Trong một khu rừng ở gần thành phố Magelang, trung bộ đảo Java (Indonesia) có một công trình kiến trúc tôn giáo đã bỏ hoang từ lâu, thế nhưng vẫn là nơi được nhiều thanh niên nam nữ thuộc nhiều tôn giáo tìm đến trong các chuyến du ngoạn, thám hiểm, thậm chí có những đôi lứa còn đến đây để chụp ảnh cưới. Gereja Ayam, tên ngôi nhà thờ đang tàn tạ này theo cách gọi của người bản xứ, còn thu hút hàng trăm nhà nhiếp ảnh trong nước và quốc tế vì sự độc đáo về mặt kiến trúc.
Nét đặc biệt của phế tích này là nó có hình dáng một con gà mái khổng lồ đang ấp trứng, với đầy đủ thân, đuôi và chiếc đầu há mỏ như đang cục tác, từ trên cao nhìn xuống nổi bật giữa một thảm rừng xanh. Nội thất ngôi giáo đường bỏ hoang này cũng hết sức lạ mắt. Tác giả thiết kế ngôi giáo đường này là ông Daniel Alamsjah, 68 tuổi, sống ở thủ đô Jakarta, cách đó 550km. Ông Alamsjah cho biết đã đứng ra xây giáo đường sau khi nhận được mặc khải từ Thượng đế. Ban đầu, ông có ý định xây nhà thờ với hình dáng một con chim bồ câu song khi công trình hoàn thành nó lại trông giống như một con gà mái ấp trứng hơn, từ đó dân địa phương gọi là nhà thờ Con Gà.
Không chỉ là nơi cầu nguyện, nhà thờ còn có vai trò như một trung tâm phục hồi chức năng, nơi điều trị, chăm sóc trẻ khuyết tật và cả những người nghiện ma túy. Trong quá trình xây dựng nhà thờ, dân làng gần đó đã tự nguyện đóng góp công sức. Người chủ đất cho ông Alamsjah thuê 3.000m2 đất để xây nhà thờ cũng chỉ lấy một khoản tiền thuê tượng trưng. Thế nhưng sau hơn mười năm hoạt động, do thiếu kinh phí duy trì nên Gereja Ayam đã đóng cửa và bị bỏ hoang từ đó.
- Đăng Nguyên
Xem thêm:
- Buổi trình diễn ánh sáng “Fiat Lux” tại nhà thờ St. Peter’s Basiliaca về vấn đế biến đổi khí hậu toàn cầu
- Những “gương mặt” giáo đường tuyệt mỹ
- Những hình tượng gà nổi tiếng trong kiến trúc