Mối quan hệ và hợp tác giữa chủ nhà – kiến trúc sư thật quan trọng, góp phần đem lại tính hiệu quả và quyết định thành công cho một công trình thiết kế và xây dựng nhà ở. Trên thực tế, nhiều mối quan hệ đã trở nên xấu đi trong suốt quá trình tiến hành công trình và thậm chí dẫn tới đổ vỡ đáng tiếc. Trong mục BÀN TRÒN kỳ này, các kiến trúc sư trẻ sẽ tâm sự về điều này và đưa ra những giải pháp khắc phục từ kinh nghiệm thực tế hành nghề của họ.
Trong quá trình thiết kế, bạn thường gặp gỡ những khó khăn nào khi bắt tay làm việc với chủ nhà?
KTS Chi Mai (Limdim House): Tôi nhận thấy, khó khăn mà mình gặp phải với đa số chủ nhà là họ không thật sự xác định rõ mình yêu thích phong cách nhà ở như thế nào yêu thích và chọn lựa đúng phong cách nào sẽ phù hợp với bản thân mình hay gia đình mình. Họ thường giao hết quyền quyết định cho kiến trúc sư. Và điều này, trên một phương diện nào đó, gây áp lực cho kiến trúc sư trong quá trình thiết kế.
KTS Võ Đức Phong (PsA House): Nhiều chủ nhà trước khi gặp kiến trúc sư họ đã tìm hiểu và gom góp dữ liệu từ rất nhiều nguồn để vẽ nên trong đầu hình ảnh ngôi nhà ở mơ ước của mình. Đến khi gặp kiến trúc sư, họ đưa ra quá nhiều chi tiết mong muốn, thậm chí vẽ nên quá nhiều phong cách trong cùng một ngôi nhà. Những ý tưởng cóp nhặt đó thực sự làm cho KTS bị rối trí và mất rất nhiều thời gian để giải thích và thuyết phục. Trong trường hợp những chủ nhà quá “cứng” sẽ hạn chế rất nhiều khả năng sáng tạo của KTS.
KTS Châu Minh Tiến (HA): Cũng có rất nhiều chủ nhà chưa hiểu rõ thật sự họ mong muốn gì thật cụ thể cho ngôi nhà của chính họ. Việc đưa ra một đề bài thiếu nhất quán và thường xuyên thay đổi sau một giai đoạn ngắn sẽ là trở ngại rất lớn để KTS có thể đưa ra một đáp án chính xác nhất.
KTS Vũ Hoàng Kha (Aplus Architects): Đúng vậy. Thông thường KTS sẽ rất khó khăn khi gặp hai kiểu chủ nhà: một là muốn quá nhiều thứ trong một ngôi nhà và một là không thực sự biết mình muốn gì cho ngôi nhà tương lai. Kiểu đầu tiên sẽ tìm mọi cách can thiệp vào quá trình thiết kế và kiểu thứ hai hoàn toàn giao phó cho KTS.
KTS Phạm Hữu Sơn (Pham Huu Son Architects): Theo tôi, xác định phong cách ngôi nhà là vấn đề khó khăn nhất khi làm việc với số đông chủ nhà. Thường khi được đưa đi thăm những công trình tham khảo, họ sẽ rất thích một phong cách được giới thiệu. Tuy nhiên, đến khi triển khai thực hiện cho ngôi nhà của chính họ, họ lại tác động thêm thắt nhiều yếu tố khác dựa trên sở thích cá nhân. Từ đó, KTS sẽ khó mà định hình phong cách chung của công trình. Quá trình thuyết phục sẽ tốn nhiều thời gian của KTS.
KTS Nguyễn Anh Đức (Dom Architect): Tôi hoàn toàn đồng ý với các bạn đồng nghiệp. Vấn đề khó khăn nhất thường gặp lúc làm việc với chủ nhà việc giúp nhau thấu hiểu nguyện vọng cũng như nhu cầu của chủ nhà về không gian sống mong muốn. Mỗi ngôi nhà là một tác phẩm sáng tạo, mang phong cách phù hợp với vùng miền, với nếp sống của riêng từng gia đình và quan trọng hơn là phù hợp với mức đầu tư mà chủ nhà có thể bỏ ra. Và bạn phải bỏ thời gian để chuyện trò, hỏi han chủ nhà, “lắng nghe” rất nhiều mới có thể đi đến chỗ “thấu hiểu”.
Vậy thì kinh nghiệm giúp bạn có thể vượt qua khó khăn ban đầu này là gì?
KTS Phạm Hữu Sơn: Cùng với việc định hình phong cách, yếu tố quan trọng để giải quyết khó khăn là phải trao đổi nhiều cùng chủ nhà để hiểu thêm các yếu tố từ sở thích cá nhân, nắm rõ mong muốn của họ. KTS phải thu thập càng nhiều những “gạch đầu dòng” rõ ràng và cụ thể càng tốt trước khi bước vào giai đoạn triển khai thiết kế. Khi triển khai thiết kế, bên cạnh yếu tố sở thích – đáp ứng thói quen sinh hoạt của gia chủ, KTS phải tính toán kỹ lưỡng việc phân bổ diện tích sử dụng và các công năng phụ trợ như: tạo góc nhìn, thông gió, lấy ánh sáng… Làm sao để tổng thể công trình vừa đáp ứng hiệu quả về mặt công năng sử dụng cho gia đình chủ nhà vừa mang lại cảm xúc cho người sinh hoạt trong công trình đó. Một khi, bạn có sự chuẩn bị thông tin đầy đủ, tính toán hợp lý trong khâu thiết kế, phương án có tính logic và phù hợp thực tế thì việc thuyết phục chủ nhà sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn.
KTS Châu Minh Tiến: Đối thoại, đối thoại và đối thoại. Theo tôi, mối quan hệ KTS – chủ nhà nên được thay bằng mối quan hệ bạn bè để dễ dàng hơn trong việc chia sẻ, đồng cảm và đi đến thấu hiểu nhau. Từ những lần gặp gỡ tư vấn đầu tiên, KTS nên biết cách đặt câu hỏi để khai thác thông tin bên cạnh đề bài mà chủ nhà soạn sẵn. Hãy giải thích cho chủ nhà hiểu rõ một công trình nhà ở sẽ thể hiện dấu ấn cá nhân rất cao, phản ánh chính người sở hữu nó, mang những nét khác biệt nhất định. Chính những đặc điểm đó mới tạo nên nét đẹp ngôi nhà của riêng họ.
KTS Vũ Hoàng Kha: Nhất định là KTS phải dành thời gian để tương tác càng sâu càng tốt với khách hàng. Phải hiểu về nơi họ đang sống, nghe thêm những câu chuyện trong sinh hoạt mà họ đã trải qua và ước mơ của họ về không gian sống trong tương lai. Từ đó, KTS mới có thể đề xuất những giải pháp hợp lý và tốt nhất mà khách hàng mong muốn nhưng không thể diễn đạt rõ ràng với KTS được.
KTS Chi Mai: Kinh nghiệm của tôi là kết hợp song song giữa định hướng và lắng nghe một cách có chọn lọc. Điều này nhằm giúp chủ nhà không sa đà vào những tiểu tiết lan man. Trong quá trình đối thoại, KTS phải tìm hiểu rõ thêm nếp sống của gia chủ để thiết kế đáp ứng tính thực tế, vì người sống, sử dụng và tận hưởng không gian ngôi nhà chính là chủ nhà chứ không phải là người thiết kế.
KTS Võ Đức Phong: Kinh nghiệm của riêng tôi là bỏ thời gian tìm hiểu thật kỹ nguyện vọng chủ nhà, về nếp sinh hoạt cũng như văn hóa sinh hoạt trong gia đình họ. Bên cạnh đó, bạn cũng phải tạo cơ hội để chủ nhà hiểu về bạn, về công ty của bạn để hai bên cùng thấy điểm phù hợp với nhau rồi sau đó mới bắt đầu cụ thể vào công việc. Tôi thường lên kịch bản sống trong ngôi nhà tương lai của chủ nhà, cùng bàn bạc, lắng nghe và giải quyết phản biện từ hai phía. Như vậy, sẽ không có sự áp đặt hay phục tùng miễn cưỡng nào dẫn đến nguy cơ bất hòa nghiêm trọng.
____
Xin cảm ơn các KTS và những đóng góp kinh nghiệm của các bạn trong cuộc trò chuyện kỳ này. Chúng ta sẽ tiếp tục bàn luận về mối quan hệ CHỦ NHÀ – KIẾN TRÚC SƯ vào những kỳ tới. Chúng tôi mong sẽ nhận được thêm nhiều những ý kiến chia sẻ của các bạn. Hẹn gặp lại!