Cách Hà Nội gần 50km về phía bắc, làng Thổ Hà thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nổi tiếng với nghề gốm truyền thống và quần thể kiến trúc cổ mang đậm dấu ấn của cư dân Đồng bằng Bắc bộ.
Làng có vị trí độc đáo do ba mặt được bao bọc bởi sông Cầu, một mặt giáp với đồi núi xanh tươi. Người dân ra vào làng hầu hết đều phải đi đò qua sông. Bởi thế mà đến đây, người ta có cảm giác như lạc vào một thế giới riêng biệt cổ kính.
Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng với du khách khi đặt chân xuống làng là những con đò đơn sơ đậu bên bến nước với những cây si già buông chùm rễ dài xù xì xuống dòng sông.
Trẻ em trong làng vắt vẻo trên cành cây, tiếng cười đùa lanh lảnh lan tỏa trên mặt nước. Ngay trên bến có một ngôi đền cổ thờ Thành hoàng.
Cạnh ngôi đền là quán nước nhỏ, bàn ghế gỗ cũ kỹ trên nền đất lồi lõm. Bà chủ quán mái tóc bạc phơ, hiền hậu, ngồi nhai trầu bỏm bẻm như trong truyện cổ tích.
Những con đường trong làng nhỏ hẹp và đều được lát bằng thứ gạch đỏ truyền thống đã mòn vẹt vì thời gian. Nhà cửa san sát, mái ngói nhuốm màu rêu phong.
Những bức tường không trát vữa, có chỗ chỉ là những viên gạch, ngói nung hay tiểu sành được xếp chồng lên nhau theo tầng, theo lớp, tạo nên vẻ độc đáo trong kiến trúc.
Vẫn là khung cảnh làng quê Bắc bộ, vẫn là những ngõ nhỏ quanh co hun hút, nhưng Thổ Hà có nét khác lạ hơn bởi sự xuất hiện của bạt ngàn những tấm bánh tráng phủ trắng sân đình, ngõ xóm.
- Xem thêm: Đến Bắc Giang vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm
Làng nghề gốm xưa kia đã mai một dần, nhường chỗ cho nghề làm bánh tráng, mì gạo. Dù vậy, đi dọc ngôi làng vẫn thấy bóng dáng của gốm hiện hữu trên từng vách tường nhà, đường làng và ngay cả hàng rào.
Đó là những mảnh phế liệu gốm như mảnh chum, vại, đồ dùng gốm được dân làng tận dụng cùng với gạch đỏ, xây nên những bức tường có một không hai.
Nghề gốm ở Thổ Hà phát triển rực rỡ từ thế kỷ XIV. Đây là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng.
Theo gia phả làng nghề và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy thì Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ.
Từ lúc có nghề gốm đến đầu những năm 1990, cả làng chỉ sống bằng nghề gốm. Gốm Thổ Hà mang những nét đặc sắc riêng hiếm có: độ sành cao, không thấm nước, tiếng kêu như chuông, màu men nâu đỏ mịn màng, ấm áp.
Nhờ có nghề làm gốm mà cuộc sống của người dân trước đây đầy đủ hơn hẳn những nơi khác. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, cổng làng… bề thế uy nghi.
Tuy nhiên cách đây khoảng 20 năm, trước những thay đổi của thị trường, nghề gốm Thổ Hà gần như mất hẳn sau gần sáu thế kỷ tồn tại.
Trung tâm của làng – đình Thổ Hà tiêu biểu cho không gian tâm linh, văn hóa của người Việt với nét kiến trúc đặc trưng. Ðình có quy mô lớn, các mảng chạm khắc thể hiện phong cách thời Lê rõ nét, độc đáo.
- Xem thêm: Vẻ đẹp cổ xưa ở Tiên Lục, Bắc Giang
Ðề tài thể hiện trên các kiến trúc chủ yếu là tứ linh, tứ quý hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Xung quanh đình, những đường làng, ngõ xóm nhỏ và sâu hun hút cũng làm làng Thổ Hà thêm rêu phong tĩnh mịch.
Những bậc thềm nhà được xây cao hơn hẳn so với mặt đường để chống lại những con nước nổi của sông Cầu mỗi mùa lũ tới.
Bước vào ngõ nhỏ, du khách có cảm giác như đang đi trong không gian của một bức tranh sơn dầu với những tông màu đặc trưng của gạch ngói đã tồn tại lâu đời và một lối kiến trúc rất xưa.
Với vẻ đẹp cổ kính ở các kiến trúc cổ cùng những nghề thủ công truyền thống, Thổ Hà đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến.
Tiếc thay, do nhu cầu ở của người dân ngày càng cao, chính quyền lại chưa có chính sách bảo vệ các công trình cổ, một số nhà cổ trong làng đã bị phá hủy và thay thế bằng các ngôi nhà mới trông lạc lõng với khung cảnh chung.
Để giữ gìn vẻ đẹp cổ kính, làng Thổ Hà cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của ngành du lịch và của chính quyền các cấp.