Những tờ lịch năm mới bắt đầu được bóc đi, kèm theo không ít dự định và kế hoạch được hé mở, kỳ vọng. Nhiều ngôi nhà đang gấp rút hoàn thành và các dự án mới lại khởi động cùng những hoạch định và trăn trở. Về mặt phong thủy, dự báo cho năm mới luôn đi kèm bảng màu mới và những định hình xu hướng mới trên cơ sở kế thừa dấu ấn của phong cách hiện hành.
Màu năm mới, sự tiếp nối tự nhiên và cảm xúc
Màu sắc trong không gian sống luôn là chủ đề cũ mà mới, bởi như vòng xoay chuyển của đất trời, vạn vật thay đổi theo chu kỳ, con người cũng luôn đưa vào không gian sống của mình các yếu tố chịu ảnh hưởng bởi cảnh sắc ngoại cảnh và cảm xúc nội tâm. Sự giao hòa trong – ngoài này kết hợp với những nghiên cứu – dự báo của các chuyên gia tạo nên xu hướng màu sắc của từng thời kỳ, thậm chí từng năm. Cần hiểu rõ chọn màu trong không gian sống không như màu theo thời trang hay chỉ mang ý kiến chủ quan của giới thiết kế, mà có sự tổng hợp, phân tích từ nhiều nguồn trong đó các tính chất phong thủy Đông phương là một kênh tham khảo.
Theo Ngũ hành nạp âm(*) thì năm Mậu Tuất 2018 là Bình Địa Mộc, mang thuộc tính của gỗ, cây cối đâm chồi nảy lộc và phát triển ổn định. Vì thế xu hướng nội ngoại thất sử dụng chất liệu, màu sắc liên quan đến tự nhiên, nhất là gỗ và màu liên quan đến gỗ sẽ chiếm ưu thế và có phần đi vào tinh tế hơn, rõ nét hơn là kiểu dùng thuần màu trắng như các năm trước.
Theo Huyền Không Phi Tinh, năm 2018 chịu ảnh hưởng của sao Cửu Tử Hỏa tinh nhập Trung cung, với màu tím là chủ đạo, nên một số nghiên cứu dự báo màu sắc đã xác định màu tím của sắc gỗ là màu của năm, yếu tố Hỏa cũng cần hành Mộc trợ giúp tương sinh nên dự báo màu của gỗ cũng khá phù hợp.
Thế hệ gia chủ cấp tiến hiện nay làm nhà theo phong thủy không hề có chuyện đặt tỳ hưu, treo gương bát quái hay tô vẽ bùa chú. Tối giản, cá tính, tương phản… là cách làm phù hợp trên nền tảng hiểu biết và tiếp nối truyền thống. Sử dụng màu sắc cũng vậy, với mảng màu hiếm, ít xuất hiện như đỏ tươi, cam đậm, tím than hay xanh biển đậm… có thể được dùng như yếu tố tạo cá tính, giúp cho không gian có chính – phụ rõ ràng, giảm đơn điệu buồn tẻ.
Để hài hòa mà vẫn nổi bật
Việc thay đổi màu sắc trong không gian sống cho hợp xu hướng cũng như đúng phong thủy thường được giới trung niên thành đạt và nhóm gia chủ trẻ tại các đô thị lớn vận dụng. Nhiều người chịu ảnh hưởng bởi xu thế tiêu dùng hướng theo tâm lý đám đông, hay tham khảo nhiều nguồn qua truyền thông và quá đề cao cảm quan cá nhân. Để không bị dùng màu lệch lạc thái quá, hoặc ngược lại, giống nhau một cách chung chung thì khi chọn lựa màu sắc cho nhà cửa nên chú ý đến quan hệ Ngũ hành tương phối (bản mệnh + không gian) để hài hòa mà vẫn nổi bật, theo ba nguyên tắc sau:
(1) Không nhiều hơn 3: không nhất thiết phủ toàn nhà một màu, nhưng nếu trong phòng nhiều hơn ba màu sắc khác nhau thì dễ gây rối mắt và lộn xộn. Trong vòng màu tương sinh tương khắc ngũ hành, ba màu là giới hạn để phối kết, trong đó màu 2 là màu bản mệnh, màu 1 sinh 2 và màu 2 sinh 3, đồng thời 1 và 3 khắc chế nhau. Ví dụ như gia chủ mệnh Kim (2) thì màu 1 là Thổ và màu 3 là Thủy, kết quả sẽ là một không gian dùng chủ yếu màu trắng (hoặc xám) với các nhấn nhá màu vàng, điểm xuyết đen (hoặc xanh biển).
(2) Không chỉ là sơn: vì vẫn còn màu rèm cửa, sàn nhà, màu của ánh sáng, đèn và vật dụng… có ảnh hưởng không nhỏ khiến không gian có thể bị rối loạn về màu sắc. Toàn nhà cần giữ một tông chung về vật liệu (ví dụ dùng xi măng, gạch trần, thuộc Thổ) đồng hành với màu chủ đạo, màu mà gia chủ thấy phù hợp, sau đó điểm xuyết các màu mang tính đột biến, nổi bật, nhấn nhá bằng vật liệu khác.
(3) Không ngại pha trộn: sẽ tạo nét cá tính, thậm chí khác người, miễn sao không dị hợm. Một mảng giấy dán tường lạ mắt cho góc làm việc, một mảng trần phòng khách sơn sậm màu… tạo sự đặc biệt, kích thích thị giác, hướng vào trọng tâm, tạo nên khác biệt.
Không gian mới: cá tính mà không sai phong thủy
Các công trình mới hoàn thành vài năm gần đây ngày càng đề cao yếu tố tạo cá tính riêng của gia chủ lẫn người thiết kế. Thế hệ 8X, 9X hiện nay làm chủ đầu tư quán xá, căn hộ, sở hữu nhà riêng ngày càng nhiều, khá linh hoạt và sáng tạo, muốn khẳng định cái tôi và cũng hay “săm soi” về phong thủy theo cách riêng: trẻ trung, khoa học và không hề nhuốm màu mê tín. Nhiều gia chủ trẻ đã băn khoăn, tìm kiếm giải pháp sao cho nhà mình sắp xếp theo phong thủy mà vẫn mang cá tính riêng, cực chất cực ngầu! Lời giải nằm ở bộ ba giải pháp Chuyển tiếp – Gia tăng – Nổi bật, cụ thể là:
Để đạt các tiêu chí của gia chủ trẻ muốn hợp phong thủy mà vẫn “cá tính, khác người”, trước tiên nên chú ý đến các giải pháp bố trí không gian mở liên hoàn, tương tác cao. Ví dụ tạo khoảng liên thông giữa phòng khách – sinh hoạt – bếp ăn, hoặc dùng đồ nội thất loại dễ biến đổi tháo ráp, kệ đa năng để gia đình trẻ khi có thêm em bé hoặc bạn bè đến chơi sẽ dễ nới rộng được không gian. Đây cũng là tính Chuyển tiếp khí trong phong thủy mà ngôi nhà truyền thống (ba gian, năm gian, liên thông dưới mái chung) cha ông ta đã làm rất tốt. Yếu tố chuyển tiếp còn thể hiện qua mặt cắt nhà ở ngày càng liên thông trên – dưới nhiều hơn, thay vì một tấm sàn chạy suốt, ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà khai thác khoảng thông tầng, lệch tầng, dùng cầu thang và giếng trời như một thành tố thu hút, dẫn dắt thông gió, tầm nhìn đa dạng và hiệu quả.
Mặt khác, khi môi trường sống ngày càng có nhiều biến đổi bất lợi về khí hậu, chịu tác động ô nhiễm trong đô thị nhiều, thì cần bố trí không gian đệm, vùng kết nối để vừa giảm được các va chạm Trực xung với bên ngoài, vừa thêm công năng sử dụng, phong thủy hiện đại gọi là Gia tăng khí. Ví dụ, thay vì bố trí một bàn ăn trong không gian chật, có thể làm một quầy bar giữa bếp và phòng khách, giảm diện tích choán chỗ đồng thời trông khá trẻ trung, hữu dụng. Hoặc cách xử lý mặt đứng giản dị, không chạy theo dáng vẻ bên ngoài, hướng tầm nhìn và mảng xanh vào bên trong, hoặc dùng mặt đứng hai lớp để trồng cây che chắn… Tất cả đều là biện pháp gia tăng tính hữu dụng, giảm bớt tính hình thức, trang trí dư thừa.
Quan niệm thứ ba là phải có điểm nhấn thiên nhiên, độc đáo cho ngôi nhà bằng nhiều cách như tạo tiểu cảnh cây xanh, tường xây gạch thô nơi giếng trời… mà phong thủy gọi là Nổi bật khí, với trang trí hợp ngũ hành gia chủ để ghi dấu ấn rõ nét. Ví dụ trồng cây trên mái để thành mảng không gian xanh sinh hoạt với các loại cây gia chủ ưa thích, hoặc mảng điêu khắc bằng thép trong khoảng sỏi đá nhẹ nhàng cho gia chủ mệnh Thổ… sẽ giúp nội thất thỏa mãn ý thích riêng mà không bị sai lệch về phong thủy. Yếu tố đan xen vật liệu cũ trong cấu trúc mới (gỗ tận dụng, gạch bông gió…) hay dùng kỹ thuật mới cho các lớp vật liệu cũ (bê tông trần, mặt đứng kiểu tham số parametric tạo hình ấn tượng) cũng giúp ngôi nhà riêng ngày càng thể hiện cá tính chủ nhân và bắt kịp xu thế chung của kiến trúc đương đại thế giới.
(*) Người xưa chọn yếu tố thời gian được ghi chép bằng cách ghép tên của 10 Thiên Can và 12 Địa Chi, Can Dương thì ghép với Chi Dương, Can Âm thì ghép với Chi Âm, và với cách ghép như vậy thì ta sẽ có 60 tên khác nhau. Năm tháng ngày giờ đều có hành của nó, tóm tắt trên một bảng gọi là Lục Thập Hoa Giáp. Cứ hai năm có cùng một hành, nhưng khác nhau về yếu tố Âm Dương, nghĩa là một năm Âm và một năm Dương có cùng một hành, ví dụ Bình Địa Mộc là ngũ hành của hai năm Mậu Tuất và Kỷ Hợi (1958, 1959 và 60 năm sau lặp lại ở 2018, 2019).
- Ảnh Xuân Trang