The Memory đang là một khách sạn “hot” nhất Đà Nẵng hiện nay. Mới, lạ, hình thức kiến trúc ấn tượng… là những yếu tố giúp cho The Memory có sức hấp dẫn lớn với nhiều du khách. Nhưng để có được những thành công bước đầu ấy là một hành trình dài của cả chủ đầu tư và nhóm thiết kế.
Chỉ với quy mô diện tích rất nhỏ (5m x 20m), tương đương với diện tích của một ngôi nhà phố, nhiệm vụ của nhóm thiết kế là tạo nên những không gian lưu trú đặc biệt để sao cho khi đi vào khai thác thì đó không đơn thuần là nơi bán chỗ ngủ, mà là bán cho du khách một trải nghiệm du lịch thông qua các dịch vụ tốt trong một khách sạn mang âm hưởng văn hóa Việt Nam.
Cùng với việc đặt niềm tin tuyệt đối vào nhóm thiết kế thì trước khi dự án thực sự bắt đầu, chủ đầu tư đã thu xếp để nhóm thiết kế cùng mình đi lang thang rất nhiều địa danh, khám phá các vùng văn hóa, ẩm thực địa phương nhằm khơi nguồn cảm hứng và tìm kiếm ý tưởng cho dự án.
Rồi khi cùng nhau tắm dưới một thác nước hoang sơ cách công trình vài chục kilômét, chủ đầu tư nói rằng đây chính là cảm giác mà anh muốn có, muốn chia sẻ với du khách khi đến lưu trú trong khách sạn của mình.
Như vậy, cùng với việc tạo ra những tiện nghi thì điều quan trọng mà nhóm thiết kế phải lưu ý là theo một cách nào đó tái hiện được cái cảm giác mà họ đã trải nghiệm nơi con thác giữa rừng sâu, chỉ khác biệt là ở trong một ngôi nhà phố có mặt bằng xây dựng chỉ 100 mét vuông.
Sau chuyến đi ấy, lần lượt bốn phương án được đưa ra và cuối cùng, phương án gắn liền với câu chuyện về ánh sáng và bóng tối của con thác giữa rừng được lựa chọn.
Vậy thì cái ánh sáng và bóng tối chuyển hóa vào The Memory như thế nào? Bạn sẽ nhận ra điều ấy theo cách của mình khi ngồi ở sảnh đợi dưới lõi thông tầng giữa hai khối nhà trước và sau của dự án, hoặc từ bất cứ một căn phòng nào nhìn ra.
Sự tương phản tối – sáng giữa bên trong và bên ngoài, những luồng ánh sáng từ trên cao và xuyên qua các khoảng mở từ ban công vào nội thất…; đặc biệt, có những thời điểm ánh sáng từ trên cao rót thẳng xuống lõi thông tầng như một con thác, các mảng xanh cao thấp khác nhau được bố trí ở nơi này là các loại cây dễ khiến cho người ta liên tưởng đến cánh rừng mưa nhiệt đới, sự cộng hưởng của ánh sáng và mảng xanh đã đem lại điều mà chủ đầu tư mong muốn và chia sẻ với những ai lựa chọn nơi này làm chốn dừng chân.
Phần còn lại là vấn đề xử lý hình thức mặt tiền và tổ chức các không gian chức năng. Về mặt tiền, cứ nhìn sự khác biệt của The Memory so với những ngôi nhà hai bên là đủ. Chủ đầu tư là một người làm du lịch, yêu thích và có chuyên môn trong lĩnh vực pha chế thức uống.
Anh muốn điều đầu tiên mà khách nhận được khi đến The Memory là sự thoải mái, thư giãn và đó cần là một không gian cà phê chứ không phải là quầy tiếp tân như các khách sạn thông thường.
Do vậy, khu tiếp tân được đưa lên tầng lửng. Ngôi nhà được chia ra hai khối trước và sau, dành cho hai loại hình ở riêng biệt: phía trước là dạng hostel với các phòng dorm dành cho khách ở tập thể và phía sau là các phòng khách sạn cho hai người và gia đình.
Trong từng không gian, các lớp vật liệu hoàn thiện và trang trí được xử lý để khách có thể trải nghiệm những tinh túy bản địa.
“The Memory được hình thành từ những mảng văn hóa truyền thống được cách tân với nhiều làng nghề trứ danh xứ Quảng như làng đá mài Hòa Hải, làng mộc Kim Bồng, làng đá tượng Non Nước, làng đất nung Thanh Hà, làng chài Thọ Quang…
Chúng tôi muốn du khách được ở trong những căn phòng đón nắng và gió tự nhiên, tắm trong khối đá mài mát lạnh và ngủ trên chiếc giường êm ấm” – những chia sẻ của chủ đầu tư khi dự án hoàn thành có thể cũng là điều bạn sẽ nhận ra khi dừng chân ở The Memory.
The Memory – Đà Nẵng
202 Hồ Nghinh, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng
Chủ đầu tư: Nguyễn Viết Thắng
Đơn vị thiết kế: atelier tho.A
Nhóm thiết kế: Phạm Nhân Thọ, Nguyễn Vinh Huy, Nguyễn Thiện Long, Phạm Thọ Nhân
Website: atelierthoa.com
Ánh sáng: ORI Lighting
Hình ảnh: Quang Trần