Cuộc sống hiện đại với quá nhiều tiện ích công nghệ đang dần hình thành những thói quen sinh hoạt xáo trộn so với tự nhiên, dẫn đến xáo trộn tương ứng trong không gian và thời gian. Thiếu ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon… là hệ quả của nhịp sống căng thẳng và môi trường sống bị ô nhiễm, để lại không ít hệ lụy về sức khỏe và đe dọa sự an lành của mỗi mái ấm. Một chỗ “ngủ ngon” theo nhiều nghĩa, trong đó có vai trò của nội thất và phong thủy, thực sự cần xác lập và điều chỉnh những gì?
Nhận diện những chỗ ngủ “chưa ngon”
Xét theo phương hướng, dù nhà trong đô thị khó có thể chủ động chọn lựa bối cảnh chung quanh, nhưng các kinh nghiệm dân gian về vi khí hậu và khoa học hiện đại vẫn cho thấy khi phòng ngủ mở cửa (cửa đi hay cửa sổ) ra hướng nắng gắt (tây bắc, tây) hay gió lạnh (bắc, đông bắc) thì sẽ bất lợi hơn các hướng đông hay đông nam. Do đó, nếu tuổi hợp hướng tây hoặc nhà ở vào thế không thể xoay xở thì vẫn phải mở cửa thông thoáng lấy sáng ra các hướng bất lợi, nhưng cần phải tính đến các biện pháp che chắn, trồng cây, giải nhiệt, chắn gió lùa…
Còn xét theo Bát trạch, Phong thủy chia mệnh chủ ra làm hai nhóm là Đông Tứ Mệnh và Tây Tứ Mệnh, trong đó phòng ngủ, giường ngủ thuộc không gian Cát (tốt lành), cần Tọa Cát (nằm, đặt để, tìm vị trí) ở vùng Cát, căn cứ theo nhóm mệnh tuổi. Có thể khi đặt la bàn thì các vùng Cát – Hung đan xen phức tạp, phòng ngủ nằm trong cung vừa có Cát vừa có Hung, nhưng cần cố gắng bố trí giường ngủ được ở vị trí cung Cát.
Cuối cùng, xét theo hình thế, chỗ ngủ dưới bộ khung kết cấu sẽ tạo cảm giác bất an, như dầm đà, xà mái, gầm cầu thang, hay các thiết bị kỹ thuật “treo lơ lửng” như quạt trần, đèn chùm, máy lạnh thổi vào giường ngủ… sẽ gây hại cho sức khỏe và tạo tâm lý bất an. Chỗ ngủ nếu tiếp xúc hoặc kề cận môi trường ồn ào, khói bụi, khiến các giác quan của con người chịu tác động xấu thì cần cách ly khỏi nguồn gây ồn, gây chói, gây bụi bằng hệ thống trang âm, tường nhiều lớp, rèm, vách ngăn cố định hoặc di động.
Thêm vào hay bớt ra, tối đa hay tối giản?
Nhiều gia chủ có khuynh hướng gia tăng tiện ích tối đa cho phòng ngủ, ngại di chuyển ra ngoài phòng vào ban đêm, hoặc xem chỗ ngủ là “giang sơn” riêng của mình, thích gì chưng nấy. Điều này không sai về nhu cầu công năng nhưng nên xem xét thêm nhiều khía cạnh khác để chọn lọc, để thấy cái gì cần giữ lại, cái gì không nên đưa vào phòng ngủ.
Ai cũng có những thói quen sinh hoạt đặc thù, người thích làm việc cạnh chỗ ngủ, hoặc pha nước, ăn uống, hoặc người muốn xem tivi, nghe nhạc thật thoải mái trên giường. Một số gia chủ đứng tuổi còn muốn bố trí chỗ tiếp khách kế bên giường ngủ, hoặc phòng ngủ trẻ em thích tạo hẳn khoảng chơi đùa thoải mái. Những ý thích cá nhân này vô tình hoặc cố ý biến đổi trường khí phòng ngủ – giường ngủ vốn từ Tĩnh trở thành Động, vốn thiên về Âm chuyển sang thiên về Dương. Cho dù sau lúc sinh hoạt sôi động cũng là lúc nghỉ ngơi yên lặng, nhưng các yếu tố bố trí, chiếu sáng, vật dụng, màu sắc, chất liệu… và cả sự ra vào của người ngoài góp phần gây xáo trộn trường khí phòng ngủ – giường ngủ khá đáng kể.
Một số nhà diện tích eo hẹp không thể tách bạch phòng ốc thành từng không gian đặc thù, thì nên chọn lựa giải pháp bài trí nội thất sao cho hình thành nên từng vùng chính phụ rõ rệt, bớt ảnh hưởng đến nhau. Ví dụ như bàn làm việc trong phòng ngủ thì bố trí ở một góc có mảng cây xanh hoặc tủ kệ ngăn nhẹ với chỗ đặt giường ngủ, thậm chí có thể dùng rèm hoặc vách bằng kính mờ để người làm việc không ảnh hưởng đến người ngủ.
Khoa học hiện đại đã khẳng định các thiết bị như tivi, máy tính, loa nghe nhạc cỡ lớn ồn ào là nguồn tạo từ tính, gây hại đến nhịp sinh học con người. Với những ai có thói quen nghe nhạc hay đọc sách trước khi đi ngủ thì cần chú ý đến thiết bị, đèn đọc sách… là những vật dụng giúp hỗ trợ giấc ngủ, chứ không phải để giải trí, kích thích giác quan hưng phấn. Vì vậy nên điều chỉnh thói quen rời xa các thiết bị điện tử – âm thanh khi đi ngủ, hoặc nếu là thói quen khó bỏ thì có thể chọn những loại thiết bị thật nhỏ gọn, đặt ở góc khuất, bố trí chìm, âm lượng nhẹ nhàng. Những mảng màu, tranh ảnh rực rỡ, điêu khắc độc lạ, vật trang trí sắc nhọn… cũng vậy, dù là sở thích sưu tập hoặc chiều theo cá tính riêng, nhưng không nên lạm dụng trong phòng ngủ, kề cận giường ngủ.
Để phòng ngủ đạt Ngũ Thực
Phòng ngủ là đơn vị tính không gian cơ bản của mỗi nhà, cho nên tăng Ngũ Thực phòng ngủ sẽ góp phần điều chỉnh Nội Khí cho toàn nhà. Gọi là Ngũ Thực (năm điều hữu dụng, thiết thực, hiệu quả) chứ có thể nhiều hoặc ít hơn tùy hoàn cảnh cụ thể, miễn đáp ứng các vấn đề sau:
1. Quy mô, tương quan: Phòng ngủ vừa vặn với số người sử dụng để tránh trống trải, lãng phí, hoặc vì phòng rộng nên đưa vào nhiều đồ đạc chức năng không đúng. Nhìn lại truyền thống, ngay cả vua chúa ngày xưa dù có tam cung lục viện nhưng chỗ ngự tẩm cũng chỉ là căn phòng vừa phải, thậm chí còn làm nhiều lớp che chắn để tránh Tán Khí. Đơn vị hình thành không gian phòng ngủ là giường ngủ, chỗ ngủ là phần “lõi”, theo dân gian chỉ ở trong khoảng một trượng mỗi cạnh (trượng: thước đo thời xưa, bằng khoảng 4.260mm ngày nay) tức là phần cơ bản phòng ngủ chỉ trên dưới 16 mét vuông. Nếu lớn hơn diện tích này thì cần xử lý theo lớp chức năng chứ không làm trống trải trừ hao. Phòng ngủ gia đình khác với phòng ngủ khách sạn hay resort, cũng không phải dạng ký túc xá. Còn phòng cho người cao tuổi, người bệnh thì phải thiết kế tham khảo chuẩn bệnh viện, tránh lẫn lộn.
2. Đóng mở, ngăn chia: Quy mô hợp lý rồi thì cần quan tâm đến cách thức mở và đóng (cửa đi, cửa sổ, vách ngăn) sao cho tăng âm giảm dương, tăng tĩnh giảm động, tăng riêng giảm chung. Nguyên tắc “ba tăng ba giảm” này có thể thay đổi tùy gia chủ, phòng thanh niên thì dương tính hơn phòng người già, phòng vợ chồng đã cao tuổi thì âm tính hơn phòng vợ chồng trẻ. Việc đóng mở trong phòng ngủ cũng tùy thuộc vào quan hệ với môi sinh ngoại cảnh (ồn ào hay yên tĩnh, nhà phố hay nhà vườn…) nhưng luôn cần linh động, tránh làm đóng cứng hoàn toàn hoặc mở thông tuyệt đối. Tốt nhất là làm linh động sao cho khi cần có thể mở để luân chuyển khí (nhất là vào buổi sáng, mùa nóng) rồi có thể đóng nhằm giảm hung tăng cát (khi mưa gió, mùa lạnh giá).
3. Phương vị, cấu trúc: Nên lưu ý xác lập vị trí giường so với hệ thống cửa, lối đi lại phòng vệ sinh trong phòng ngủ… sao cho hợp lý, đúng đắn, dựa trên công năng và đối tượng sử dụng. Tránh tình trạng cứ làm một phòng kiểu chung chung rồi ai vào dùng cũng được. Chú ý vùng hoạt khí trong phòng để ngay từ đầu các cấu trúc chung quanh hài hòa với công năng và bản chất nội khí. Đây là vấn đề nhiều người hay bỏ qua, chỉ cho rằng “tôi hợp với hướng A thì nằm xoay về hướng A”, bất chấp cách cửa mở chung quanh, lối vào phòng vệ sinh, cửa sổ ngay đầu giường… ra sao.
4. Tọa hướng, hình thế: Định vị đúng giường ngủ và vật dụng liên quan so với trục giao thông và hệ thống cửa sẽ giúp xác lập hình thế chuẩn xác, tránh kiểu “xoay đầu ra cửa đi, nằm ngủ dưới dầm đà”. Những kiêng kỵ phổ biến về phòng ngủ hiện nay cũng chủ yếu là về hình thế, tuy nhiên cơ bản vẫn phải xem xét từ chung rồi mới riêng, từ ba vấn đề (nêu trên) được ổn thì hình thế hoàn toàn dễ dàng thay đổi, sửa chữa. Ví dụ như đóng trần che dầm đà, ốp gỗ phần đầu giường… chỉ là “ chuyện nhỏ” so với việc bố trí đúng hoặc sai về quy mô, đóng mở, phương vị.
5. Hoàn thiện, trang trí: Với phòng ngủ có “phần cứng” ổn định, hài hòa thì “phần mềm” sẽ linh hoạt tùy thuộc vào Ngũ hành Mệnh chủ và gu thẩm mỹ cá nhân để sắp xếp sao cho giảm thiểu bất an. Các vật dụng cần ánh sáng dương như bàn trang điểm, bàn làm việc (nếu có) tránh bố trí sát bên chỗ nằm, còn ngay tại giường thì ánh sáng phải hạn chế để giữ tính âm, thậm chí phải dùng thêm rèm nhiều lớp để điều chỉnh độ sáng, tạo khung cảnh dịu mát cho phòng ngủ. Cũng tránh đặt gương soi đối diện cửa phòng hoặc chiếu thẳng vào giường nằm, nhất là đầu giường. Hợp lý hơn cả là gương hoặc bàn phấn hướng ra lối đi lại, giúp kéo giãn không gian những chỗ hẹp.
Một phòng ngủ “ngon” về phong thủy không quá khó, nhưng đòi hỏi các bên liên quan nhìn nhận đúng bản chất không gian để chọn giải pháp phù hợp, bớt những trang trí, vật dụng không cần thiết, giữ được những khoảng trống có ích một cách hài hòa.
- Ảnh Xuân Trang