Một công trình đầu tay luôn có ý nghĩa rất lớn, ghi dấu sự khởi đầu cho một hành trình, một chuyến đi trong nghề nghiệp của người kiến trúc sư. Tùy vào năng lực và lựa chọn của mỗi người mà hành trình của họ sẽ khác nhau, mức độ thành công cũng khác nhau…
Đặc biệt hơn, với nhiều kiến trúc sư, cái “duyên” và cái “nghiệp” được khởi sự từ chính công trình đầu tiên và người thiết kế nội thất công trình này là một trường hợp như vậy.
_____
Với tôi, không có một công thức chung cho việc sử dụng vật liệu trong công trình. Mỗi công trình là một câu chuyện kể, mỗi câu chuyện là những vật liệu chỉ để dành riêng cho nó.
Trong công trình này, hai vợ chồng đều là phật tử. Họ mong có một chốn đi về bình yên, thanh tịnh, xa cái ồn ào bon chen của thành phố. Nên đây không hẳn là một ngôi nhà. Đây là một thiền viện.
Ngôi nhà thi công bằng phương pháp lắp ráp, chỉ xây tường bao xung quanh, còn lại là câu chuyện liên kết của gỗ, sắt, thạch cao, cemboard, gạch bông gió…
Vật liệu sử dụng mộc mạc, tự nhiên nhất có thể: gạch không nung để trần, gỗ chỉ quét dầu bảo vệ, cemboard không sơn, sắt giữ nguyên màu kim loại, bông gió màu nguyên gốc, sàn cement nước láng… Mọi thứ là như vậy, bản chất thế nào thì hãy là thế đó!
_____
Chia sẻ về công trình, người thiết kế nội thất nói rằng đây không hẳn là một ngôi nhà, mà là một thiền viện. Khi đề cập đến điều này, anh không có ý nói về phong cách kiến trúc, chỉ nhấn mạnh từ góc độ của người sử dụng. Vợ chồng gia chủ đều là phật tử thành tâm, mong có một chốn bình yên, thanh tịnh, tránh xa những xô bồ náo nhiệt của phố xá bên ngoài. Ngôi nhà của họ, ngoài việc để ở, cũng là một không gian để họ nghe kinh, hành thiền. Họ xem việc gặp người thiết kế rồi có được ngôi nhà này cũng như một cái “duyên”. Với quan điểm như vậy, họ tin và trao cho người thiết kế quyết định mọi thứ, để rồi vui mừng đón nhận ngôi nhà mới với sự hài lòng đặc biệt cùng với sự trân trọng những gì người thiết kế đã mang lại.
Ưu điểm của công trình được thể hiện ở tính kết nối rất cao giữa các thành viên trong gia đình. Dù đi hay đứng ở nơi nào cũng có thể quan sát được các góc còn lại, mọi người có thấp thoáng thấy nhau, lắng nghe nhau, gọi nhau, nghĩ về nhau… Người thiết kế cho biết, anh không muốn mọi người cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà, vì vậy, các không gian được tổ chức nhằm tạo ra sự kết nối ấy. Trục giao thông theo phương đứng và phương ngang đều thông thoáng và tạo cơ hội để người ta vận động nhiều hơn. Khoảng thông tầng rộng, ánh sáng chan hòa từ trên mái xuống tận khu vực phòng khách. Gió luồn lách qua các khe và đi vào tất cả các không gian chức năng khác nhau.
Cũng không dễ dàng để có được một ngôi nhà như hiện nay, bởi mặt bằng của khu đất rất kỳ quặc, không có cạnh nào vuông góc với nhau. Người thiết kế quyết định chỉ xử lý sao cho các phòng ngủ và khối vệ sinh là vuông vức, các không gian khác cứ để vậy, nương theo hình thế của khu đất mà thành. Ngôi nhà thi công bằng phương pháp lắp ráp, chỉ xây tường bao xung quanh, vận dụng kết cấu treo, còn lại là câu chuyện liên kết của gỗ, sắt, thạch cao, cemboard… Vật liệu sử dụng mộc mạc, tự nhiên: gạch không nung để trần, gỗ chỉ quét dầu bảo vệ, cemboard không sơn, sắt giữ nguyên màu kim loại…, “bản chất thế nào thì hãy là thế đó”. Có lẽ quan điểm sử dụng vật liệu của ngôi nhà cũng là một thông điệp và rất gần cách mà chủ nhân sống với nó. Từ ngày về nhà mới, họ thích ở nhà nhiều hơn, có thể ngồi thiền ở nhiều góc khác nhau trong ngôi nhà của mình.
Bên cạnh sự hài lòng của chủ nhà, công trình cũng được sự quan tâm của nhiều anh em đồng nghiệp và đây chính là niềm động viên rất lớn đối với một kiến trúc sư trẻ. Thêm vào đó là những trải nghiệm khó quên về nghề trong suốt thời gian chín tháng thi công, liên tục đi về từ văn phòng qua công trường, có những ngày bám công trình từ sáng đến tối. Quá nhiều kinh nghiệm thu được, từ việc quản lý đội ngũ thi công cho đến việc giải quyết các chi tiết kỹ thuật… Một cách rất chân thành và khiêm tốn, người thiết kế cho biết rằng anh vẫn chưa thực sự hài lòng bởi còn nhiều thứ có thể làm tốt hơn. Dù vậy, bản thân công trình này đã phát ra những tín hiệu để người ta hy vọng và chờ đợi nhiều hơn ở kiến trúc sư trẻ.
Zen house
đường Hoàng Hoa Thám, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Thiết kế: KTS Vương Trung Hữu – Điện thoại: 0918392421
www.facebook.com/workshopha
Xây dựng: Qcons.
Quản lý kỹ thuật: Công ty Đương Đại
Hình ảnh: Quang Trần
- Xem thêm: Nét duyên ở ngôi nhà mới