Với kiến trúc nói chung, những không gian nghỉ dưỡng nói riêng, mặt nước là một chất liệu kỳ lạ. Nước trong vắt, nhân đôi không gian, giúp cảm nhận nhiều chiều về kiến trúc. Nước tính âm, là thể tĩnh khi dừng, lúc lưu chảy lại đa dạng, uyển chuyển và rất động. Nước tạo phông nền, bối cảnh lớn cho những cảm hứng sáng tạo, gia tăng giá trị thẩm mỹ cho kiến trúc, những phẩm chất không thể thiếu trong khu nhà nghỉ cuối tuần giản dị của một gia đình cũng như những khu resort 5 sao lộng lẫy.
Con người được tạo ra từ một làn nước
lan rộng (kinh Coran)
Có thể tìm thấy ví dụ ở Di Hòa viên (TK16) của Từ Hy thái hậu, khu biệt thự cổ (TK17) của Nhật hoàng bên dòng Sakuradabori hay ngôi nhà bên thác (1934-1939) mà Frank Lloyd Wright thiết kế ở Mill Run, Pensylvania Hoa Kỳ…
Kiến tạo một thủy cảnh đẹp cho kiến trúc là cả một kỳ công. Ngoài việc may mắn lựa chọn được những cuộc đất có bờ biển rộng mở, sông suối ôm ấp, có hồ đầm tụ khí, nhiều công trình phải rất tốn kém khi khai sơn phá thạch, vun đất dựng nền cho những suối, hồ, thác, bể nhân tạo.
Việc xây dựng hồ bơi nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á ở khu Hòn Ngọc Việt resort – Nha Trang là một ví dụ. Hồ rộng gần 6.000m2 là một đầu tư rất tốn kém nhưng lại không thể thiếu khi tạo nhịp nối mềm mại giữa những khối kiến trúc lớn với cảnh quan tự nhiên của một vùng biển vào loại đẹp nhất Việt Nam. Thiếu hồ nước cùng cảnh quan của vườn cây, đảo dừa, những nhịp cầu gỗ nối bước từ đảo lớn tới đảo nhỏ có lẽ cả khu resort 5 sao sẽ na ná những hotel đang dư phòng ở trong đất liền.
Giải pháp xử lý mặt nước ở Furama resort (Đà Nẵng) lại cho người ta cảm nhận tinh tế về những dòng chảy. Thác nước nhỏ, giật nhiều cấp phía trước sảnh cho cảm giác về vóc dáng lớn hơn của resort. Một hồ nước mỏng, dài đi qua sảnh là cách trang trí khá ấn tượng, vừa định hướng không gian vừa mở dần ra bể bơi lớn hơn trước khi… òa ra biển rộng.
Lấy cảm hứng về một không gian kiến trúc Việt, những hồ nước nhỏ, nông, có trang trí tiểu cảnh giữa các khối nhà của Victoria Hội An lại cho ấn tượng về những khoảnh ao làng hoặc những bể nước chứa hòn non bộ. Những khe nước tạo cớ cho những nhịp cầu đá nhỏ vắt qua là hình ảnh rất quen thuộc của đồng bằng châu thổ cũng như các minh viên của Trung Hoa xa xôi.
Đưa các tín hiệu văn hóa Chàm vào kiến trúc resort là thành công đầy ấn tượng của Life resort ở Quy Nhơn. Những hàng cột gạch trần ở đây gợi nhớ những sàn múa kỳ lạ xa xưa của các vũ công Apsara. Và cái khó quên nhất ở Life chính là trục biểu tượng linga-yoni nối sảnh và hồ bơi. Hồ bơi lơ lửng trên bờ dốc đá, bạn đang bơi trong hồ hay bồng bềnh trên biển, trong giao thoa của quá khứ và hiện tại, giữa niềm vui bất chợt với một tình yêu vĩnh hằng?
Với motel Cà Ná – Bình Thuận (tác phẩm đoạt giải khuyến khích Giải thưởng kiến trúc VN 2004 của KTS Nguyễn Văn Tất) người ta thấy rất rõ câu chuyện kiến trúc đối thoại thân thiện với biển cả. Những ngôi nhà một tầng độc lập, những chòi lá như ẩn vào trong đá, lớp mái nhọn là dáng một con tàu hay những cánh buồm đang nhẹ lướt.
Đối thoại thân thiện với biển cả còn có chiếc cầu tre nối bờ đá với… xa khơi của KTS Nguyễn Đình Giới ở nhà hàng Con Sẻ Tre (Nha Trang) hay tượng Visnu lặng lẽ trước hồ bơi trên biển ở Hòn Ngọc Việt; vị thần tay cầm vỏ ốc tượng trưng cho âm dương ngũ hành, đĩa mặt trời tượng trưng cho thần trí, cây cung tượng trưng cho vũ trụ vận hành và cây trùy tượng trưng cho tri thức nguyên thủy. Visnu luôn sẵn sàng giáng trần cứu nhân độ thế. Đây là những giải pháp giản dị, không tốn kém mà dấu ấn đủ tạo nên những nét duyên riêng của mỗi công trình.
Ẩn vào thiên nhiên dẫn lộ cho cảm hứng tìm tòi, sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa bản địa chính là sức hấp dẫn của mỗi thiên đường nghỉ dưỡng.
- Bài và Ảnh Xuân Bình