãm này – vốn dĩ được lên lịch trình từ tháng 5-2021, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh nên đã phải dời lại cho đến tận hôm nay. Điểm chung khác nữa là tuổi đời và tuổi nghề của họ còn khá trẻ, đều chưa bước qua tuổi 35. Chính vì thế, họ nhận thấy được ở nhau năng lượng tích cực, nhiệt huyết cũng như khát khao, trăn trở trên con đường kiến trúc của mình.
• KTS nguyễn Thanh Tân (đến từ D1 architectural studio) bổ sung thêm:
Một lý do khác là yếu tố thời điểm. Tôi nghĩ, cả năm văn phòng đều đã có một quãng thời gian 4, 5 năm làm nghề độc lập. Đây là khoảng thời gian thích hợp cho việc tổ chức một sự kiện triển lãm. Một hoạt động bên lề, tách khỏi hoạt động thực hành, cho phép người kiến trúc sư có một sự nhìn lại và chiêm nghiệm. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn và cách thức đối mặt với những tác động của đại dịch lên ngành kiến trúc.
____
Cùng có một thời gian gắn bó với văn phòng thiết kế A21, cùng ở độ tuổi đời và tuồi nghề còn rất trẻ. Vậy điểm khác biệt giữa các văn phòng tham dự triển lãm này là gì?
• KTS Vương Trung Hữu (Ha.workshop)
Theo tôi, mỗi cá nhân đều mang trong mình các cá tính riêng. Mỗi kiến trúc sư sẽ dựa vào đó tạo ra thực hành phản ánh chính mình. Thông qua kiến trúc, ta có thể phần nào “đọc” được những nét tính cách của kiến trúc sư và ngược lại.
• KTS Trần Cẩm Linh – Phan Lâm Nhật Nam (k59 atelier)
K59 chúng tôi thì không đi tìm sự khác biệt từ thiết kế đến phong cách đặc trưng. Khi bắt đầu thiết kế, chúng tôi chỉ quan tâm đến đối tượng cần làm việc và không gian xung quanh chứa đựng đối tượng đó, cố gắng tìm ra lời giải đáp cho nó một cách trôi chảy và xuyên suốt. Còn về sự khác biệt giữa chúng tôi với các văn phòng khác có lẽ là quy mô. Chúng tôi là một xưởng thiết kế nhỏ có quy mô gia đình và chúng tôi sẽ cố gắng duy trì điều đó trong nhiều năm tới. Như mọi người thấy, chúng tôi luôn có hai người và với mỗi dự án chúng tôi đều làm việc cùng nhau.
• KTS Vũ Tiến An (Tad.atelier)
Việc giữ mối liên hệ mật thiết với trường Đại học ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ, cách làm việc cũng như hướng đi của Tad.a. Có thể nói, quy trình làm việc ở văn phòng Tad.a gần như không khác nhiều so với cách nghiên cứu và phát triển một đồ án ở trường. Có thể xem đây như một điểm khác biệt lớn trong hướng đi của tad.a so với các văn phòng khác.
• KTS nguyễn Thanh Tân
Với D1, tôi nghĩ đó là yếu tố con người và quy trình chúng tôi tạo ra sản phẩm. Về con người, tính cách của từng cá thể không thể nào giống nhau và chúng tôi phải rèn luyện từng ngày để phần con người có thể hoàn thiện thì làm kiến trúc mới tốt được.
Về quy trình thiết kế, chúng tôi thường hay bắt đầu với việc phân tích vai trò, sứ mệnh của dự án trong sự hình thành phát triển diện mạo đô thị và yếu tố liên kết dự án với các điểm lân cận trong khu vực. Sau khi chủ đầu tư và các đối tác thấy được sứ mệnh của dự án và cùng đồng quan điểm lý do tồn tại của dự án thì chúng tôi mới bắt tay vào thiết kế. Khi chủ đầu tư và các đối tác thấy được ý nghĩa xuất hiện của dự án không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh thuần túy, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, đô thị và xã hội thì các đề xuất về thiết kế sau đó của chúng tôi mới dễ dàng được chấp thuận.
____
Tiêu chí để mỗi văn phòng chọn lựa các công trình tham dự triển lãm là gì?
• Kts Phạm Nhân Thọ (atelier.thoA)
Về cơ bản, chúng tôi chọn lựa các công trình thực hiện trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Đó có thể là công trình vẫn trong quá trình hoàn thiện ý tưởng, đang xây dựng hoặc vừa hoàn thành cùng các quy mô lớn nhỏ khác biệt nhau. Với riêng thoA, tôi luôn tâm niệm quá trình thực hành kiến trúc của mình là “làm đi làm lại” một công trình duy nhất, nên việc chọn lựa này cũng không quá khó khăn.
• KTS nguyễn Thanh Tân
Chúng tôi mang tới những công trình kèm theo các trăn trở ở thời điểm hiện tại của mình. Đặc biệt đó là câu chuyện về tác động của các thiết kế riêng lẻ đối với bộ mặt tổng thể của đô thị. Các hình thức vạn hoa này, một mặt, có thể gia tăng tình trạng đô thị lộn xộn; mặt khác, nảy sinh các gợi ý làm thay đổi quy hoạch đô thị ở trong cốt lõi của nó. Đó là lí do cần thiết cho một triển lãm để các “typology” (loại hình) này được trình hiện và đem ra thảo luận.
• Kts Vương Trung Hữu
Ha chia sẻ ở triển lãm này gồm một công trình đang xây, một công trình đã xây và một chuẩn bị xây. Tất cả đều thể hiện sự theo đuổi của văn phòng Ha trong thời điểm này: sự chân phương, đơn giản, ít xây dựng, nhẹ nhàng, tự do, phóng khoáng, sự mở rộng và tiếp tục phát triển mô hình thiết kế để phù hợp với nhiều khu đất và nhu cầu khác nhau.
• Kts Vũ Tiến An
Ba công trình được chúng tôi chọn để triển lãm lần này là những dự án phản ánh đúng và chân thực nhất tình trạng công việc tại văn phòng thiết kế trong thời gian vừa qua. Các dự án này chúng tôi được nhận và phát triển trong quá trình diễn ra đại dịch với bối cảnh khác nhau, chủ đầu tư có những suy tư khác nhau, tình trạng dự án đến thời điểm hiện tại cũng rất khác nhau.
• KTS Trần Cẩm Linh – Phan Lâm Nhật Nam
Hai công trình của K59 ở triển lãm này thể hiện những quan sát về sự thay đổi không gian ở từ đô thị đến nông thôn, đó là quá trình sẽ diễn tiễn ở các thành phố lớn. Sự mở rộng đất đai khiến không gian vườn tược, cây xanh ở các vùng ven đô dần mất đi, chúng tôi đang hình dung về sự thay đổi đó và muốn mọi người cùng suy nghĩ về quá trình đó.
____
Đối với những công trình không xây, anh (chị) có cảm xúc gì đặc biệt khác với công trình được xây?
• KTS Vũ Tiến An
Thành thực mà nói, với bản thân Tad.a, không có sự khác biệt khi nghĩ về công trình được xây và không được xây. Mỗi dự án chúng tôi đều dành mối bận tâm như nhau. Có thể nói, không có niềm vui nào lớn hơn đối với KTS khi công trình họ thiết kế được thi công. Tuy nhiên, đối diện với những trường hợp không được suôn sẻ, chúng tôi luôn giữ một tâm thái nhẹ nhàng đón nhận. Đối với Tad.a, kiến trúc đã thành hình kể từ khi trí tưởng tượng hòa quyện cùng bối cảnh. Còn công trình có được xây thật hay không, “vạn sự” còn tùy vào “duyên”.
• Kts Nguyễn Thanh Tân
Tôi lại có quan điểm khác với KTS Vũ Tiến An. Tôi thấy có khác nhiều chứ. Các dự án chúng tôi thực hiện đều dựa trên tiêu chí tận dụng năng lực tập thể, từ bên thi công, tư vấn vận hành…, khi dự án được thi công, được hoàn thành thì đó mới thật sự là sản phẩm của quá trình mài dũa, tôi luyện. Nếu chỉ dừng lại ở ý tưởng và nằm trên giấy thì tôi nghĩ nó mới chỉ được 70% của dự án.
• KTS Trần Cẩm Linh – Phan Lâm Nhật Nam
Tất nhiên là được thấy công trình của mình thành hình và đưa vào sử dụng bao giờ cũng vui hơn việc nó chỉ nằm trên giấy. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng với những công trình còn bị trì hoãn hoặc dừng lại, bản thân nó đều có những lý do riêng cả chủ quan và khách quan. Vì vậy đối với những dự án đó, chúng tôi đều nhìn lại, xem lý do đó là gì, nếu nó từ phía chủ quan của mình thì sẽ tìm cách thay đổi và khắc phục cho những dự án sau.
Sự khác biệt lớn nhất đối với công trình còn ở trên giấy chính là sự không hoàn thiện. Với chúng tôi, khi công trình chưa được xây dựng có lẽ nó còn thiếu một điều gì đó, một yếu tố nào đó chúng tôi chưa tìm ra được hoặc chưa giải được.
• KTS Vương Trung Hữu
Tôi nghĩ, luôn có những lí do đằng sau một dự án không thể thành hình và các kiến trúc sư có thể học được rất nhiều từ đó. Đặc biệt, các sinh viên hoặc kiến trúc sư trẻ nên được khuyến khích làm quen với các trải nghiệm này của sự chối từ.
____
Có điều gì về công trình muốn kể nhưng không thể hiện được qua bản vẽ, mô hình lẫn diagram?
• KTS Phạm Nhân Thọ
Công trình kiến trúc là về trải nghiệm bằng xương bằng thịt của con người trong không gian. Chính vì lẽ đó, bản vẽ hay mô hình lẫn diagram chỉ đang giới hạn ở trong những cái khả kiến (visible) còn những cái bất khả kiến (invisible) được “phong kín” trong tâm thức của người sử dụng và trải nghiệm không gian đó. Với tôi, đây mới chính là đặc điểm nghệ thuật quan trọng nhất của kiến trúc.
• KTS Trần Cẩm Linh – Phan Lâm Nhật Nam
Đó cũng là lý do mà các văn phòng chúng tôi đem đến triển lãm lần này, bên cạnh các công cụ hình ảnh quen thuộc, những thước phim công trình. Tất nhiên, chúng không thể nào thay thế cho trải nghiệm trực tiếp của người sử dụng. Dù vậy, đây vẫn là một cách tiếp cận khả dĩ đến chiều kích thời gian của công trình mà chúng tôi đang theo đuổi.
• KTS Nguyễn Thanh Tân
Trong kiến trúc, yếu tố nghệ thuật được chúng tôi đặt lên ngang bằng với các yếu tố khác như công năng, bền vững, kinh tế. Mà nghệ thuật là thứ đến từ cái cảm của mỗi người sau khi dự án được hoàn thành. Mỗi người sẽ có nhiều cảm nhận khác nhau về nghệ thuật nên tôi nghĩ đấy là yếu tố không có công cụ nào có thể lột tả được.
• KTS Vũ Tiến An
Bản vẽ, mô hình hay diagram là những công cụ hữu hiệu để truyền đạt suy nghĩ của người thiết kế đến với người xem. Tuy vậy, quá trình tư duy đồ án, chưa kể xây dựng, luôn là hành trình dài và phức tạp hơn thế. Rất nhiều câu chuyện, đối thoại, xung đột và quyết định được đưa ra trong suốt giai đoạn thành hình một công trình. Bản thân tôi, với vai trò là KTS trưởng, luôn trân trọng những khía cạnh đó ở bản thân mỗi dự án.
____
Các văn phòng đã từng có ý tưởng về việc tổ chức một triển lãm nhóm, trước [+84] Season 19?
• KTS Vũ Tiến An và KTS Phạm Nhân Thọ
Chúng tôi vẫn chờ đợi một cơ hội gặp gỡ giữa những người bạn học cũ trong khuôn khổ của một triển lãm nhóm, ở cột mốc kỷ niệm 10 năm ra trường, chẳng hạn. Một triển lãm nhóm thì gặp khó khăn nhiều hơn do có quá nhiều nguyên nhân và phụ thuộc. Thế nên, chúng tôi cảm thấy may mắn vì [+84] Season 19 đã đi được đến thời điểm này.
• KTS Nguyễn Thanh Tân
Tôi luôn ý thức tầm quan trọng của các hoạt động bên lề việc thực hành kiến trúc, đặc biệt là các triển lãm. Giống như phần rỗng sẽ làm nên cái sử dụng được, những sự kiện tưởng chừng như không có công năng cụ thể, sẽ tạo ra đủ các khoảng trống cho tư duy. Đặc biệt, thay đổi lớn không thể đến chỉ từ một cá nhân, chúng ta cần ít nhất là một môi trường thuận lợi cho nó.
____
Thế còn một triển lãm cá nhân trong tương lai?
• KTS Nguyễn Thanh Tân
Trong quá khứ, D1 đã thực hiện triển lãm có tên Kén – Metamorphosis, khai thác mối quan hệ của kiến trúc với thời trang, hay nói cách khác giữa hai lớp vỏ bao bọc con người: nơi cư ngụ và quần áo. Công trình đặt tại tầng trệt tòa nhà Lim Tower và nhìn từ bên ngoài, ta có thể thấy được “cái kén” trong câu chuyện lớn hơn của môi trường đô thị. Thế nên, tôi vẫn mong muốn tiếp tục các suy tư về sự cư ngụ, đặc biệt là sự cư ngụ trong đô thị ở những triển lãm tiếp theo, nếu có cơ hội.
• KTS Phạm Nhân Thọ
Chúng tôi mong muốn tư duy kiến trúc ở trong một bối cảnh rộng lớn hơn, của một hệ sinh thái. Nơi đó đan xen các hoạt động của xây cất, thủ công lẫn tư duy, khái niệm hóa. Chính vì thế, một triển lãm đa “phương tiện” là điều chúng tôi luôn ấp ủ, sẽ có thể lan tỏa ở một thời điểm thích hợp trong tương lai.
____
Đối tượng đến xem triển lãm mong chờ nhất là ai?
Với câu hỏi này, cả năm văn phòng đều thống nhất rằng đây là cơ hội để anh em trong năm văn phòng cùng nhau ngồi lại. Thế nên, các kiến trúc sư đang thực hành là đối tượng đầu tiên mà họ hướng đến. Đồng thời, triển lãm cũng là một cơ hội tốt cho việc lan tỏa năng lượng tích cực đến những sinh viên, cũng như giới thiệu khía cạnh khác của các năm văn phòng thiết kế đến với khách hàng và đối tác.
• KTS Nguyễn Thanh Tân tiếp lời:
Thêm vào đó, công chúng ở bên ngoài vòng tròn quan hệ của kiến trúc cũng là nhóm đối tượng đặc biệt chúng tôi quan tâm. Bởi vì, ít nhất một lần ở trong giai đoạn nào đó của cuộc đời, họ sẽ trở thành “chủ đầu tư” theo cách này cách khác. Tôi ý thức rằng, những sự kiện triển lãm sẽ phần nào đó tạo ra các “va chạm” về tư duy và quá trình này diễn ra sớm chừng nào, càng ích lợi cho các kiến trúc sư chừng đó.
____
Và điều gì các anh/chị muốn họ sẽ ghi nhớ về các văn phòng?
• KTS Vương Trung Hữu
Như mục tiêu đã đặt ra ngay từ đầu, chúng tôi không muốn lập ngôn thông qua triển lãm. Các tác phẩm mang đến, đặc biệt về phía Ha, là những công trình có ý tưởng rất đơn giản, nhẹ nhàng như một con sóng, một bức tường vô tận… Thông qua đó, chúng tôi suy tư về kiến trúc ở trong mối quan hệ của những thứ được xây và những thứ không xây dựng. Tuy vậy, cũng không thể đòi hỏi khách tham dự có những suy tư như chúng tôi, nhưng phải nhờ bởi những cảm nhận khác của họ mới tạo nên thành công cho triển lãm.
Đúc kết lại buổi trò chuyện, tất cả năm văn phòng đều thống nhất rằng những điều họ muốn truyền tải đã có trong chính từng mô hình, bản vẽ, diagram hay các thước phim được mang đến. Cũng có những điều họ không thể một cách chủ đích làm cho xuất hiện được, nhưng tin tưởng rằng khán giả ít nhất sẽ cảm nhận được tinh thần xuyên suốt của toàn bộ triển lãm. Chỉ đơn thuần bằng sự hiện diện của triển lãm ở vào thời điểm không chắc chắn, nhiều thử thách này, là đã gửi đi một thông điệp rồi.