Ngôi nhà có vẻ ngoài hơi e dè, khiêm nhường với kiến trúc mặt tiền đơn giản, bức tường rào ốp đá khá cao, hệ nan cửa, lancan, hàng rào với những nét thẳng, dọc kín đáo… Tầng trệt thật sự tạo ra vẻ biệt lập, khước từ mọi ánh mắt tò mò từ bên ngoài. Song nếu ai tinh ý chắc sẽ không khỏi thắc mắc: sao các tầng trên lại nhiều ô cửa kính rộng thế?
Công trình nằm bên ngõ nhỏ của một xã ngoại thành Hà Nội, nơi đang diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Khung cảnh chung quanh chẳng có được những góc nhìn đáng giá để tạo “view” cho ngôi nhà. Ngoại trừ ruộng rau lúc nào cũng xanh mướt phía sau, ba phía còn lại bị bao vây bởi những ngôi nhà cũ, mới và đang xây dựng với nhiều kiểu cách kiến trúc khác nhau.
Gia chủ là người hướng nội, lại mới chuyển đến sống ở đây, không có nhiều mối quan hệ với xung quanh. Chính vì thế mà anh muốn mặt tiền nhà mình sao cho kín đáo, khiêm nhường, song sau bức tường rào lại là một thế giới khác, hòa nhập và gần gũi với thiên nhiên.
Kiến trúc sư đã đưa ra một phương án thiết kế khác với lối suy nghĩ thông thường nhưng lại đơn giản và lôgic: quay ngược hướng nhà vào trong, lật mặt sau ra ngoài ngõ. Giải pháp là lô đất hình chữ nhật sẽ được cắt đi một phần ở giữa làm sân và bể bơi tạo “lõi rỗng” cho cả khối nhà hình chữ L xung quanh. Giờ đây khoảng sân trong và bể bơi này sẽ trở thành tâm điểm cho nhiều hướng nhìn từ tất cả các phòng chức năng. Mặt bằng nhà hình chữ L nhìn ra sân và bể bơi sẽ khai thác tối đa mối giao hòa với thiên nhiên và sự tương tác liên hệ chặt chẽ giữa hai khối nhà và sân.
Toàn bộ tầng trệt dành làm garage, phòng cho người giúp việc và hệ thống kỹ thuật cho bể bơi phía trên. Các phòng sinh hoạt được đẩy lên tầng 1 và 2 để tạo thêm sự thông thoáng và cách biệt với mặt ngõ bên ngoài. Tầng 1 là tập hợp kết nối nhiều khoảng không gian mở liên tục của phòng sinh hoạt chung – tiếp khách với bếp – phòng ăn cùng giếng trời và chiếu nghỉ của cầu thang rỗng lên tầng 2. Chuỗi không gian mở liên thông này chỉ ngăn cách với bên ngoài bằng hệ cửa kính khổ lớn, chính vì vậy mối quan hệ với thiên nhiên, sự thông thoáng và ánh sáng được khai thác tối đa cho cả ngôi nhà.
Không gian mở liên thông dù vậy vẫn cần được phân chia ước lệ theo từng chức năng sử dụng là một yêu cầu đặt ra với KTS. Đó có thể đơn giản bằng chất liệu lát sàn, độ cao cốt nền hay khéo léo hơn là những mảng đặc – rỗng và khối âm trong không gian kiến trúc.
Thông thường với dạng mặt bằng hình chữ L như thế này, người ta thường chia làm hai khối nhà với các chức năng riêng biệt, nhất là ở vị trí góc tiếp nối của chữ L vì việc xử lý không gian ở đây khá phức tạp để có thể đạt được hiệu quả thẩm mỹ. Tại ngôi nhà này, KTS đã đưa ra giải pháp khác: tạo nên một “khối âm” ở vị trí tiếp nối góc chữ L, khối âm đó vừa thuộc không gian của phòng khách vừa như của phòng ăn và kết nối với hành lang dọc theo chiều dài nhà.
Và vị trí của khối âm đó càng trở nên hợp lý hơn khi gắn với quầy bar của bếp nấu. Khu vực bếp lúc này trở thành cầu nối của dải không gian liên thông với tầm nhìn mở rộng ra phòng khách, phòng ăn, bể bơi phía trước và ô cửa sổ rộng nhìn xuống khoảng sân trước nhà. Giếng trời được kết hợp với khoảng thông tầng giúp không gian mở được liên tục, tạo sự thông thoáng, khoáng đạt cho các phòng ngủ, ở lầu hai và toàn bộ ngôi nhà.
Công trình đã được trao giải ba Giải thưởng kiến trúc 2004 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Thiết kế: Avant Architecture
41 Tây Hồ, Hà Nội
- Xem thêm: Dấu ấn từ không gian giao tiếp