Trong những ngày cuối năm bận rộn, Nội Thất may mắn có được buổi trò chuyện ngắn với ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1, vào một buổi sáng đẹp trời. Đây là thời điểm ông và các nghệ nhân đang tập trung vào các dải sản phẩm phục vụ cho thị trường đầu năm mới. Ngồi bên tách trà thơm, ông nói về những sản phẩm linh vật mới một cách say mê và tự hào. Ông cho biết:
Đây là bức tranh gia đình tượng gà Đại Cát – An Gia thuộc dòng sứ mỹ thuật cao cấp mà chúng tôi mới đưa ra thị trường. Sự hiên ngang, oai vệ của gà trống Đại Cát qua tư thế dũng mãnh, ánh mắt tinh anh bên cạnh nét dịu dàng, tận tụy của gà mái An Gia cùng năm chú gà con quanh quẩn dưới chân… Bức tranh “Sum vầy” này mang nhiều ý nghĩa tốt lành trong năm Đinh Dậu, đồng thời cũng thể hiện hình ảnh gia đình hạnh phúc, ấm no.
Hình ảnh con gà trống hiện diện phổ biến trong các nền văn hóa phương Đông và phương Tây, hẳn là một hình mẫu linh vật lý tưởng?
Đúng vậy. Xưa nay, con gà trống luôn được ví như hình tượng của một người quân tử với đầy đủ văn, võ, nhân, tín, dũng. Hình tượng con gà trống trong nhà sẽ giúp mang lại hạnh phúc, may mắn, công việc thuận lợi. Gà trống bằng sứ được tạo hình hài hòa với đa dạng màu sắc, khí chất kiêu hãnh sẽ là linh vật mang lại điềm lành cho gia chủ. Nếu như gà trống đại diện cho hình ảnh người đàn ông trụ cột gia đình thì tượng gà mái dịu dàng lại là biểu tượng của người phụ nữ đảm đang, biết chăm lo tổ ấm và che chở yên bình cho đàn con.
Các nghệ nhân và tôi đã mất hơn ba tháng để bàn thảo ý tưởng, chọn hình mẫu chuẩn, dáng vẻ, màu sắc, nguyên liệu. Cuối cùng, bản mẫu gà trống mang tên Đại Cát và gà mái An Gia đã được chọn để chế tác nên linh vật cho năm mới. Bạn có biết trong bức tranh này, chúng tôi gặp khó nhất với nhân vật nào không?
Có lẽ là gà trống, vì cần thể hiện quá nhiều chi tiết độc đáo về hình dáng lẫn tính cách…
Thật ra, khó nhất là tạo hình những chú gà con!
Thật bất ngờ, vì sao những chú gà con bé xíu và trông đơn giản lại làm khó ông và các nghệ nhân đến vậy?
Điều quan trọng nhất để thể hiện chú gà nhỏ chính là nét thơ ngây, trong trẻo trong hình dáng, đôi mắt, giống như trẻ thơ vậy. Với tôi, những chú gà con này chỉ mới đạt khoảng bảy điểm thôi và cần phải hoàn thiện hơn nữa.
Nghệ thuật hóa hình tượng gà xưa nay không hiếm, nhưng hầu như chưa có nhiều tác phẩm linh vật bằng chất liệu sứ có màu sắc tươi tắn, sống động như tác phẩm linh vật của ông?
Tôi tự hào khẳng định màu sắc của sản phẩm Minh Long đã là một cuộc cách mạng về màu sắc trên sứ. Như chúng ta đã biết, tất cả các dải màu sẽ bị thay đổi ở nhiệt độ cao. Màu sắc có được do các bước sóng ánh sáng, chúng ta nhận diện màu sắc này qua cấu trúc vật liệu. Ở nhiệt độ cao thì màu sắc không còn chuẩn và tươi, chúng ta hay gọi là hiện tượng “bay màu” nhưng thực tế là do cấu trúc vật liệu thay đổi và bước sóng ánh sáng thay đổi nên màu sắc cũng thay đổi theo. Cái khó là phải nung ở nhiệt độ cao để men chảy ra thì màu sắc mới “ngấm” vào sản phẩm. Nhưng khi men chảy thì màu bị nhòe, không còn rõ nét và sai lệch màu sắc thật.
Đến thời điểm này, những nước nổi tiếng sản xuất hàng vẽ tay của châu Âu chỉ nung sản phẩm ở mức 850 độ C, tuy giữ được màu tươi đẹp nhưng hạn chế về độ bền cũng như chiều sâu của màu. Còn chúng tôi đã nghiên cứu và sử dụng kỹ thuật màu dưới men với nhiệt độ nung trên 1.200 độ C nên bộ lông gà trống có dải màu phong phú, tươi tắn, thể hiện rõ đến từng chi tiết. Hơn nữa, chúng tôi sử dụng loại lò lửa đi âm xuống tầng dưới, sứ được đốt bằng hơi nóng thì sẽ cho sản phẩm cứng chắc hơn, bóng sâu hơn và màu sắc giữ tươi hơn. Có thể nói, kỹ thuật mới vẽ màu và nung ở nhiệt độ rất cao đã đem đến cho tác phẩm vẻ đẹp chân thật, tự nhiên vì những hình ảnh sau khi hoàn tất được chìm sâu dưới lớp men tạo sự lung linh từ nhiều góc độ và đạt chiều sâu về màu sắc lẫn đường nét. Sự chuyển màu cũng rất mượt mà, hoàn toàn không có cảm giác màu bị gấp khúc, nghịch màu.
Nhiều người cho rằng giá sản phẩm linh vật vẫn còn hơi cao so với mức sống chung. Ông nghĩ sao về điều này?
Nếu tôi nói về nguyên liệu và quy trình chế tác từng sản phẩm, mọi người sẽ thấy rằng sản phẩm có khi còn khá rẻ so với những gì chúng tôi bỏ ra để đầu tư. Riêng về mẫu đất làm ra sản phẩm là loại đất quý hiếm tôi cất công mang về từ các mỏ đất chất lượng tốt nhất ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có loại đất quý phải mua dự trữ để phòng khi không mua được. Để xác định chất lượng đất, tôi phải dùng tay để cảm nhận, có khi còn phải dùng lưỡi nếm nữa.
Chúng tôi thấy Minh Long ra sản phẩm mới liên tục, phải chăng bởi vì một sản phẩm ra đời sau một thời gian sẽ bị lỗi thời?
Tôi nghĩ không phải như vậy. Trong triết lý kinh doanh “Bốn không – Bốn có” của chúng tôi, có yếu tố “Không thời gian” và “Không tuổi tác”. Nên khi thiết kế một sản phẩm, chúng tôi luôn suy nghĩ xem sản phẩm có bị lỗi thời hay không. Hiện chúng tôi có những bộ sản phẩm “sống” đến mười lăm năm và vẫn luôn được người tiêu dùng yêu mến.
Ngoài ra, trên thực tế, chúng tôi không đưa ra quá nhiều sản phẩm mới. Khi nào dải sản phẩm cũ trở nên bão hòa, lượng hàng hóa tương đối đủ cho nhu cầu người tiêu dùng thì chúng tôi mới tung ra dải sản phẩm mới. Thông thường, mỗi dải sản phẩm có “vòng đời” khoảng 10 năm, sản phẩm của dải cũ còn lưu lại trên thị trường trở thành món quà lưu niệm đáng quý cho những người sưu tập.
Ông đánh giá như thế nào về xu hướng chưng linh vật trong các gia đình Việt nói riêng và thị trường gốm sứ trong nước nói chung?
Trào lưu sử dụng linh vật trong gia đình chỉ mới bắt đầu trong mấy năm gần đây và vẫn chưa thật sự phổ biến. Chúng tôi là một trong những người tiên phong xây dựng trào lưu này ở Việt Nam. Thị trường gốm sứ nội địa có tiềm năng rất lớn, chúng tôi chỉ mới khai thác phần nhỏ thôi. Do đó, chúng tôi sẽ tạo nhiều sản phẩm nữa để góp phần phổ cập xu hướng mới cho người tiêu dùng. Trước đây, chúng tôi nhắm đến phân khúc thị trường trung và cao cấp. Sắp tới, sản phẩm của chúng tôi sẽ phục vụ cho đa dạng thị trường trung và thấp cấp nữa, để mọi người đều có thể sử dụng những sản phẩm đẹp, chất lượng và an toàn.
Cảm ơn ông về buổi trò chuyện.
- Ảnh Tư liệu Minh Long 1