Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: nếu như đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) được coi là một bảo tàng sống động về cuộc sống phố thị miền Trung, thì làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) đích thực là một bảo tàng đầy cuốn hút về sinh hoạt ở một vùng nông thôn Bắc bộ.
Tôi đã nhiều lần về Đường Lâm (*), có khi đi một mình, khi đi cùng bè bạn, người thân nhưng lần nào cũng là một chuyến hành hương về bản quán, bởi tôi sinh ra ở một vùng quê ngoại thành Hà Nội nhưng rời quê đã lâu, đi lập nghiệp phương xa. Chỉ cần tới gần cái cổng làng đã có hơn 300 năm tuổi thọ, nép mình dưới bóng đa rợp mát là lòng tôi đã thấy nao nao…
Rồi bước chân trên những lối nhỏ lát gạch nghiêng đặc trưng của nhiều làng quê miền Bắc, tôi cứ ngắm nhìn không chán mắt những ngôi nhà xưa cũ xây bằng đá ong, bên ngoài là tường rào cao quá đầu người cũng xây bằng đá ong bên trong sân là những chum vại tương bần, giàn bầu bí nở hoa vàng rực, những cây rơm đã ngả màu đất, bầy gà nháo nhác kiếm ăn bên sân phơi… Mà quỹ nhà cổ ở Đường Lâm mới thật đồi dào: có đến 956 ngôi nhà cổ, xây dựng theo lối truyền thống và thuần bằng nguyên vật liệu tự nhiên có sẵn ở địa phương. Theo tư liệu mà các gia đình người làng còn lưu giữ được, có những ngôi nhà được làm từ thế kỷ XVII, XVIII. Ngôi nhà có tuổi thọ cao nhất là hơn bốn thế kỷ, còn phổ biến là được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX.
Ngoài “kho” nhà cổ, Đường Lâm còn được biết đến với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tâm linh nổi tiếng như đình làng Mông Phụ, chùa Mía (hay Sùng Nghiêm tự), đền thờ Ngô Quyền, đền thờ Phùng Hưng… Đó là lý do vì sao Đường Lâm trở thành một điểm du lịch quan trọng ở miền Bắc. Cũng như tôi, có rất nhiều du khách từ xa đến với Đường Lâm để tận mắt nhìn một di sản kiến trúc tuyệt đẹp nhưng cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Vâng, mỗi lần đến với Đường Lâm, tôi không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối vì lại thấy có vài ngôi nhà đã được bê-tông hóa, làm mới, vài cái cổng nhà cũ kỹ đã được thay bằng cổng rào sắt hiện đại. Dù di sản này đã được đưa vào danh sách bảo tồn từ lâu nhưng giữa những gì được nêu trên văn bản của nhà nước với thực tế vẫn còn cự ly khá xa; và do sự thôi thúc của cuộc sống hiện đại nên nhà cổ vẫn đang bị đe dọa. Cũng rất mừng là trong chuyến đi thăm Đường Lâm gần đây nhất, tôi đã thấy đình làng Mông Phụ được trùng tu đúng quy chuẩn, cho dù còn nhiều di tích khác ở Đường Lâm cần được tôn tạo cấp thời.
Mùa xuân năm nay, tôi sẽ lại về Đường Lâm và thầm mong sao không còn thấy cảnh nhà mới cứ thay dần nhà cổ trong làng. Liệu tôi có hy vọng quá chăng?
(*) Gọi làng cổ Đường Lâm nhưng thật ra xã Đường Lâm (thuộc thị xã Sơn Tây – cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km) có tới chín làng là Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu.
- Đà Nẵng