Có dịp lên vùng cao Bát Xát của tỉnh Lào Cai, tôi may mắn được dự một trong những lễ hội quan trọng của người dân tộc Hà Nhì bản địa – đó là lễ hội cúng thần gió – thần đất để cầu mùa màng trong năm tốt đẹp. Lễ hội được tổ chức ở từng gia đình trong bản và sau đó ở một khu rừng cấm thường nằm tại trung tâm bản làng, nơi có những loại cây gỗ quý được dân bản bảo vệ nghiêm ngặt. Ở đó có một ngôi nhà làm bằng gỗ quý, được dựng để người già và trẻ nhỏ ngồi dự lễ hội cầu mùa.
Mấy ngày lễ hội thật tưng bừng, tuy nhiên điều khiến tôi quan tâm lại là những ngôi nhà của dân Hà Nhì, mà theo tôi chúng có những nét kiến trúc rất đặc trưng, độc đáo so với nhà ở của nhiều dân tộc thiểu số khác trên vùng cao Tây Bắc. Đó là những ngôi nhà trình tường, nền đất, mái rạ, vuông vức, chỉ có một cửa ra vào, nhìn từ xa trông như những ngôi nhà đồ chơi của trẻ em. Với tường đất được trình rất dày, có khi đến 0,5m, ngôi nhà rất ấm vào mùa đông khắc nghiệt ở vùng núi, lại mát mẻ khi mùa hè đến với cái nóng nung người ngoài trời. Những ngôi nhà tường đất dày như vậy có thể bền vững sau nửa thế kỷ. Nhà thường làm ba gian, có hiên rộng phía trước, bên trong chia thành nhiều phòng nhỏ, đặc biệt bao giờ cũng có phòng dành cho khách theo tục lệ cũng như lòng hiếu khách của người Hà Nhì.
Dễ thấy các ngôi nhà ở Bát Xát rất giống nhau về hình thức, kiến trúc. Điều đó có lý do: công việc dựng nhà của bất kỳ người dân bản nào cũng được coi là việc chung của bản làng; tất cả các công đoạn làm nhà đều được làm chung theo kiểu đổi công. Tôi làm nhà cho anh thì sắp tới anh sẽ làm nhà cho tôi… Nhờ đó, công việc dựng nhà thường nhanh chóng và có sự thống nhất về vật liệu cũng như thao tác, kỹ thuật.
Tôi có vào thăm một gia đình Hà Nhì, quả thật dù trời bên ngoài đang lạnh giá nhưng bên trong nhà ấm áp, dễ chịu. Ngồi trong nhà uống chén trà, nhìn ra mảng xanh bên ngoài thật mát mắt, tai nghe những âm thanh của gió núi thổi về và tiếng chim hót trên những tán cây, lòng chợt nghĩ hạnh phúc trong cuộc sống có khi chỉ giản dị thế này!
Nếu chưa có dịp lên vùng cao nhưng lại muốn tận mắt xem nhà của người Hà Nhì, bạn có thể đến Bảo tàng Dân tộc học (trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội), một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở thủ đô.
- Lam Lê (Hà Nội), Ảnh Trọng Chinh