Trong các trường phái phong thủy phổ biến hiện nay, phong thủy về Hình Thế được ứng dụng rộng rãi bởi tính trực quan cụ thể và ít phụ thuộc vào trình độ Dịch học của người thực hiện (gia chủ hay nhà chuyên môn).
Tuy nhiên, cần phân định rõ các giải pháp cơ bản khi chọn lựa hình thế nhà cửa để không sa đà vào tình trạng lạm dụng vật khí trấn yểm, cũng như chuyện “nhìn đâu cũng thấy hoang mang”.
Để thực hành tốt phong thủy Hình Thế cần bắt đầu từ việc nhận định Cát Hung cho nhà. Từ đó liên hệ được giữa bố trí nhà cửa với các cấu trúc Hình Thế gây nguy hại cho nơi cư ngụ, hay còn gọi là Trực Xung.
Cát Hung hiện hữu toàn nhà
Đa số gia chủ biết là nhà mình nên tăng Cát, tránh Hung, thế nhưng trong cuộc sống thường nhật có nhiều vấn đề phải lo toan, nên lắm lúc khó phân biệt được cách bố trí nào, không gian sinh hoạt nào là Cát (tốt) hay Hung (xấu).
Về cấu trúc nhà cửa, chẳng ai muốn trong nhà mình có những chỗ xấu, nhưng bản chất mọi vấn đề đều có nhiều mặt, và ngôi nhà luôn phải giải quyết chuyện “tốt khoe xấu che” sao cho vừa phải.
Khái niệm Cát Hung cũng không phải chia ra rạch ròi theo kiểu tốt xấu thuần túy. Hung đơn giản là những chỗ có phát sinh độc hại (như bếp nấu, hầm phân tự hoại, chuồng nuôi gia súc), chỗ ẩm thấp vì có nước nhiều (phòng vệ sinh, giặt phơi) hoặc chỗ ít sử dụng thường xuyên (kho, gầm cầu thang, gian áp mái).
Còn Cát là những không gian sinh hoạt chủ yếu như phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng làm việc, sinh hoạt chung…
Tuy nhiên, vẫn còn những không gian theo kiểu 50% pha trộn vừa Cát vừa Hung mà phải căn cứ vào quan hệ với không gian khác để phân định theo quy luật Âm Dương tương đối, như chỗ đi lại, nhà xe, giếng trời, hàng hiên, ban công… đều không phải nơi sinh hoạt thường xuyên nhưng đóng vai trò phụ trợ, kết nối, chuyển tiếp giữa trong ngoài, trước sau, giữa các chỗ chính phụ với nhau.
Trong từng không gian riêng biệt, sự phân chia Cát Hung cũng dựa theo đặc tính sử dụng và mối quan hệ trong ngoài, Cát Hung nảy sinh bởi cách bố trí nội thất và cấu trúc của phòng đó.
Ví dụ phòng ngủ, chỗ đặt giường ngủ, đặt tủ đầu giường là vùng Cát, còn chỗ để bàn phấn (gương soi phản chiếu Hung khí), lối đi vào khu vệ sinh, chỗ để tủ quần áo (một dạng kho) là vùng Hung so với chỗ nằm ngủ, nhưng tủ đồ trong phòng tắm lại Cát hơn so với bàn cầu (theo nguyên tắc Âm Dương tương đối).
Trong bếp, chỗ đặt bếp nấu là Hung nhưng vùng trước mặt bếp (mang thức ăn ra vào) là Cát, bồn rửa chén là Hung còn bàn soạn thức ăn là Cát, quầy bar thuộc Cát trong khi sàn nước thuộc Hung.
Tủ lạnh là một dạng kho chứa đồ ăn nên phần Tọa phía sau của tủ là Hung (thường có hệ thống điện, tỏa nhiệt nhiều) trong khi mặt trước tủ là Cát.
Trong phòng khách, những khu vực Cát là ghế salon, bàn tiếp khách, mặt trước tủ trang trí hoặc bình phong, còn Hung là những không gian đi lại, chỗ để giày dép, mặt sau kệ tủ.
Cát Hung còn phân định theo bề mặt sử dụng, trong đó bề mặt sàn có thể đi tới được là Cát, những ngóc ngách ít tiếp cận là Hung, hay mặt trên tủ ngang tầm sử dụng là Cát, mặt gầm tủ là Hung.
Một số nhà hay đặt tủ giày, móc treo quần áo, thùng rác và vô số đồ vặt vãnh khác ở vị trí sau các cánh cửa mở vào. Khi cánh cửa không mở hết được sẽ làm nên những “mũi dao” hướng luồng khí Trực Xung vào vùng sinh hoạt của phòng, đồng thời đồ vật, quần áo để sau cửa cũng bị Âm hóa nhiều, thường ẩm mốc bụi bặm, dễ tích tụ vi khuẩn gây bệnh, cũng là một dạng Hung trong nội thất.
Giảm Trực Xung từ ngoài vào trong
Từ hiểu về Cát Hung, gia chủ và người thiết kế sẽ có cơ sở bài trí không gian, sắp xếp vật dụng cho phù hợp ngay từ lúc ban đầu hình thành ý tưởng làm nhà.
Ví dụ như cửa sổ và cửa đi phòng ngủ không mở vào giường nằm, nên đặt gương soi và tủ áo về phía cuối chân giường… nhằm tránh tình trạng khó bài trí gây bất tiện trong sinh hoạt, hoặc đập phá phần cứng khi cần phải bố trí phần mềm.
Khi làm khu vệ sinh hay kho, cần lưu ý căn cứ theo phân vị các vùng Cát Hung của nhà, vì khu vệ sinh là thuộc dạng Trường Khí Hung, nên cần đặt trong vùng Hung, đặt khuất tầm nhìn trực diện, tránh phô bày ra giữa nhà, có đủ ánh sáng và thông thoáng…
Nếu không đúng những chỉ định đó thì không nên làm, vì mọi sáng tạo cần “nhìn trước ngó sau” để không trở thành dị biệt hoặc quá lố, nhất là trong không gian có nhiều người cư ngụ chứ không phải nơi riêng tư của một cá nhân.
Nếu khó có thể tác động đến cấu trúc phần cứng, thì kinh nghiệm phong thủy truyền thống là quan tâm ứng dụng linh hoạt các dạng bình phong.
Cần hiểu rộng ra bình phong không chỉ là một bức vách di động linh hoạt, mà còn mang nhiều ý nghĩa về sự bảo vệ, che chắn, chỉnh hướng cho nội ngoại thất.
- Xem thêm: Nước và chuyện cát – hung trong nhà
Bình phong có thể cố định, có thể phân cách tạm thời không gian giữa trong và ngoài, giữa chung với riêng, giúp giảm tầm nhìn và ngăn cản phần nào gió thổi trực diện, hay che chắn nắng chiếu xuyên phòng.
Có thể thấy ở không gian nhà cửa hiện đại, resort hay nhà hàng, khách sạn… mang nét Đông phương, các tấm bình phong có biến thể khá phong phú, đôi chỗ kiêm luôn vai trò đảo giao thông ra vào, bảng hiệu, mảng đặt logo của công trình.
Dĩ nhiên sử dụng bình phong không đơn thuần chỉ sao chép nguyên bản, mà còn cần biết sáng tạo trên tinh thần chắt lọc tinh hoa. Sản phẩm nội thất hiện nay có nhiều dạng tủ kệ, lam trang trí mỹ thuật được biến tấu trên tinh thần tấm bình phong vốn có, trở thành điểm nhấn mới mẻ, đem lại những sắc thái mới cho không gian nhà ở trong điều kiện “đất chật người đông”.
Ở mức độ đơn giản, bình phong có thể là dạng lam đứng hoặc ngang, che chắn nhưng không ngăn cách Nội khí luân chuyển.
Mức độ biến tấu nhiều hơn thì bình phong sẽ kết hợp với quầy bar, bàn bếp hay bàn làm việc tạo thành các nhóm giải pháp đồ đạc liên hoàn với nhau, và không chỉ bó hẹp bằng gỗ hay xây gạch, mà còn sử dụng chất liệu kim loại, kính nghệ thuật, cây xanh… khá phong phú.
Để tránh “đụng đầu”
“Đụng đầu” là cách nói ngắn gọn mà gia chủ, giới chuyên môn lâu nay thường chỉ các vị trí bất cập, khó sử dụng thường xuyên và thoải mái về chiều cao.
Nhà nhỏ nên chiều cao hạn chế dẫn đến đụng đầu đã đành, nhà lớn đôi khi vẫn vướng vào chuyện này vì thiết kế ban đầu thiếu tính toán thấu đáo hoặc phát sinh sau quá trình sử dụng. Một không gian sống bị “đụng đầu” luôn là nơi tiềm ẩn những bất an về phong thủy.
Đụng đầu có nhiều loại, nhưng tóm gọn thì có thể chia làm hai loại cơ bản: hữu hình và vô hình. Những mảng dầm đà đi lại ở cầu thang gây va chạm khi lên xuống, những nơi áp mái xéo góc bị va chạm khi sử dụng… thuộc dạng hữu hình, dễ thấy và dễ xử lý.
Còn loại vô hình là những chi tiết nội thất tạo cảm giác bất an chứ không hẳn gây hại, ví dụ phòng khách gắn quạt trần cùng với đèn chùm hơi thấp gây cảm giác vần vũ trên đầu người ngồi ở dưới, hay các mảng miếng trang trí lơ lửng trên cửa sổ, dưới dầm đà… khiến tầm nhìn bị rối, bị đè nặng, gây tâm lý bất an.
- Xem thêm: Để ai cũng ngước nhìn
Dù nguyên nhân từ đâu thì luôn cần giải pháp nội thất hiệu quả để đạt được một không gian sống an lành và thoải mái. Phong thủy gọi đó là những giải pháp “sửa Hình để chỉnh Thế”, tùy theo vị trí mà linh hoạt xử lý.
Khu vực cầu thang và mái dốc là những chỗ hay tạo ra chỗ “đụng đầu” nhiều nhất. Gầm cầu thang vốn hay được tận dụng làm khu vệ sinh, kho chứa đồ, tủ trang trí vì tính chất tối và thấp, thiên về Âm nhiều hơn Dương.
Nhưng dù tận dụng đến mức nào thì vẫn cần lưu ý là tại những chỗ thấp hơn đầu người (khoảng dưới 1m7) chỉ nên đặt các chức năng ít phải đi ra vào và tần suất sử dụng thấp, như tủ chứa đồ lặt vặt, máy bơm nước, kho nhỏ…
Còn nếu đặt giường ngủ hoặc chỗ làm việc dưới dạ cầu thang thì rất bất lợi, bởi luồng di chuyển bên trên sẽ gây tiếng động và bụi bặm, nhất là đối với dạng cầu thang có thiết kế hở bậc hay cầu thang xương cá, vừa khó chịu cho người bên dưới, vừa bất an với người bước lên trên.
Đối với mái dốc nghiêng, đóng trần là cách hữu hiệu để giảm bớt góc chết trên cao, giúp cách nhiệt cách âm tốt hơn.
Với nhà dùng gian áp mái đủ cao thì khoảng xiên sát tường nên bố trí đồ vật như tủ kệ nhỏ, còn giường ngủ hoặc bàn viết thì đặt ở khoảng mái đã vượt lên cao và tránh các dầm xà phía trên cắt ngang qua giường hay bàn bên dưới.
Cánh cửa sổ mở lơ lửng cũng tạo ra điểm không an toàn khi sử dụng, nên phải bố trí cánh lật cao qua hẳn đầu người.
Trường hợp cánh cửa mở thấp thì phía dưới nên đặt thêm bồn hoa hay đồ đạc vào đó, tránh đi lại hay sinh hoạt sát phần cửa lật nghiêng.
Một chi tiết nhỏ nữa là dầm đà nơi chiếu nghỉ cầu thang cũng là chỗ hay gây va chạm, đụng vai khi lên xuống.
Nếu không thể xây tường bít đà hay làm đà nhỏ lại thì giải pháp trang trí như đặt bồn hoa, vật dụng… sẽ giúp tăng chú ý và giảm góc va chạm ở các nơi này.
“Hình tạo Thế, Thế tạo Khí” là lời khuyên cơ bản của phong thủy Hình Thế để các gia chủ quan tâm điều chỉnh nội thất sao cho người sử dụng thấy thoải mái, giảm va chạm cả về thực tế sử dụng lẫn tâm lý bất ổn khi nhìn ngắm trong không gian.
– Ảnh Xuân Trang