Triển lãm Kìa non non, nước nước, mây mây trong loạt tranh Đối Ảnh của họa sĩ Hà Mạnh Thắng đang diễn ra trong một không gian cổ kính tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là ngôi nhà có lối kiến trúc thuộc địa được xây dựng năm 1889 bởi dòng họ Ấn Độ Nattukottai Chettiars tại Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX. Nhằm tri ân di sản, chủ đầu tư, kiến trúc sư Trần Lê Quốc Bình và họa sĩ Hà Mạnh Thắng quyết định cải tạo giữ lại cấu trúc tổng thể, biến không gian lầu một tòa nhà trở thành nơi trưng bày nghệ thuật. “Từ cảm giác bí ẩn của không gian xưa, chúng tôi muốn giữ được sức hút, tinh thần và năng lượng ngôi nhà. Dấu vết thời gian, mảng rêu, tường cũ, sơn son, thếp vàng, là những gợi ý để tôi tạo nên bề mặt tác phẩm. Lần đầu ghé thăm, tôi đã biết chắc chắn đây là địa điểm chính xác, tuyệt đối, duy nhất, mang được trọn vẹn tinh thần mà tác phẩm của tôi muốn truyền tải và đối thoại”, họa sĩ chia sẻ.
Bề mặt tranh của Hà Mạnh Thắng mang đến cảm giác của các lớp bụi, than, đá, nước, lửa, vàng, bạc… Họa sĩ nỗ lực tái tạo năm yếu tố ngũ hành cấu thành nên thế gian, như một cách chiêm ngưỡng thế giới ở dạng vi mô. Ông đồng thời ca tụng khả năng bền chắc nhất của lụa – nơi neo bám của các lớp sơn dày đặc này. Không chỉ nhìn lụa như một chất liệu, mà còn là một bề mặt, giáo sư lịch sử nghệ thuật châu Á, nhà phê bình Nora Taylor từ Học viện Nghệ thuật Chicago (Hoa Kỳ) nhận xét rằng, Hà Mạnh Thắng đã khám phá ra một phẩm chất phi thường của lụa, đó là khả năng biến hóa khá giống đá của nó. “Mặt bên này, các lớp sơn dày đặc tạo ra vô số các đỉnh núi và thung lũng. Mặt kia, ánh sáng xuyên qua lớp lụa trong khung mica mài, hiệu ứng như ánh nắng xuyên qua màn sương mù ẩm ướt”, bà nói.
Tiếp tục nguồn cảm hứng từ di sản văn hóa trong suốt gần một thập kỷ qua, các tấm tranh phong cảnh Đối Ảnh của Hà Mạnh Thắng lần này được gợi ý từ không gian, ngôn ngữ ước lệ của cổ thi, phom dáng bề thế, vững chãi và tính phi thời gian của bia-đá-đứng trong lịch sử văn hóa Á Đông. Phom hình của các bia-đá-đứng này thường có ba phần: phần trán; phần đế khum tròn, xưa kia có thể là hình lưng rùa, bệ sen; phần lòng bia ghi khắc các thông tin quan trọng có ảnh hưởng xã hội, như đạo lý, áng văn chương, ghi công trạng… để truyền lại đời sau. Họa sĩ sắp đặt tác phẩm lên trên chiếc bàn gỗ cẩm theo motif cổ thời Nguyễn. Các tác phẩm dựng đứng cao gần 3 mét, trông xa như những tấm bình phong kích thước lớn để khán giả có thể ngắm nhìn từ hai phía.
Kiến trúc sư Trần Lê Quốc Bình tin rằng, sự gặp gỡ giữa nơi chốn bí ẩn và đầy tính lịch sử của Sài Gòn này với Kìa non non, nước nước, mây mây của Hà Mạnh Thắng là một cuộc đối thoại thi vị về tính phi thời gian.
Hà Mạnh Thắng bắt đầu sự nghiệp với phong cách Pop-Art và nhanh chóng trở thành họa sĩ hàng đầu Việt Nam vào những năm 2010. Mặc dù vậy, họa sĩ đã dần chuyển hướng khi sớm thấy mình trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật Á Đông qua việc sưu tập cổ vật, đọc cổ thi, triết học Phật giáo và thơ thiền.
Kìa non non, nước nước, mây mây do Galerie Quỳnh tổ chức
Mở cửa từ thứ 3 tới chủ nhật
Từ 10g – 19g, 20-12-2022 đến 4-2-2023
Tại số 29-31 phố Tôn Thất Thiệp, quận 1, TP. Hồ Chí Minh