Ở đâu khách ghé thăm có thể ngồi bệt giữa ngõ vắng quanh co tĩnh mịch, nghỉ chân ven bến sông xanh nước biếc mà không nghe bất kỳ tiếng xe cộ hay lời phiền nhiễu nào? Ở đâu có thể cảm thấy nhịp thời gian đếm chậm rãi như thể ngày hôm qua còn đọng lại, và lòng người không khỏi bồi hồi trước những nếp nhà nhỏ nhẹ ngỡ như hình hài cổ tích? Có lẽ nơi đó là Phước Tích.
Nằm bên sông Ô Lâu êm đềm, làng Phước Tích (thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là ngôi làng cổ thứ hai được Nhà nước xếp hạng “di tích quốc gia” sau làng cổ Đường Lâm. Nhưng chắc chắn không chỉ bởi thứ hạng hay danh tiếng khiến Phước Tích luôn là điểm đến nghe quen mà thực lạ, sức hút của làng nằm ẩn sâu trong cấu trúc nội tại, như lời Giáo sư – Tiến sĩ – Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã đánh giá: “Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung bộ. Đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn, nhà vườn. Ở Phước Tích, quỹ kiến trúc cổ và cũ, song cảnh quan và vườn được bao quanh thì lại rất trẻ và tràn đầy sức sống”. Hình dáng tổng thể toàn làng như một “chiếc bình gốm” với dòng Ô Lâu uốn quanh tạo nên vị thế khép kín, không bị những trục giao thông bên ngoài xuyên cắt. Từ đó cơ cấu ăn ở của cư dân nương theo tự nhiên và đắp bồi qua thời gian một cách ứng xử đặc trưng nhẹ nhàng, thâm trầm, tĩnh tại. Nhưng vẻ tĩnh tại ngày hôm nay lại song hành với không ít hoang vắng, ưu tư…
Đường làng vắng vẻ, lò gốm còn đâu?
Người dân Phước Tích sinh sống bằng nghề làm gốm từ thuở thành lập làng (1470-1471) theo sự truyền nghề của ông tổ khai canh. Thị trường của sản phẩm gốm Phước Tích bao gồm các khu chợ ở Huế và cả khu vực miền Trung với cách vận chuyển sản phẩm bằng ghe thuyền theo dòng chảy Ô Lâu ra Phá Tam Giang đến các khu chợ như chợ Tréo (Quảng Bình), chợ Cam Lộ (Quảng Trị), chợ Chùa (Quảng Ngãi)… Sự hưng thịnh của Phước Tích kéo dài cho đến tận thập niên 40-50 của thế kỷ XX. Sau đó do ảnh hưởng chiến tranh và giai đoạn hậu chiến kinh tế khó khăn, nghề gốm Phước Tích đã mai một dần, số lượng lao động cũng như lò gốm ngày càng giảm bởi sự co lại của thị trường. Hiện nay, khi nguồn sống chính không còn, người dân buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp kiếm sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau để tồn tại, kể cả việc rời xa làng quê, tập trung về đô thị kiếm sống, để lại ngôi làng vắng lặng với toàn người già và trẻ nhỏ. Một số lò gốm hoạt động cầm chừng với mục tiêu phục vụ đồ gốm trong sinh hoạt và là điểm du lịch tham quan. Cái vắng vẻ của Phước Tích ngày nay vì thế chứa đựng cả sự thư nhàn một thời hưng thịnh nghề gốm lẫn nhiều đượm buồn về thực trạng chưa khởi sắc của làng nghề truyền thống này.
Nơi ra ngõ gặp bình phong
Song hành cùng nghề gốm, số phận của những ngôi nhà rường được xếp hạng di sản ở Phước Tích cũng đứng trước nguy cơ mai một, xuống cấp và thiếu đi sinh khí của đời sống ngụ cư thực sự. Sức lôi cuốn chồng lớp thời gian của một dạng kiến trúc cổ chưa đủ níu giữ lòng người không ngừng tìm kiếm tiện nghi hiện đại cho đời sống vật chất, gây ra những mâu thuẫn về tổ chức không gian giữa cũ và mới, giữa tiện nghi và di sản.
Dễ thấy ở Phước Tích một ký hiệu kiến trúc đặc trưng của vùng Thừa Thiên – Huế, đó là những tấm bình phong với đủ dạng thức và chất liệu có mặt khắp nơi, khiến nhiều du khách thậm chí còn gọi Phước Tích là ngôi làng “ra ngõ gặp bình phong”. Kiến trúc truyền thống Huế vốn tích tụ nhiều ngữ nghĩa sâu sắc về dịch lý âm dương, ngũ hành nên quan niệm bình phong đặt ngay sau cửa ngõ vào nhà để ngăn chặn tác động xấu bên ngoài thâm nhập vào nhà, giữ gìn nội khí cho gia đạo bình yên. Với những ngôi nhà quay về phương Nam (thuộc quẻ Ly, hành Hỏa) thì Hỏa quá vượng sẽ gây tổn hại cho gia chủ và tiền tài phúc lộc (Hỏa khắc Kim). Do vậy hầu hết các cung điện, đền thờ, đình làng, nhà thờ họ tộc, nhà của thường dân ở Huế và vùng phụ cận đều có bình phong phía trước. Kỹ thuật khảm sành sứ, khảm gốm và thủy tinh để tạo hình trên bình phong ở Phước Tích đạt đến tầm nghệ thuật đặc sắc, dù mỗi nhà mỗi khác, vẫn đủ làm nên một bộ sưu tập bình phong hiếm có và tập trung với mật độ cao trong ngôi làng nhỏ này.
Khép hay mở cho ngày mai?
Vị trí của Phước Tích hiện nay không phải là trở ngại cho việc hoạch định phát triển du lịch song song với bảo tồn không gian truyền thống, điều mà tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xác lập là ngành mũi nhọn. Giao thông cả thủy bộ thuận tiện, môi trường trong lành, kiến trúc cảnh quan thuần nhất, cư dân thưa vắng, thân thiện và an hòa khiến những ai một lần ghé Phước Tích đều không khỏi tấm tắc và bồi hồi về một miền đất nhiều tiềm lực mà chưa thực sự cất cánh. Những khảo sát để tổ chức tour du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm giá trị sống… đều đã khẳng định vai trò đặc sắc rất riêng của Phước Tích, trong đó nhấn mạnh việc tổ chức cho khách du lịch tham gia một phần vào hoạt động của người dân làng nghề thủ công truyền thống. Điều này cũng tương hợp với xu hướng và thị hiếu của phát triển du lịch quốc tế cũng như nội địa, khai thác giá trị truyền thống và nêu cao bản sắc địa phương. Nhưng bên cạnh những tín hiệu đáng mừng ấy, vẫn còn một câu hỏi đặt ra mà các làng nghề truyền thống khác đã từng gặp phải trong quá trình hội nhập thời đô thị hóa ào ạt: liệu Phước Tích có đứng vững và không bị thương mại hóa trước những khắc nghiệt của biến động xã hội – thị trường, để mãi lấp lánh ánh sáng văn hóa giản dị của riêng mình? Liệu những tấm bình phong tồn tại cả thế kỷ ấy có khép lại hay mở ra một giai đoạn mới cho mô hình làng nghề – cư trú – du lịch phát triển và bền vững chăng, như câu lưu truyền trong làng viết rằng:
Nổi danh làng gốm bấy lâu
Nương vườn cảnh đẹp muôn màu gấm thêu.
Những câu hỏi vẫn đang cần nhiều hơn một lời đáp…
- Bài KTS Lê Huy, ảnh Khánh Ngọc
Xem thêm: