Sau tháng Bảy Âm lịch là vào mùa hoàn thiện nhà cửa. Khâu chọn màu sơn rất được quan tâm không chỉ ở xu hướng hay kỹ thuật, mà còn mở rộng ra chuyện hòa hợp phong thủy. Màu nào hợp tuổi, màu nào xung khắc, những câu hỏi quen mà vẫn lặp lại mỗi năm. Có một vấn đề gần đây nhiều gia chủ đặt ra: tại sao nhiều công trình hiện nay chỉ dùng một màu trắng phủ hết toàn bộ, cho cả trong lẫn ngoài, như thế có gì sai hay đúng về phong thủy, nếu gia chủ không hợp với màu trắng thì phải dùng màu gì?
Đây là câu hỏi tuy không mới nhưng luôn xuất hiện bởi mỗi nhà có một hoàn cảnh, một quan niệm riêng về cách dùng màu. Trong điều kiện nhà ở đô thị hiện đại, chọn màu sắc nào luôn có những đặc trưng riêng cần xem xét toàn diện về công năng và phong thủy.
Tham khảo từ truyền thống đến hiện đại
Nhìn lại nếp nhà truyền thống người Việt trước đây, chủ yếu ở nông thôn, màu sắc của không gian là bảng màu của chính các vật liệu và thiên nhiên chung quanh, ít phối kết nhiều màu như sơn hay các chất liệu công nghiệp sau này. Người xưa chọn nhóm màu theo yếu tố ngũ hành, trong đó màu vàng của vôi, rơm, đất nện,… tương ứng với hành Thổ, màu xanh cây lá và chất liệu gỗ là hành Mộc, màu ngói đỏ tươi, sơn son là Hỏa. Hai màu trắng (Kim) và đen (Thủy) ít dùng, với lý do mang tính tâm linh, trong đó màu trắng được nhiều người xem là thể hiện cho bệnh dịch, tang tóc, màu của hành Kim (hành đối lập với phương Đông, thuộc Mộc). Vốn là cư dân vùng nông nghiệp lúa nước nên việc dùng bảng màu thuần tự nhiên thể hiện đặc trưng văn hóa và các giá trị sống thuận theo tự nhiên được người Việt gắn bó và xem trọng. Bảng màu tự nhiên này cũng thấy phổ biến ở khu vực Đông Nam Á trong kiến trúc Thái Lan, Indonesia, Malaysia… như lẽ tất nhiên cho công trình vùng khí hậu nhiệt đới ẩm mưa nhiều.
Khi có giao lưu với văn hóa Tây phương thì cách dùng màu sắc theo lối hòa sắc mỹ thuật hiện đại mới dần dần phổ biến. Có thể thấy trong không gian sống hiện nay, màu sắc được dùng theo độ tuổi, phong phú rực rỡ hơn với không gian cho tuổi thanh thiếu niên, và giảm dần khi gia chủ bước vào tuổi trung niên. Trong xu hướng hòa trộn nhiều phong cách kiến trúc, nội thất đương đại của thế giới, màu trắng dần được sử dụng phổ biến bởi khả năng dễ phối kết với đa số chất liệu và màu sắc khác, cũng như mang tính hiện đại, văn minh, tinh khiết. Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia chủ Việt (đa số độ tuổi trung niên trở lên) vẫn không thích màu trắng và ưa lối dùng màu truyền thống như một thói quen đã định hình.
Mặt khác, có thể thấy các công trình nhiệt đới hiện đại như ở Singapore đã khai thác yếu tố bố trí mặt nước thuộc Thủy (khắc Hỏa) và màu tương sinh với Thủy như Kim và Mộc để đem đến cảm giác thư giãn nhiều hơn. Màu trắng chính là biểu đạt hành Kim, những sắc độ khác nhau của trắng từ trắng vàng (tông màu ấm) đến trắng xanh lá hay trắng phớt lam (tông màu lạnh) đều có thể được sử dụng làm màu chủ đạo cho nhà cửa xứ nhiệt đới, với quan niệm chung là “nhìn cho nó mát”.
Hướng đến sự hài hòa chung – riêng
Gần đây đa số nhà cửa đã bắt đầu phổ biến kiểu gam phối màu trung tính (neutral) trong đó màu trắng – xám có ánh thêm các màu khác pha trộn vào được xem là giải pháp trung hòa. Xét về phong thủy thì đó chính là cách chọn màu theo hành hòa hợp, ví dụ hợp hành Mộc thì có thể thêm ánh xanh lá (Mộc), xanh biển nhạt (Thủy) hay ánh cam (Hỏa). Việc dùng màu sẽ trở nên dễ dàng hơn, bởi một mặt gia chủ vẫn có được sắc màu mình hợp, mình thích, mặt khác, màu phù hợp đó không sử dụng theo kiểu màu nguyên thủy, mà được pha trộn, phối kết theo xu thế nhẹ nhàng, hiện đại hơn. Vấn đề cảm thấy tốt hay xấu (Cát – Hung) trong phong thủy xét trên khía cạnh tâm lý là sự thoải mái cho người cư ngụ, chứ không chỉ là sự hấp dẫn về thị giác đơn thuần. Một ngôi nhà có thể có hình khối hấp dẫn nhìn từ ngoài vào, nhưng người sử dụng bên trong lại không được “hưởng” bao nhiêu. Hoặc nếu là công trình cửa hàng, dịch vụ thì màu sắc rực rỡ bên ngoài sẽ thu hút khách, nhưng màu sắc bên trong lại phải phụ thuộc vào tính chất làm việc và sản phẩm kinh doanh. Xem xét vật liệu và màu sắc trong bối cảnh không gian sử dụng là tiền đề cơ bản giúp người cư ngụ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hay không, chứ không phải xem xét riêng biệt một màu nào đó có đẹp hay không.
Nguyên lý âm dương xác định: màu càng sáng thì càng gia tăng tính Dương, kích thích luân chuyển Nội Khí, giảm trì trệ của tính âm gây ra do những màu tối hoặc vùng khuất sáng. Do đó màu trắng khi vào phòng ngủ cần được làm dịu bớt như phối với màu hoặc chất liệu trầm lắng hơn như gỗ, vải, giấy dán tường, thảm… sao cho giảm độ chói gắt, dỗ yên giấc nồng. Ngược lại, khi dùng tại không gian sinh hoạt chung, nơi làm việc, màu trắng có thể đi cùng các màu tươi tắn, nổi bật, màu kim loại hay màu của thiết bị, vật trang trí để kích thích thị giác và tăng dương giảm âm.
Bên cạnh đó, màu xanh dương được y học chứng minh là có tác dụng lắng dịu, trấn an tinh thần, bình ổn huyết áp, còn màu xanh lá cây giúp thần kinh dịu lại và mắt được nghỉ ngơi. Nếu được đặt cùng với màu trắng hay xám (gần với sự Thiền định), màu của gỗ và màu vàng nhạt (thể hiện sức sống và sự duyên dáng) thì hoàn toàn có thể tạo ra những hiệu quả thư giãn tốt và hài hòa phong thủy mà các màu đơn lẻ như đỏ, nâu, xanh lá hay vàng tươi không thể làm được. Như vậy, thực chất, màu trắng của sơn dùng trong nhà cửa hiện nay không đơn giản là một màu theo ý nghĩa hội họa, mà là hòa sắc lấy yếu tố sáng trắng làm chủ đạo, trên các bề mặt chất liệu và ánh sáng chiếu vào khác nhau mà thay đổi, làm cơ sở để phối với các vật liệu – màu sắc khác. Điều này vẫn kế thừa tinh thần của nếp nhà truyền thống, đem lại sự thống nhất về tổng thể và chất liệu, giảm thiểu dùng màu lộn xộn, lòe loẹt.
Khái niệm Cát Hung trong nhà ở dựa theo đặc tính sử dụng và mối quan hệ trong – ngoài, yếu tố màu sắc sử dụng tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, mang tính bổ sung hoàn thiện nhưng cũng có tác động trực tiếp vào thụ cảm, thậm chí thay đổi tính chất không gian. Nguyên tắc chung là có thể chọn màu sắc theo ý thích trong không gian riêng tư, nhưng cần tuân thủ các quy luật thị giác tương ứng với không gian chung có quan hệ đối ngoại, như phòng khách, mặt tiền, nơi giao dịch, kinh doanh… trong bối cảnh toàn khu.
Đặc trưng phong thủy của màu trắng như kể trên là màu thuộc Kim, sáng và tính dương, nếu thêm ánh màu khác thì sẽ ngả về hành của màu được thêm. Vấn đề là cần vận dụng đặc tính về màu sắc của Ngũ hành làm tăng cát và giảm hung cho không gian chọn lựa trên cơ sở tìm hiểu đặc tính không gian tương ứng với hành nào, từ đó tìm màu sắc Sinh Vượng với nó, cụ thể như sau:
– Hành Mộc: những không gian liên quan đến sự nuôi dưỡng, ẩm thực, không gian có cây cối, đồ gỗ, tranh ảnh, văn phòng phẩm, vật dụng mềm mại như thảm, quần áo, không gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Màu trắng khi dùng ở không gian này không nên làm chủ đạo, có thể đóng vai trò điểm xuyết, khắc Mộc, tăng độ sáng và tạo sự sạch sẽ, và cần có thêm màu đen hay xanh dương (Thủy), màu đỏ (Hỏa) tùy theo tính chất và mức độ để gia giảm.
– Hành Hỏa: không gian tâm linh, có nhiều năng lượng, đèn vàng và đỏ, nơi chế biến thức ăn, tỏa nhiệt, phòng có nhiều đồ đạc xưa, dưới mái ngói. Theo truyền thống thì Hỏa khắc Kim, nên ít dùng màu trắng ở phòng thờ, dùng tại nhà bếp cũng nên hạn chế vì dễ bị dơ, tuy nhiên nếu màu trắng biến tấu qua hình thức vật liệu (đá, kính có gam màu trắng) thì vẫn phù hợp.
– Hành Thủy: các không gian dùng nhiều nước, mềm mại, hướng xuống thấp, tính âm nhiều như phòng tắm, hàng hiên, hồ thủy sinh, không gian giải trí như phòng nghe nhạc, xem phim (Kim – Thủy phối nhau) các vị trí gắn gương soi và kính các loại như dạng nhà nghỉ dưỡng hiện đại. Màu trắng dùng sẽ khá phù hợp vì tương sinh, tăng cường độ sáng và kích hoạt khí tốt.
– Hành Thổ: các vị trí giao tiếp trang trọng, trung hòa, khoảng trung cung và sân trong, nơi bề mặt thô nhám, vật liệu và sản phẩm có nguồn gốc từ đất, đá, chỗ chưng đồ gốm và mỹ nghệ… đều khá hợp với màu trắng (Thổ sinh Kim). Những vị trí sâu bên trong căn hộ hay bị tối, hoặc giếng trời nơi nhà ống vốn thiếu dương quang, dùng màu trắng rất tương hợp.
– Hành Kim: không gian làm việc, nhiều thiết bị, vật dụng kim khí điện máy, kiểu nhà cổ điển Tây phương, có trang trí lấp lánh, phản quang, tiệm kim hoàn nữ trang… là các không gian sẵn có tính Kim, khi dùng màu trắng cần biến tấu cho gia giảm độ chói, phối trắng trên bề mặt nhám hoặc cong vòm khác nhau, giảm bớt tính dương của màu trắng.
Vận dụng ngũ hành trong màu sắc cần tránh thiên lệch và đảm bảo yếu tố Chính – Phụ, trên cơ sở bổ sung và tương hỗ cho nhau. Cần tránh tình trạng đơn màu hay quá nhiều màu gây phản cảm, cho dù màu ấy có đúng theo tính chất Ngũ hành đi chăng nữa.
- Ảnh Xuân Trang