Phần đặc biệt nhất là mái của công trình, từ trên cao nhìn xuống như một chòm sao. Với thiết kế độc đáo này, nhà nguyện giữa rừng Sayama đã được nhiều giải thưởng…
Tọa lạc trong một khu vực được UNESCO công nhận là di sản thế giới, ngôi nhà nguyện nhỏ giữa rừng Sayama được thiết kế với cảm hứng từ kiến trúc truyền thống Nhật Bản mà phần đặc biệt nhất là mái của công trình, từ trên cao nhìn xuống như một chòm sao – một cách thể hiện tiến hóa của mái nhà “gassho” cổ truyền của người Nhật.
Từ “gassho” trong ngôn ngữ Nhật mang ý nghĩa lời chào với đôi tay chắp lại như cầu nguyện, còn từ ghép “gassho-zukuri” có nghĩa là “công trình xây dựng với đôi tay cầu nguyện”. Điển hình cho các công trình truyền thống kiểu này là làng Shirakawa-go trong khu rừng thuộc quận Gifu (thuộc vùng Chūbu, trên đảo Honshu ở Trung bộ nước Nhật) – một di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1995, nổi tiếng với những ngôi nhà mái dốc đứng “gassho-zukuri” được làm bằng gỗ và rơm.
Bên cạnh mối quan hệ với truyền thống văn hóa lâu đời, nhà nguyện giữa rừng Sayama còn mang tính biểu tượng cao độ, khi công trình trở thành một sự diễn tả điệu bộ (cầu nguyện), được nhấn mạnh bởi cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt trong một nơi chốn có ý nghĩa tâm linh với người bản xứ. Các ngọn đồi ở Sayama trải rộng về phía tây bắc của Tokyo, đem đến cho thủ đô nước Nhật một ốc đảo xanh hiếm hoi và phần lớn khu vực đó cũng là nguồn cung cấp nước sạch cho thành phố. Được hình thành từ bốn công viên Sayama, Hachikokuyama-ryokuchi, Higashiyamato và Noyamakita-Rokudoyama, chung quanh là các hồ dự trữ nước Tamako và Sayamako, đây còn là nơi cư trú của rất nhiều động thực vật quý hiếm. Bên cạnh hồ nhân tạo Sayama, được hình thành từ năm 1934, là nghĩa trang Sayama chôn cất nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau. Nhà nguyện giữa rừng Sayama được xây dựng gần nghĩa trang đó.
- Xem thêm: Thư viện độc đáo ở Hồ Bắc Trung Quốc
Chung quanh nhà nguyện là những rặng cây phong và rừng rậm cách đó không xa, nên từ các khung cửa tam giác ở các phía của nhà nguyện tầm nhìn được mở rộng ra thiên nhiên. Các mặt ngoài hình tam giác của công trình trông như những bàn tay chắp khấn nguyện, có chiều cao từ đáy tới đỉnh là 8,5m; nối liền nhau bởi một mái được kết bằng 251 miếng gỗ dán làm từ gỗ thông khác nhau về kích cỡ. Mái nhà nguyện thể hiện sự nhạy bén của nhà thiết kế đối với các chi tiết của công trình, điều dễ nhận ra ở Nhật Bản vì tương tự với hình ảnh các ngôi nhà bình thường ở xứ hoa anh đào. Để bảo vệ phần mái bằng gỗ, một lớp nhôm chỉ mỏng 4mm có màu bạc được phủ lên, không phải bằng cách mạ nhôm thông thường mà được các nghệ nhân thực hiện bằng tay từng tấm một, khi nhìn gần phần mái của nhà nguyện như những đợt sóng nhấp nhô.
Những tấm gỗ phủ nhôm được lợp không đều, lại khác nhau về kích thước và những góc khác nhau của ánh sáng chiếu xuống mái nhà nguyện, biến chúng từ kết cấu nhân tạo trở thành một vật thể “tự nhiên”. Bên trong nhà nguyện thật đơn giản, chỉ có một bệ thờ hướng về khung cửa phía nam và vài băng ghế ngồi xếp thành hình chéo góc hướng về phía bắc cùng hai lối vào ở phía tây. Toàn bộ không gian trống trải được làm đầy bởi sự hiện hữu mái gỗ bên trên, bởi những cạnh dốc đứng của nó như thể muốn biến thành những rặng cây phong và cả khu rừng rộng lớn bao quanh.
Với thiết kế độc đáo này, nhà nguyện giữa rừng Sayama đã được nhiều giải thưởng: Công trình của năm 2016 – Giải thưởng của ARCASIA (Architect Regional Council Asia – Hội đồng Kiến trúc khu vực châu Á); A+Award 2016 Popular Choice Winner in Typology Categories; Giải bạch kim của tạp chí Architectural Design năm 2016 cho lĩnh vực kiến trúc kích thước nhỏ…
_______
Thiết kế: KTS Hiroshi Nakamura và Công ty thiết kế NAP
Hoàn thành: tháng 1-2014
Địa điểm xây dựng: Hồ Sayama Lake, quận Saitama, thuộc vùng đô thị Tokyo
Diện tích mặt bằng: 148,22m2
Tổng diện tích xây dựng: 110,49m2
_______
– Tổng hợp