Cái nóng nhiệt đới mỗi năm lại gay gắt hơn trong thời biến đổi khí hậu, đòi hỏi nhiều vấn đề “cũ và mới” của không gian sống phải xử lý. Cũ bởi vẫn những ngôi nhà ấy, chất liệu ấy, làm sao để nhà mát mẻ hơn và tiết kiệm hơn. Còn mới là luôn có những góc nhìn cần linh hoạt, cần vận dụng kinh nghiệm truyền thống với khoa học hiện đại. Trong xu thế xây dựng nhà ở thân thiện môi trường hiện nay, thì các yếu tố phong thủy khi nhìn dưới góc độ xử lý vi khí hậu sẽ mở ra quan điểm: khai thác tốt yếu tố đặc rỗng như một khía cạnh của triết lý cân bằng Âm Dương.
Văn hóa phương Đông xưa nay đúc kết quan điểm “dụng lấy cái không” để khai thác khoảng trống, tạo khối tích sử dụng hữu ích. Vì thế ngay trong một cuộc đất, cách đào đắp cao thấp, cách dựng nhà lập vườn, cách che chắn đóng mở nhiều hay ít để tạo cân bằng âm dương, chính là hướng đến thích ứng với môi trường.
Về cơ bản ngày nay ai làm nhà cũng biết chút ít về xây tường dày hay dùng vật liệu giảm nóng, sơn cách nhiệt… là đương nhiên. Nhưng nếu nhà vẫn không ngớt “bốc hỏa” thì rõ ràng là rất cần rà soát lại cách thức che chắn và các yếu tố ngoại cảnh từ xa đến gần, đồng bộ với quyết định gắn máy lạnh hay xử lý bên trong. Nguyên lý đặc rỗng sẽ là chìa khóa áp dụng trong vấn đề giảm Hỏa này.
Nhà giảm nóng nhờ có đặc có rỗng
Việc bố trí các mảng lồi hay lõm, cong hay thẳng, mái ngói hay mái bằng… gắn liền với mức độ Âm Dương. Quá thuần Dương (khối đặc, phẳng) sẽ gây cảm giác bít bùng nặng nề, tù hãm Nội Khí, tích tụ nhiệt trong kết cấu. Và ngược lại, nhà làm thuần Âm (mảng rỗng, thủng lỗ) nhiều thì tạo nên sự trống trải xuyên thấu từ ngoài vào trong, gây gió lùa Tán Khí, cảm giác bất an. Khoảng đặc rỗng trên các bề mặt liên quan đến Ngũ hành của chất liệu làm nên bề mặt đó và cách vận dụng Ngũ hành trong tạo hình sao cho phát huy lợi điểm, hạn chế khuyết điểm.
- Xem thêm: Tiện nghi hướng tới an lành
Ví dụ như cùng là mái lợp ngói chất liệu đất nung, nhưng loại ngói âm dương sẽ cách nhiệt khác với ngói vảy cá, hay ngói có bề mặt lồi lõm khác với ngói phẳng, rồi các lớp ngói dày mỏng, ngói lợp trên khung rui mè đòn tay khác với ngói dán trên tấm bê tông… Tất cả đều do mức độ lồi lõm, đặc rỗng, dày mỏng, nhiều khoảng thoát nhiệt hay không. Phong thủy chia các chất liệu sử dụng trong xây dựng theo nhóm Thổ, Kim và Mộc (các hành Thủy hay Hỏa chủ yếu biểu hiện qua màu sắc, nước và nhiệt độ nhiều hơn).
Nhóm Thổ mang tính trung hòa khi xây nhà, đặc tính nâng đỡ, không thăng không giáng, làm nền cho các hành khác nương tựa. Gạch xây các loại đều có bề mặt và cấu tạo bên trong xốp rỗng cách nhiệt, nếu xây theo dạng khối gạch có khe hở, có xếp xoay tạo bóng đổ… thì càng giúp giảm tích tụ nhiệt trong khối xây đáng kể. Hiện nay đang dần phổ biến gạch không nung chưng áp với nguyên liệu sản xuất chính là vật liệu vô cơ, khả năng cách nhiệt cao với hệ số dẫn nhiệt rất thấp, giảm tới 40% lượng điện năng tiêu thụ hằng tháng.
- Xem thêm: “Ăn chơi” nơi khoảng trống
Nhóm Mộc có độ rỗng cao hơn so với Thổ, từ cây cối phủ rèm xanh đến chất liệu gỗ tự nhiên, nhưng lại mau xuống cấp, và gỗ quý thì rất đắt và cũng không thể đưa ra ngoài để chống chọi thời tiết khắc nghiệt. Vì thế đây là nhóm mang tính linh động, điểm xuyết cho hệ Thổ. Các loại tre trúc, cây có thân xốp nhiều lỗ rỗng giúp giảm nhiệt cao, là vật liệu lý tưởng cho bao che giảm nóng, tuy nhiên cần quan tâm đến xử lý đạt độ bền và tính cơ lý phù hợp với xây dựng, tránh xuống cấp, mối mọt.
Nhóm Kim có bề mặt láng bóng, cứng rắn hơn, thoát nước nhanh, phản xạ lại ánh sáng mạnh, tuy có thể làm mái che, tấm bọc bên ngoài khối nhà, nhưng Kim dẫn nhiệt và tỏa nhiệt, lại gây phản quang không tốt cho bao cảnh, do đó chỉ nên dùng hạn chế, kết hợp nhựa, gỗ làm hệ lam (đan xen thanh, hoặc hệ tấm có đục lỗ để giảm bớt bức xạ. Các công trình hiện đại dùng tấm hợp kim hiện nay ít làm kiểu “trơ trọi” nữa, mà tạo khối, xếp lớp vảy cá, hay cắt CNC lồi lõm để tạo khoảng đặc rỗng, bóng đổ bản thân, giảm bề mặt phản xạ nhiệt…
Thực nghiệm chỉ ra kiểu làm khối nhà trơ trọi chỉ có ở vùng hàn đới hoặc nóng khô. Nếu xây dựng xâm lấn tối đa diện tích đất thì sẽ triệt tiêu hết các khoảng rỗng, khoảng “thở” trong môi trường, không khí bị nung nóng nhiều hơn vì các bề mặt “cứng” như mái bằng, mái tôn sẽ tích tụ nhiệt và phản xạ lại chói chang, oi bức.
Các khảo sát khoa học chứng minh ngôi nhà truyền thống của Việt Nam xây dựng thời chưa có vật liệu hiện đại như nhà rường Huế, nhà lá mái Bình Định(*) nhưng có sự cân bằng rất tốt giữa mảng đặc và khoảng rỗng, thậm chí ngay trên mảng đặc vẫn có lỗ rỗng, như gạch thông gió, dùng hành lang bao bọc, tấm che nắng bố trí hợp lý… nên luôn đạt nhiệt độ và độ thoáng bên trong lý tưởng, dễ chịu.
- Xem thêm: Không có màu nào xấu…
Cộng thêm cách xử lý khuôn viên bao quanh cũng “trong đặc có rỗng” với hàng rào bằng cây xanh, thảm cỏ xen lẫn rải sỏi, lát gạch đá đủ để đi lại chứ không bê tông hóa toàn bộ sân, thêm mặt nước kiểu hồ cảnh góp phần giảm đáng kể lượng nhiệt vào nhà.
Muốn nhà mát hãy trông mặt cắt
Đa số các bản vẽ về định vị phong thủy tập trung vào phân bố mặt bằng, đặt la bàn… Điều này đúng nhưng xét theo khoa học phong thủy hiện đại thì chưa đủ. Nhà xưa diện tích rộng, không phải xếp chồng tầng như nhà hiện đại, nhà nhiều tầng chỉ làm tháp chùa, hàng quán công cộng, do vậy kiến thức về cầu thang, mái, hay phân tầng của cha ông truyền lại không nhiều. Nhà xưa cũng có cấu trúc thống nhất từ nền – tường – mái nên khả năng thông thoáng rất tốt do luồng khí luân chuyển dưới không gian sử dụng, khí nóng (dương) bốc lên, thoát khí bằng khe mái, cửa đầu hồi, vật liệu có khoảng hở…
Thời hiện đại khi áp dụng phong thủy theo vi khí hậu, muốn biết một nhà có Luân Chuyển Khí tốt, mát mẻ hay không hãy nhìn vào mặt cắt. Bởi trong đó bố trí sàn tầng, giếng trời với khu cầu thang, và mái nhà là những điểm “tam yếu” không thể bỏ qua.
a. Bố trí sàn và ngăn chia: Bố trí mặt bằng sàn và ngăn chia phòng sẽ quyết định đến các khoảng đặc hay rỗng trên mặt bằng của nhà. Việc thay đổi độ cao giữa các sàn với kiểu không gian thông tầng, lệch tầng thường giúp không khí được luân chuyển theo dạng chéo. Một mặt cắt nhà phân bố hợp lý cửa thông gió trên cao, cửa lấy gió vào dưới thấp sẽ tạo luân chuyển khí tốt. Việc nhận ra và điều chỉnh các vùng Âm và Dương trên mặt cắt sẽ giúp giảm bớt các vùng khuất gió (thuần Âm) trên mặt cắt.
b. Giếng trời và cầu thang: Vấn đề tích nhiệt và phản xạ nhiệt từ bên ngoài vào nhà luôn gây khó chịu trong nhà ống hiện đại. Quy định hiện nay xin phép xây dựng chừa khoảng trống từ 10% đến 20% diện tích đất (tùy theo khu vực quy hoạch) chính là để tránh kiểu làm “đặc” hết diện tích, không còn khoảng “rỗng” cho thông thoáng. Về phong thủy, nguyên tắc chung là không để bất kỳ một không gian phòng ốc nào trong nhà bị vây kín.
- Xem thêm: Hiểu Cát Hung để giảm Trực Xung
Giếng trời do đó chính là lá phổi hô hấp cho toàn nhà, giúp ánh sáng Dương quang từ trên cao xuống được các phần sâu bên dưới. Lỗ trống cầu thang và kiểu thang hở thoáng cũng giúp tạo nên miệng hút khí, cân bằng âm dương, làm nên dòng đối lưu tạo sự thông thoáng hơn. Xu hướng hiện nay là cầu thang ngày càng được thiết kế nhẹ và thoáng hơn, để thông gió theo chiều đứng, lan can giản dị mà an toàn, có thể xếp đặt tiểu cảnh nhẹ nhàng, kiểu greenwall có chọn lọc.
c. Mái nhà: Ngay cả trường hợp nhà làm sàn thẳng tầng chạy suốt, ít khoảng thông gió xiên, thiếu giếng trời… thì một mái nhà cấu tạo đủ lớp cần thiết, có tầng “gầm mái” vẫn giúp giảm nhiệt được cho nhà khá nhiều. Khi hiểu rằng bề mặt mái cũng là một mặt đứng khác (thông thiên) thì sẽ biết cách sử dụng mặt đứng đó hiệu quả, ví dụ như trổ cửa mái sao cho không bị mưa tạt nắng gắt mà lại giúp lấy gió cũng như thoát gió tốt theo hướng gió chủ đạo của vùng, hoặc làm sân thượng trên mái bằng thì lên đó phơi phóng, trồng cây cối, chống thấm… ra sao. Kinh nghiệm này có ở các nhà ống phố cổ Hội An, Hà Nội đã làm khá hiệu quả từ thời nhà cửa san sát nhau, hai bên bít kín, mặt tiền chói chang, chỉ còn cách mở lên trên và mở bên trong để tìm khoảng rỗng cho mình dễ thở và đỡ nóng.
Như vậy, những lớp đặc rỗng, Âm Dương để cách nhiệt có được cho mỗi ngôi nhà có thể đến từ bao che bên ngoài và nương nhờ ngoại cảnh (ví dụ nhà khác chắn bớt, có cây xanh đường phố) hoặc do bản thân ngôi nhà tạo ra. Một ngôi nhà chủ động ứng phó với nhiệt độ chắc chắn sẽ không thể hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường ngoại cảnh, và do đó các kinh nghiệm phong thủy và vật lý kiến trúc luôn cần được vận dụng khéo léo, hợp lý và bền vững.
_______
(*) Theo Pierre Gourou: “Nhà lá mái là loại nhà rường với mái nhà có hai lớp gồm: một mái đầu tiên bằng đất nện để khô và một mái thứ hai lợp tranh, đỡ bằng những phên đan bằng tre thô sơ được bó đất cẩn thận, khoảng cách giữa hai lớp mái đo được mức tối đa ở trên nóc 40cm…”. Tương tự ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, ngoài trần bằng tre còn xuất hiện trần bằng những tấm gỗ ghép lại để đỡ lớp đất bên trên. Tùy theo từng vùng có tên gọi khác nhau: Ở Quảng Trị gọi là nhà mái xông. Ở Quảng Nam gọi là nhà bỏ đất (hay trần bích). Ở Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn gọi là nhà đắp. Ở Bình Định, Phú Yên gọi là nhà lá mái.
_______
– Ảnh Xuân Trang