Cúc đại đóa nở rộ trong khoảnh khắc tàn ngày. Buồng chuối đi vào một cuộc mãn khai mới. Nụ cười tre trúc, lũ cá chép trông trăng và sen hồng mấy độ…
Bước vào thế giới Trúc Chỉ, bắt gặp những “thân thuộc” Việt Nam. Những “bức tranh trong giấy” đó đã đưa nghề giấy thành nghệ thuật giấy, đưa người nghệ nhân dân gian thành những nghệ sĩ trong cuộc tìm về của bản sắc và nâng tầm giấy Việt lên một vị trí đĩnh đạc, sang trọng.
Nguyên liệu làm nên những tác phẩm tranh Trúc Chỉ đậm chất nghệ thuật chủ yếu là tre. Mỗi loại tre mang đến một chất liệu, một ý nghĩa khác nhau bên trong họa tiết của bức tranh, nên mỗi một tác phẩm là một bản duy nhất với tất cả những sáng tạo, kỳ công mà tác giả gửi gắm vào đó. Đắm mình trong tranh Trúc Chỉ, dễ dàng nhận ra nét thanh tao của từng đóa sen hay vẻ an nhiên của Đức phật, mỗi bức là một độc bản mang một nét nghệ thuật riêng biệt với những họa tiết in chìm trên giấy.
Tinh hoa của tranh Trúc Chỉ là biến giấy – thứ trước đây chỉ được dùng làm nền nay đã trở thành một tác phẩm độc lập, có ý nghĩa và có hồn hơn. Cuộc sống càng phát triển, xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì người ta càng có xu hướng tìm về những giá trị truyền thống mà tiền nhân đã dày công phát triển. Trên cơ sở quy trình làm giấy dó truyền thống, họa sĩ Phan Hải Bằng (giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế) dùng nguyên liệu tre thay thế nguyên liệu vỏ dó để tạo nên loại giấy Trúc Chỉ và cùng đội ngũ phát triển từ 2011 đến nay. Sau hơn 10 năm xây dựng đã định hình một xu hướng tiêu dùng mới với tên gọi nghệ thuật Trúc Chỉ. Từ Huế, những “bức tranh” được làm từ giấy tre đã đi vào đời sống, đi vô Nam ra Bắc và tiếp tục chu du ở nước ngoài.
Bên cạnh tre, trúc, Trúc Chỉ khai thác câu chuyện xơ sợi từ những nguyên liệu xanh của địa phương như bèo, sen, rơm rạ…, cộng thêm tiến bộ khoa học kỹ thuật khác giúp tăng độ bền, thích ứng với điều kiện khí hậu. Nghệ thuật Trúc Chỉ không chỉ được sử dụng nhiều trong những không gian nội thất gần gũi mà còn hiện diện ở những không gian trang trọng như Văn phòng chính phủ, phòng tiếp khách quốc tế của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, vinh dự được chọn làm quà tặng Nhật Hoàng khi ông đến thăm Huế…
Lần đầu tiên “gặp” nghệ thuật Trúc Chỉ, ông Võ Văn Quân – người sáng lập tranh thêu XQ bị hình hài hư ảo mà gần gũi của nghệ thuật Trúc Chỉ chiếm lấy tâm trí. Ông nói: “đây không phải là giấy, đây là một giá trị văn hóa”.
Phòng tranh Trúc Chỉ Km số 1.000 tại 51B Tú Xương, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP. HCM trưng bày đầy đủ các dòng nghệ phẩm tinh tế Nghệ thuật Trúc Chỉ dày công sáng tạo. Ngoài ra thì Vườn Trúc Chỉ tại Huế Trúc Chỉ Km số 0 luôn có các hoạt động thưởng lãm và trải nghiệm nghệ thuật thường xuyên.
- Xem thêm: Phan Hải Bằng và đồ họa Trúc chỉ