Ánh sáng là cây đũa thần có thể tạo nên không gian, thay đổi cảm giác và biến cái xấu xấu thành cái được được và nâng cái đẹp đẹp chạm vào cảm xúc. À! Mà ánh sáng cũng có thể biến cái rất được trở thành thảm họa…
Trong vài dòng mình chỉ viết cơ bản về ánh sáng nhân tạo, để các bạn có thể không cần phải giải thích với khách hàng những câu hỏi tại sao. Tại sao phải chọn như thế này và tại sao phải làm như vậy… Về ánh sáng tự nhiên mình sẽ hẹn ở một bài khác.
Để nắm được cây đũa thần, bạn phải hiểu sơ sơ về các loại đèn chiếu sáng. Khi lựa đèn bạn nên lưu ý ba chỉ số sau:
- CRI: chỉ số hoàn màu, là chỉ số phản ánh độ trung thực của màu sắc vật thể được chiếu sáng. Thường bóng đèn trên 90/100 là rất xịn.
- Độ K: nhiệt độ màu – màu của ánh sáng. Trị số K càng thấp thì ánh sáng ngã sang màu vàng càng nhiều. Trị số K càng lớn thì ánh sáng chuyển sang xanh trắng. Đối với mình, do mình thích ánh sáng vàng ấm nên hay dùng đèn có trị số K ở khoảng 2.700 tới 3.000. Với vài khu vực cần thiết phải có ánh sáng trắng thì mình mới sử dụng bóng đèn 4.000K.
- Góc chiếu: ánh sáng khi qua máng đèn sẽ ra góc chiếu sáng bao nhiêu độ. Việc nắm rõ thông số góc chiếu sáng của đèn kết hợp với chiều cao thiết kế của đèn sẽ giúp bạn tính toán được độ phủ của ánh sáng lên tranh. Bạn cũng tính toán được khoảng khuyết hoặc giao nhau của vùng sáng trên mặt sàn…
Còn để vung cây đũa thần sao cho hiệu quả, thì bạn phải để ý đến nhịp điệu của các “layer” ánh sáng. Nếu mỗi công tắc là một phím đàn, bạn phải hình dung khi mình chạm một hay 10 ngón tay, các “layer” ánh sáng này sẽ xuất hiện và đan nhau như thế nào trong không gian.
Mình ví dụ trong không gian phòng ngủ, thường sẽ có những vùng ánh sáng nhỏ chiếu xuống như đèn đầu giường, đèn bàn làm việc; đèn theo phương xéo rọi vào tranh, vật trang trí; đèn rọi xuống các lối đi. Các “layer” này thường tạo nên một trường không gian ánh sáng cân bằng nhưng vẫn có chỗ nặng, chỗ nhẹ. Chúng nhấn mạnh các điểm cần nhấn, tôn lên các bình diện và hình khối nhưng đồng thời cũng làm căn phòng mềm đi và tạo cảm giác thư giãn.
Nếu hiểu về tính chất của ánh sáng nhân tạo rồi các bạn sẽ không hẹn “người mới” dưới cột đèn đường. Những bóng đèn điện nơi công cộng thường theo tiêu chí rẻ tiền và tiết kiệm điện nên có chỉ số hoàn màu CRI rất thấp. Cầu vồng có rực rỡ thì cũng trở nên xám xịt.
Có nhiều bạn mua những món đồ “lấp lánh” ngoài showroom, về nhà là thấy chán. Có những người lên máy bay, gặp các nghệ sĩ xinh đẹp trên sân khấu thì suýt vấp té, vì nhận không ra. Tất cả các thảm họa đó đều do lỗi chiếu sáng. Trong showroom, món hàng được chiếu sáng bởi hệ thống đèn “chuyên nghiệp” hơn nhà bạn rất nhiều. Để được ánh sáng trong veo, đều mà không bẹt, không bóng đổ trên khuôn mặt các nghệ sĩ, các chuyên gia phải sử dụng rất nhiều “layer” ánh sáng, theo phương dọc và cả phương ngang. Đặc biệt là vùng ánh sáng đặt phía trước, dọc theo sàn sân khấu, chiếu hắt lên để khuôn mặt ca sĩ gọn và thanh thoát hơn.
Vậy là các bạn đã hiểu vì sao mình gọi ánh sáng là cây đũa thần rồi phải không?