Một không gian chan hòa sắc màu mở ra ngay từ bước chân đầu tiên qua khung cửa, mang lại những cảm xúc tươi mới cho khách – đó là ý tưởng mà những người thiết kế Nhà hàng Si muốn thể hiện qua cách bài trí cổ vật, tác phẩm hội họa, đồ trang trí và đồ nội thất các loại cùng với những nguồn sáng trong một không gian đương đại.
Chưa nói tới các món ăn ngon ta cũng như Tây được trình bày thẩm mỹ, chỉ riêng không gian trưng bày của Si đã tạo nên những ấn tượng thị giác mới lạ. Tầng trệt lung linh sắc màu với những bức tranh trên tường, hầu hết là tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam đương đại, đặc biệt là mảng tranh của nữ họa sĩ người Ý Barbara Anchisi đang sống và sáng tác tại TP. Hồ Chí Minh – những tranh in, nhiều bức khổ khá lớn, mô tả cuộc sống, sinh hoạt của người dân Việt dưới nhiều góc nhìn khác nhau sinh động và đa dạng. Hôm chúng tôi đến, tại Si còn có một loạt tranh biếm và tranh sơn dầu của cây cọ biếm họa lừng danh Chóe. Theo người quản lý nhà hàng, tranh sẽ được thay đổi thường xuyên nhằm tránh cảm giác nhàm chán cho khách. Cũng trong không gian tầng trệt là chiếc bàn dài (được gọi vui là “bàn diễn”), nơi trưng bày bộ chén trà thời Khang Hy đã hơn 300 năm tuổi cùng hàng chai thủy tinh cắm hoa làm nên mảng sắp đặt độc đáo, tựa một ngăn cách ước lệ để khách cảm giác có được khoảng riêng tư khi “lạc” vào đây.
Tương tự, những tủ kính trưng bày cổ vật cũng để phân chia không gian giữa các bàn ăn. Trong tổng thể đa sắc màu của tầng trệt, điểm nhấn kiến trúc là cầu thang bằng sắt uốn lượn dẫn lên lầu 1, nổi bật với sắc đỏ đương đại. Hành lang dẫn từ cầu thang vào các phòng ăn riêng được trưng bày đồ gốm, sứ, đồng… thuộc các triều đại Lý, Trần, Lê… trong tủ kính dưới ánh sáng đèn led. Không gian như trầm hẳn xuống, tạo cảm giác hệt như khi ghé thăm nhà ai đó và được gia chủ trân trọng mời vào đàm đạo tại thư phòng. Thực khách dùng bữa giữa không gian trưng bày cổ vật, như đang thưởng thức các món ngon trong một bảo tàng, và tăng thêm ấn tượng cho khách là những bộ chén đĩa cao cấp – đều do Sadec District cung cấp. Có thể nói, từ trang trí không gian đến trình bày bàn ăn Si đã cho thấy bữa ăn tại đây còn là sự thưởng ngoạn văn hóa. Những đồ trang sức Phùng Nguyên, chân đèn gốm hoa nâu, chum gốm men lam Thành Lễ… đang sống lại cuộc đời của chúng khi tô điểm cho một không gian ẩm thực.
Cần nói thêm về hệ đèn treo giữa cầu thang đỏ uốn lượn. Cụm đèn thả từ trần xuống hệt như những vì tinh tú giữa trời đêm khi khách ngước nhìn lên, lại như những ánh nến trong thánh đường khi nhìn ngang, góp phần làm cả không gian thêm phần nhẹ nhàng, lịch lãm. Trên một con đường ngắn chẳng khác một con hẻm ở quận 1 nhưng luôn tấp nập người qua kẻ lại vì tập trung rất nhiều quán ăn, nhà hàng thuộc nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây, nay có thêm một địa chỉ ẩm thực đáng nhớ: Nhà hàng Si.
- Bài Long Tuyền, Ảnh Thái A
7A Ngô Văn Năm, Quận 1, TP.HCM